Đậu mùa khỉ: Vì sao được coi là tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng?

GD&TĐ -Trước đây, đậu mùa khỉ chỉ lưu hành tại châu Phi. Tuy nhiên, hiện, bệnh lây lan ở nhiều quốc gia trên thế giới, qua đường lây đặc biệt.

Khả năng đậu mùa khỉ lây lan thành dịch thấp hơn nhiều so với Covid-19.
Khả năng đậu mùa khỉ lây lan thành dịch thấp hơn nhiều so với Covid-19.

Khả năng lây lan có vẻ tăng nhanh. Những chủng gần đây có trên 50 đột biến so với các virus được phân lập năm 2018.

Tăng cường giám sát dịch bệnh

Theo Bộ Y tế, từ tháng 5 đến nay, đậu mùa khỉ gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh. Ngày 23/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.

Trước nguy cơ bệnh xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế thực hiện những biện pháp tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu, giám sát tại cơ sở khám chữa bệnh. Trong đó, có các cơ sở khám bệnh phụ khoa, da liễu, HIV/AIDS và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm.

Sẵn sàng truy vết, điều tra và quản lý ca bệnh, xử lý không để bệnh lây lan cộng đồng. Đặc biệt lưu ý các trường hợp có triệu chứng, tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.

Bên cạnh đó, các đơn vị tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tuyến giám sát, chăm sóc và điều trị, phòng chống lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Sở y tế tỉnh, thành phố chuẩn bị sẵn sàng thu dung, phân luồng điều trị người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả. Bảo đảm phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở xét nghiệm, y tế, không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế.

Các sở y tế tổ chức diễn tập, sẵn sàng kịch bản và ứng phó trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương, không để bị động. Đồng thời, sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực và kinh phí để triển khai biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống dịch.

Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh, đơn vị tiếp nhận phải cung cấp thông tin liên lạc công khai, thuận tiện để người dân dễ dàng tiếp cận khi cần khai báo, tư vấn.

Lây nhiễm khi có triệu chứng

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người.

Phần lớn các trường hợp lây bệnh từ động vật đều là do tiếp xúc gần với động vật hoang dã nhiễm bệnh. Hoặc, nhiễm bệnh do ăn các sản phẩm từ động vật chưa được chế biến như tiết canh.

Người mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ làm lây nhiễm trong thời gian có triệu chứng (thông thường là từ 2 - 4 tuần). Một người có thể bị lây bệnh đậu mùa khỉ do tiếp xúc gần với người có triệu chứng. Nốt ban, dịch cơ thể (như dịch, mủ hoặc máu từ tổn thương trên da) và vảy đặc biệt có nguy cơ làm lây nhiễm. Quần áo, ga gối, khăn mặt hoặc vật dụng khác như dụng cụ ăn/bát đĩa bị nhiễm virus do tiếp xúc với người nhiễm bệnh cũng có thể làm lây bệnh cho người khác.

“Vết loét, tổn thương hoặc chỗ đau trong miệng cũng có nguy cơ làm lây nhiễm, nghĩa là virus có thể lây qua nước bọt. Do đó, người có tương tác gần gũi với người có nguy cơ làm lây nhiễm bao gồm cán bộ y tế, người nhà và bạn tình có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn”, PGS Nga cảnh báo.

Lý giải về nguyên nhân đậu mùa khỉ được coi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết: “Tên chính xác gọi là biến cố y tế công cộng có quan ngại quốc tế. Đây là quy định do WHO đặt ra. Theo điều luật quốc tế, các quốc gia phải thực hiện biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời, đảm bảo có thể kiểm soát dịch bệnh, không để lây lan”.

PGS Dũng cho biết, tình huống y tế công cộng khẩn cấp xảy ra khi có 3 điều kiện. Trước hết, đó là biến cố có tính chất bất thường đặc biệt quan trọng. Do đó, cần có sự hợp tác, quan tâm và phối hợp của quốc tế. Qua đó, nhằm ngăn chặn sự lây lan giữa các quốc gia với nhau.

Ví dụ, tình huống y tế công cộng khẩn cấp đang có hiệu lực là Covid-19 và sốt bại liệt. Số ca mắc sốt bại liệt thấp. Tuy nhiên, nếu có sốt bại liệt của các chủng hoang dại, khả năng lây lan gữa các quốc gia là cao. Tình trạng đó sẽ khiến nỗ lực tiêm chủng thanh toán bại liệt bị ảnh hưởng.

Do đó, WHO tuyên bố đây là tình huống khẩn cấp. Các quốc gia cần phối hợp hành động để ngăn chặn chủng virus bại liệt hoang dại. Trong khi đó, Covid-19 là tình huống bất thường đe doạ sức khoẻ, ảnh hưởng tới vấn đề sinh mạng của nhiều người, lây lan nhiều quốc gia. Do đó, cần sự phối hợp giữa nhiều quốc gia.

“Với đậu mùa khỉ, đây là tình huống bất thường. Trước đây, đậu mùa khỉ chỉ lưu hành tại châu Phi. Những người săn bắt, ăn thịt thú rừng mới có nguy cơ bị bệnh này.

Hiện, bệnh lây lan ở nhiều quốc gia trên thế giới, qua đường lây đặc biệt. Khả năng lây lan có vẻ tăng nhanh. Những chủng gần đây có trên 50 đột biến so với các virus được phân lập năm 2018. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ nhiều người”, PGS Dũng cảnh báo.

Chuyên gia này nhận định, khả năng đậu mùa khỉ lây lan thành dịch thấp hơn nhiều so với Covid-19. Đường lây của Covid-19 chủ yếu là qua giọt bắn. Trong khi đó, đậu mùa khỉ chủ yếu lây qua tiếp xúc rất gần và trong thời gian dài. Khả năng lây lan khi tiếp xúc thoáng qua là rất thấp.

“Covid-19 có khả năng lây lan từ khi ủ bệnh. Tuy nhiên, đậu mùa khỉ hầu như chỉ lây lan từ dịch tiết cơ thể, mụn nước, mủ sau khi phát ban. Covid-19 có khả năng lây lan rất cao.

Virus chủng Vũ Hán có thể 1 lây cho 3. Delta có thể 1 lây cho 7. Chủng mới như Omicron có thể 1 lây cho 15. Song, đậu mùa khỉ là 1 lây cho dưới 2”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ