Luật Đo lường còn khó hiểu
Đồng ý với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về sự cần thiết ban hành Luật Đo lường, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng, một trong những yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế là giảm thiểu những cản trở và loại bỏ bớt rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT). Để làm được điều này cần phải có sự thống nhất về đo lường giữa các quốc gia thành viên theo hệ đơn vị đo lường quốc tế (SI) và các quy định của các tổ chức đo lường thế giới mà Việt Nam là thành viên; đồng thời, tăng cường việc thỏa thuận, thừa nhận lẫn nhau (MRA) về đo lường. Hơn nữa, chính sách, pháp luật về đo lường, hệ thống đo lường đã bộc lộ một số bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân như đo lường trong kinh doanh xăng dầu, taxi...
Tuy nhiên, trong dự án luật, còn có quá nhiều thuật ngữ chuyên ngành, và việc giải thích thuật ngữ còn hết sức khó hiểu, không rõ ràng như khái niệm như “đơn vị đo khác”, “phương tiện đo khác” và “phép đo khác” thuộc phạm vi đo lường khoa học và đo lường công nghiệp. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến tính khả thi của Luật. Do vậy, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị, cần giải thích dễ hiểu để mọi người dân, các cơ quan liên quan đều có thể áp dụng được.
Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hoá), thực tế các hành vi vi phạm các quy định về đo lường hiện nay khá tinh vi, vừa có tính phổ biến vừa phức tạp, ảnh hướng đến việc bảo đảm công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức và cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư… Tất cả những vấn đề liên quan đến đo lường đều thiết thân với mọi người song khi tiếp cận với dự án luật những vấn đề này rất khó hiểu, khó hình dung. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần phải làm rõ các thuật ngữ chuyên ngành.
Không chỉ băn khoăn về thuật ngữ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) còn băn khoăn về bố cục, sự thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành của dự án luật. Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà, nhiều vấn đề quy định tại dự án luật đã được các luật như Luật An toàn thực phẩm; Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá điều chỉnh. Vì vậy, cần rà soát lại hệ thống văn bản để bảo đảm sự thống nhất cũng như tính khả thi của luật.
Cùng với những ý kiến xung quanh về phạm vi điều chỉnh, bố cục, tính khả thi thì những quy định liên quan đến quản lý nhà nước về đo lường cũng được nhiều đại biểu góp ý. Đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, nếu chỉ quy định về thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, thành phố TƯ trong quản lý nhà nước về đo lường là không phù hợp với thực tế và khó khả thi, cần bổ sung thêm trách nhiệm của UBND các cấp trong vấn đề này.
Đại biểu Hà Thanh Toàn (đoàn Cần Thơ) lại cho rằng, quy định quá nhiều việc cho Bộ Khoa học và Công nghệ, chẳng hạn tại Điều 32 quy định Bộ này có trách nhiệm tổ chức quản lý, thiết lập, duy trì, bảo quản và sử dụng hệ thống chuẩn đo lường; tổ chức quản lý về đo lường đối với phương tiện đo, phép đo, hàng đóng gói sẵn… trong khi đó các Bộ khác chỉ có nhiệm vụ đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Danh mục phương tiện đo pháp định, Danh mục hàng đóng gói sẵn và quy định về phép đo pháp định (Khoản b Điều 32). Những quy định này không những chưa thể hiện được sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về đo lường mà còn thể hiện sự mâu thuẫn vì việc ban hành các danh mục phương tiện đo là trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, nên các bộ liên quan không phải “đề nghị”.
Hoàn thành dự án không phải là hết trách nhiệm
Cũng tại phiên thảo luận tổ sáng nay, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện dự án NMLD Dung Quất 1. Dự án NMLD Dung Quất 1 sau 13 năm thực hiện đến nay đã hoàn thành đi vào vận hành thương mại và mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội thiết thực, góp phần vào công cuộc CNH - HĐH đất nước. Nhiều ý kiến đại biểu tại phiên thảo luận tổ sáng nay đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về việc công nhận kết thúc xây dựng công trình quan trọng quốc gia NMLD Dung Quất 1 và giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Chủ đầu tư hoàn thành toàn bộ công tác quyết toán và vận hành công trình an toàn, hiệu quả. Quốc hội vẫn phải giám sát cho đến khi báo cáo quyết toán đầy đủ và giám sát trong một thời gian theo định kỳ đánh giá hiệu quả kinh tế mà dự án mang lại.
Công trình NMLD Dung Quất đã và đang đem lại tác động tích cực về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng, đã đánh dấu sự trưởng thành của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam. |
Đa số đại biểu đồng tình với Báo cáo của Chính phủ, cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về kết thúc xây dựng và đưa vào vận hành công trình quan trọng quốc gia NMLD Dung Quất 1.
Nhiều đại biểu cho rằng, chủ trương đầu tư dự án NMLD Dung Quất là đúng đắn, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực miền Trung nói riêng và góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung. Công trình NMLD Dung Quất đã và đang đem lại tác động tích cực về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng, đã đánh dấu sự trưởng thành của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, Báo cáo của Chính phủ chưa đề cập cụ thể và phân tích sâu sắc về những vấn đề liên quan đến “hậu” Dung Quất.
Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Doãn Thanh (đoàn Hà Nội) thẳng thắn, hoàn thành dự án không có nghĩa hết trách nhiệm mà cần quan tâm đến nhiều vấn đề sau khi dự án này hoàn thành, trong đó có vấn đề chất lượng sản phẩm, coi đây là vấn đề sống còn của dự án. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phát (đoàn Thanh Hóa) đề nghị, nên dự báo về khả năng thu hồi vốn và tác động bên ngoài của dự án. Qua tác động này, xâu chuỗi các lợi ích không chỉ riêng trong nhà máy lọc dầu mà còn các ngành dịch vụ khác.
Ở một góc nhìn khác, theo đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên), công tác tái định cư là một vấn đề phải quan tâm. Theo báo cáo của Chính phủ, có 2.525 hộ dân bị thu hồi đất cho dự án, trong đó lao động địa phương được tuyển vào làm việc tại nhà máy là hơn 600 người. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, một bộ phận nông dân không có việc làm, không chuyển đổi được nghề. Đây là vấn đề không chỉ có chủ đầu tư mà chính quyền địa phương cần tính toán. Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) đề nghị, Chính phủ, Quốc hội quan tâm đến lợi ích của người dân, đặc biệt là những người mất đất. Đại biểu Nguyễn Viết Thịnh (đoàn Hà Nội) lại cho rằng, huy động nguồn nhân lực, trong đó có lao động phổ thông là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên khi nhà máy đi vào hoạt động thì chỉ cần lao động có trình độ cao, chính vì thế cần phải đặt ra vấn đề đào tạo.
Cũng liên quan đến vấn đề “hậu” Dung Quất, đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng đề nghị, trong Báo cáo của Chính phủ cần bổ sung thêm phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Một là, tiếp tục hoàn chỉnh những việc còn đang dở dang. Hai là, quyết toán đầy đủ chính sách và báo cáo quyết với Quốc hội vào kỳ họp gần nhất và trong báo cáo quyết toán đề nghị có phương án thu hồi vốn. Ba là, xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch khai thác dài hạn, trung hạn và ngắn hạn của dự án, gắn với khu kinh tế Dung Quất, gắn với việc mở rộng nhà máy khai thác; đồng thời gắn với đào tạo cán bộ và gắn với hệ thống lọc dầu cả nước.
Quang Anh