Đầu năm, mẹ dẫn đi chợ Tết... người nghèo

GD&TĐ - Phiên chợ Tết Gia Lạc là nơi để dành cho những người nghèo như mẹ tôi, ba ngày Tết chợ họp ngắn ngủi, cũng như cuộc đời buồn nhiều hơn vui.  

Đầu năm, mẹ dẫn đi chợ Tết... người nghèo

Chợ Gia Lạc (thuộc xã Phú Thượng, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) do ông hoàng Định Viễn (con vua Minh Mạng) thành lập, mỗi năm chỉ họp trong 3 ngày Tết (mùng Một đến hết mùng Ba) để giúp đỡ những người mắc nợ cuối năm không trả được phải trốn tránh, có nơi mua sắm cho gia đình ăn Tết (theo lệ tục Huế đầu năm không đòi nợ người khác).

Đã xa rồi cái tuổi ngồi chờ mong Tết đến. Năm cùng tháng tận, trông thấy mọi người bươn bả các buổi chợ cuối năm, lòng tự dưng nhớ mẹ vô cùng!

Cũng vào cuối năm, trời mưa lâm thâm và rét cắt da cắt thịt, mẹ khoác manh áo dài phong phanh, băng đồng làng Mỹ Lý cho kịp chuyến đò đi họp chợ. Đôi quang gánh mẹ xếp đầy lá chuối vườn nhà, cắt từ chiều hôm trước, bán cho người gói bánh tét, bánh chưng ăn Tết.

Trời mùa đông chóng tối, cánh đồng mênh mông mờ dần, chỉ còn tiếng ếch nhái thê lương, mẹ vẫn chưa về! Nhà nhà lên đèn, nỗi lo sợ tràn ngập hồn tôi, lũy tre rũ bóng run rẩy như bóng người đàn bà mất trí lang thang hôm nào, làm tôi nghẹn ngào khóc không thành tiếng.

Bỗng tiếng liếp cửa kẽo kẹt, mẹ len vào, chân không, trong chiếc thúng đựng gạo nếp, hương hoa, nhang đèn... chỏng chơ đôi guốc mộc mòn vẹt gót. Khi nước mắt tôi không kìm được rơi lã chã trên từng trang vở, mẹ cười thật hiền và ôm tôi vào lòng, lẫn trong tấm áo mỏng ướt sương đêm là mồ hôi mặn chát.

Những ngày cuối năm, mẹ thường đi về khuya khoắt như thế. Sớm mai, lúc tôi cảm thấy chiếu chăn lạnh lẽo, quờ tay sang mẹ đã đi rồi! Phải đến cái Tết lên mười, lúc tôi nhận biết mình là đứa con nhà nghèo nhất, nhì trong làng, tôi mới hiểu chuyện.

Ở quê, có hai việc không thể để sang năm mới: Việc tang và công nợ. Tết nhất cận kề, nợ nần không chỉ là vật chất mà còn là nỗi nhục nhã ê chề, nếu không trả được trong năm cũ. Đêm ba mươi, khi tiếng pháo mọi nhà nổ râm ran, mẹ lặng lẽ gắp từng hòn than đỏ rực từ bếp lửa, bỏ nhè nhẹ vào chiếc bàn ủi hình con gà trống. Mẹ là phẳng phiu cho tôi tấm áo mới, xong rồi mở rương lấy ra chiếc áo dài tím Huế mỗi năm chỉ mặc đôi lần. Chiếc áo dài màu tím của mẹ! Cả tuổi thơ tôi đã quen với màu tím ấy, một màu đẹp và buồn suốt đời không quên.

Sáng mồng Một hay mồng Hai, không nhớ nữa, mẹ đưa tôi đến một cái chợ rất lạ, mỗi năm chỉ họp trong ba ngày Tết. Đó là chợ Gia Lạc, cách làng tôi một quãng đường rất ngắn. Tôi hỏi mẹ “Sao không đi chợ làng mình, đông vui hơn?". Mẹ tôi không nói năng gì, chỉ nhủ tôi gắng đi mau.

Gọi là chợ Tết, thật ra mọi người mua bán dưới những mái hiên nhà cổ thấp lè tè, trông ra đường cái quan. Chiếc cột gỗ lim lên nước, mái ngói xanh rêu, là nơi chăng dây treo lủng lẳng nhiều thứ đồ chơi dân dã. Bọn trẻ quê trạc tuổi tôi nhìn ngắm mê say, đứa dạn dĩ còn với tay chọn lựa, ngã giá...

Bày trên thúng mủng, là vô số con cá, chim chóc, hoa tai, có cả ông Trạng cưỡi ngựa, bà Trưng cưỡi voi... tất cả nặn bằng bột sắn nhuộm màu sặc sỡ. Món hàng này khá rẻ, mua về chơi trò cỗ bàn cúng tế, sau đó chán chê đem nướng ăn ngon lành, miệng đứa nào đứa nấy lọ lem những phẩm màu xanh đỏ, màu lọ nghẹ đen ngòm... Loại đồ chơi thứ hai cỡ lớn hơn, nặn bằng đất sét tô màu các loài cầm thú: Voi, ngựa, trâu, gà...

Đứa trẻ nào ưa để dành tiền mừng tuổi thì chọn con heo đất mập ú, có chừa lỗ bỏ xu hào rủng rỉnh. Giữa tiếng người xôn xao, nói cười rộn rã, ồn ã vang lên liên hồi tiếng gà gáy.

Con gà đất là món đồ chơi bán chạy nhất. Đó là chú gà trống đẹp mã, dưới bụng có cái kèn be bé bằng tre hóp, lưỡi kèn là miếng lá run theo hơi thổi, tạo ra tiếng gà. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ, mỗi buổi sáng mồng Hai, mồng Ba, lũ trẻ xóm giềng mang gà đất ra thi gáy. Giỏi thổi và biết cách luyến láy ngón tay ở cái lỗ nhỏ xíu trên lưng gà, tiếng gáy trầm bổng hấp dẫn.

Loại đồ chơi thứ ba được treo trên dây là hàng mã làm bằng tre và giấy ngũ sắc: Cái trống “lung tung”, chong chóng, con ve ve, con nhảy vọt, người giã gạo... Tiếng trống “lung lung” rộn ràng làng trên xóm dưới, nhờ hai hạt đất sét khô dính vào hai sợi chỉ ngắn liên hồi gõ lên mặt trống bằng giấy kính màu. Bọn trẻ xoay trống, bàn tay mỏi nhừ vẫn ưa nghe. Tiếng trống trẻ thơ ấy vui như Tết và cũng mong manh như Tết, hết Tết biết tìm đâu…

Chợ Gia Lạc ngày đó ngoài hàng đồ chơi trẻ con còn những hàng cau trầu bán cho người mua lộc đầu năm, ba ngày Tết lá trầu tươi xanh là năm mới nhiều may mắn. Đám người lớn ăn vội miếng cau trầu thắm môi làm duyên, rồi rủ nhau sa vào hàng đỏ đen như: cua bầu, bài vụ, bài chòi để thử thời vận. Tôi nằng nặc bắt mẹ về, bởi cái ông hò bài chòi miệng cứ đưa đẩy chọc ghẹo đàn bà, con gái. Cặp mắt lúng liếng của ông ta nhìn ngang liếc dọc, thỉnh thoảng dừng lại thật lâu ở những cô gái xinh đẹp, má đỏ môi hồng...

Phải đến khi khôn lớn, tôi mới hiểu vì sao mẹ dẫn tôi đi chợ Tết nơi đây. Chợ Gia Lạc là chợ Tết của người nghèo nơi thôn dã, họ tránh chạm mặt chủ nợ vào ngày đầu năm mới; dù chẳng ai đòi nợ trong ngày Tết bao giờ.

Những người làm bán đồ chơi cũng là dân nghèo, đa số ở làng Lại Ân (tục gọi là làng Sình), vốn nổi tiếng về nghề vẽ tranh dân gian, làm bài tới và nặn con giống. Hằng năm, giữa tháng chạp, nhà tôi lại có khách làng Sình.

Đó là một ông lão tuổi gần bảy mươi, mắt đeo kính trễ xuống mũi, nhưng đôi bàn tay chai sần lại rất tài hoa. Những con giống bột màu, con vật bằng đất sét, trống “lung tung”… đều do cụ tự làm bán ngày Tết.

Người bán đồ chơi ấy lang thang qua từng xóm chợ hàng ngày, tối về thức đến nửa đêm cắm cúi nhào nặn. Bọn trẻ chúng tôi chờ ông về, rồi được nhận các thứ đồ chơi ế ẩm. Người già ấy là ông Bụt, ban phát đồ chơi miễn phí cho đám trẻ nghèo ngày tết. Cho đến một năm giá rét căm căm, không thấy ông cụ đến nữa. Mẹ bảo cụ đã mất trong ngày đông chí, chúng tôi đứa nào cũng khóc!

Phiên chợ Tết Gia Lạc là nơi để dành cho những người nghèo như mẹ tôi, ba ngày Tết chợ họp ngắn ngủi, cũng như cuộc đời buồn nhiều hơn vui.

Những món đồ chơi bằng đất, bằng tre vụn, bằng giấy tạp, chúng gần gũi với những người quen mùi bùn đất, sau luỹ tre làng. Cái trống giấy kính, con gà đất dễ vỡ thật nhưng là hạnh phúc mong manh, để người chơi xuýt xoa tiếc nuối khi bỗng dưng tuột mất.

Trong tuổi thơ tôi, ngôi chợ Tết ba ngày, những thứ đồ chơi ấy, để lại muôn vàn nỗi nhớ. Nỗi nhớ lung linh và mơ hồ nhưng rất sâu sắc, ghi đậm dấu ấn lên cả đời người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.
Minh họa/INT

Bóng ma hạt nhân ở Trung Đông

GD&TĐ - Tình hình Trung Đông đã đột ngột căng thẳng kể từ đêm 13/4 rạng sáng 14/4 khi Iran lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn.
Minh họa/INT

Lễ hội nhân dân

GD&TĐ - Tuần lễ du lịch Quảng Ngãi năm 2024 sẽ được bắt đầu vào ngày 22/4 tới.