Đấu trường Sunbot cấp Quốc gia 2024 được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD), trực thuộc Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng (GDCSSKCĐ) Việt Nam kết hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục KIRO Việt Nam.
Đồng tổ chức chương trình có Tập đoàn khoa học công nghệ Hoàng Việt, Công ty CP Truyền thông & Giáo dục Cầu Vồng và các đơn vị tài trợ.
Tham gia chương trình, có sự góp mặt của các Phó Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam: TS. Lê Đình Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; PGS.TS. Nguyễn Thị Chính; PGS.TS.NGND. Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện IPD; Ông Vũ Việt Anh; TS. Vương Văn Việt, Tổng Biên tập Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng. Cùng đại diện các ban, văn phòng trực thuộc Hội và các cô giáo, các vị phụ huynh, học sinh đến từ 24 đội chơi tại các cơ sở giáo dục Mầm non trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS.NGND. Nguyễn Võ Kỳ Anh, Phó Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam, Viện trưởng Viện IPD cho biết: Theo truyền thống hàng năm, Viện IPD tổ chức thi đấu cho trẻ em trong các trường Mầm non, đây là lần thứ 2 Viện tổ chức Đấu trường Sunbot cấp Quốc gia. Một đấu trường chưa từng có trong lịch sử giáo dục Mầm non nước ta, là đấu trường duy nhất và đầu tiên của các trường Mầm non.
Đấu trường Sunbot cấp Quốc gia 2024 nhằm mục đích giúp cho trẻ em các trường Mầm non, các gia đình có điều kiện được tiếp cận với giáo dục sớm, tiếp cận với công nghệ trong thời đại ngày nay.
Theo PGS.TS.NGND. Nguyễn Võ Kỳ Anh, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại trí tuệ nhân tạo (AI). Vì thế, đòi hỏi mỗi con người của nói chung và các thế hệ VIệt Nam nói riêng phải thay đổi, thích nghi và phát triển.
Trong thời gian 5 năm trở lại đây, Viện IPD cùng Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục KIRO Việt Nam triển khai chương trình giáo dục Robotics và giáo dục STEAM ở nhiều trường trên nhiều tỉnh thành trong cả nước và đã đạt rất nhiều thành quả.
Đặc biệt, đã được hệ thống giáo dục các cấp, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo ở các trường Mầm non và các cháu hưởng ứng tích cực, đồng tình, ủng hộ cho chương trình.
Do đó, tại Đấu trường Sunbot cấp Quốc gia lần thứ 2 này, các cháu nhỏ của 24 trường, đại diện cho hàng trăm trường trên các tỉnh, thành đã ứng dụng Robotic và giáo dục STEAM sẽ trình diễn những điều mà các cháu đã học được, những điều mà các cháu được chơi, trở thành kỹ năng, kiến thức của các cháu trong quá trình chơi mà học, học mà chơi.
PGS.TS.NGND. Nguyễn Võ Kỳ Anh cũng hy vọng rằng, Đấu trường Sunbot cấp Quốc gia 2024 sẽ mang lại những điều hứng khởi cho tất cả trẻ em, cho tất cả đại biểu tham dự, cùng quan sát, theo dõi những kỹ năng, động tác, thái độ của các cháu nhỏ trong cuộc thi.
Đồng thời, biểu hiện thêm sự tự tin, sự sáng tạo trong thảo luận nhóm, các cháu sẽ giúp cho mỗi người có được cảm xúc thăng hoa, vỡ òa, bất ngờ đối với sự thông minh, sáng tạo của con trẻ.
Điểm sáng của cuộc thi chính là phần thi Thủ lĩnh trí tuệ, nơi các bạn nhỏ thi đua lập trình cho robot Sunbot đi tới điểm được chỉ định theo đề bài một cách nhanh nhất. Đây là phần thi dựa trên môn học Lập trình tư duy cùng Sunbot.
Thời gian một phần thi diễn ra rất nhanh, chỉ 1-2 phút, đôi khi chỉ 30 giây. Nhưng để làm được điều đó các chiến binh Sunbot (tên gọi của thí sinh tham gia Đấu trường Sunbot) phải biết cách kết hợp các kỹ năng, bao gồm: Giải câu đố của BTC để tìm điểm đích chính xác; Xác định vị trí của điểm đích trên bản đồ nhiều chướng ngại vật; Tính toán đường đi từ điểm đặt Sunbot tới đích; Lập trình robot sử dụng nút lệnh (tiến, lùi, phải, trái).
Kết quả của phần thi thể hiện sự hội tụ của các kỹ năng như tư duy logic, khả năng phán đoán, trí thông minh toán học, khả năng thao tác và ghi nhớ chính xác, bên cạnh kiến thức về đời sống và xã hội cơ bản. Thông qua việc lập trình robot, trẻ thể hiện khả năng kiểm soát hiệu quả và làm chủ các thiết bị công nghệ cao.
Có thể thấy, trong khuôn khổ Đấu trường Sunbot cấp Quốc gia 2024, trẻ mầm non được khích lệ phát triển tinh thần học hỏi và khám phá, đặt nền móng vững chắc cho việc tiếp cận và làm chủ công nghệ từ sớm.