Bé gái 10 tháng tuổi tử vong
Các diễn đàn mạng Trung Quốc vẫn chưa hết bàng hoàng với bi kịch của gia đình trẻ tại Trường Sa.
Bé gái hơn 10 tháng tuổi thường xuyên được cha tung hứng trên cao để tạo niềm vui. Nhưng không ngờ, sau một lần rung lắc, bé tái nhợt và lên cơn co giật.
Trò chơi tung hứng của cha mẹ gây nguy hiểm đến trẻ. Ảnh minh họa.
Cha mẹ bé không nghĩ là nguy hiểm và tưởng rằng đó là phản ứng sợ hãi. Chỉ vài ngày sau, đứa trẻ co giật liên miên và tần suất mỗi ngày một cao và lâm vào tình trạng hôn mê thì gia đình mới đưa con đến bệnh viện.
Các bác sĩ cho rằng bé đã bị xuất huyết não do hội chứng rung lắc và phải phẫu thuật khẩn cấp. Tuy nhiên, mạng sống của bé cũng không thể cứu được vì quá muộn.
Cha bị buộc tội ngộ sát vì rung lắc con đến chết
Ở Úc, cũng xảy ra trường hợp đáng tiếc bố phải chịu tội ngộ sát khi rung lắc con quá mạnh. Bé Matthew chỉ mới 6 tuần tuổi được phát hiện trong tình trạng mất hoàn toàn ý thức và ngay lập tức được đưa vào bệnh viện.
Bé Matthew đã phải bỏ mạng vì trò đùa rung lắc của cha.
Tại phòng chăm sóc sơ sinh tích cực, các bác sĩ chẩn đoán bé bị xuất huyết võng mạc nghiêm trọng kèm sưng và chảy máu não. Bên cạnh đó, kết quả chụp X-quang lồng ngực còn cho thấy xương sườn của Matthew có 17 chỗ bị đứt gãy, trong số đó có 15 chỗ đã gãy từ 7 tới 10 ngày, 2 chỗ còn lại đã gãy được khoảng 3 tuần.
Thật không may mắn em bé xấu số đã tử vong khi xe cứu thương trên đường đến bệnh viện vì tổn thương não và cơ thể quá nhiều.
Người bố sau đó đã khai với cảnh sát, khi một mình trông con tại nhà, anh đã mất bình tĩnh và rung lắc mạnh để dỗ bé nín khóc.
Mẹ làm rơi con vì chơi trò tung hứng
Một người phụ nữ Trung Quốc đã khóc hết nước mắt khi tự mình gây ra cái chết thương tâm của cậu con trai từ trò chơi tung hứng mà cậu bé vô cùng yêu thích.
Người mẹ bần thần vì mình đã gián tiếp gây ra cái chết của con.
Sự việc xảy ra khi người mẹ cùng con trai chơi trò tung hứng cùng nhau. Bởi chỉ có một cậu con trai nên người mẹ hết sức nuông chiều cậu bé. Hai mẹ con vui vẻ chơi trò tung hứng được vài lần thì người mẹ bắt đầu thấy mỏi tay và muốn ngừng lại, nhưng cậu con trai lại không chịu.
Vì vậy, người mẹ chiều con lại gồng mình chơi tiếp và ném cậu bé lên không trung. Tuy nhiên, bởi con trai đã khá nặng và mẹ không đỡ nổi khiến cho cậu bé rơi thẳng xuống nền đất.
Thấy con trai nằm bất động trên sàn nhà, người mẹ hốt hoảng gọi chồng đưa con đến bệnh viện. Thế nhưng cậu bé đã tử vong trước khi được đưa vào phòng cấp cứu.
Người giúp việc gốc Việt rung lắc khiến bé tử vong
Vụ việc xảy ra vào tháng 6/2017 tại Berlin để lại bài học cho nhiều người. Cha mẹ đi làm để trẻ ở nhà cho bà giúp việc 41 tuổi người Việt Nam. Bà giữ trẻ đã rung lắc trẻ mạnh đến nỗi đứa trẻ rơi va đầu vào vật thể rắn.
Tuy nhiên, sau khi tai nạn xảy ra, bà này chỉ gọi điện thoại cho bố mẹ và báo rằng bé bị ốm, vì vậy chị ta đã gọi xe cứu thương. Ba ngày sau, đứa trẻ chết tại bệnh viện do chấn thương đầu nghiêm trọng.
Bà giúp việc đã phải nhận án tù 5 năm vì hành động rung lắc khiến trẻ chết oan.
Còn vô số những tai nạn đáng tiếc xảy ra vì rung lắc trẻ, dẫn đến tử vong hoặc để lại những di chứng cho con trẻ khiến người lớn suốt đời ân hận.
Những tai nạn trẻ em do rung lắc tại Việt Nam
Việt Nam chưa có thống kê chính thức về trường hợp nào tử vong vì hội chứng rung lắc, tuy nhiên chỉ riêng bệnh viện Xanh Pôn - Hà Nội từng tiếp nhận khoảng 20 trẻ bị hội chứng này.
Cuối tháng 3, trên các diễn đàn làm cha mẹ đã xôn xao trước câu chuyện anh H., bố của cháu Lưu Ngọc N. đã trêu đùa và tung con lên cao, chẳng may bé va vào quạt trần đang quay. Hậu quả, bé Nhi đã bị nứt đường sọ 12cm và chảy máu não. Tuy nhiên, vẫn còn chút may mắn là chưa ảnh hưởng đến não.
Cháu Lưu Ngọc Nhi nhập viện Xanh Pôn do người thân rung lắc mạnh.
Còn bệnh viện Xanh Pôn cũng đã từng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi N.T.T. (Gia Lâm, HN) được đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp và nôn ói vì trước đó mẹ chơi trò máy bay để chọc con cười.
Và nhiều trường hợp rung lắc khi nằm võng nằm nôi để lại hậu quả đáng tiếc như của bé N.T.K. (mười tháng tuổi, ở Tiền Hải, Thái Bình) bị chảy máu não.
Hội chứng rung lắc trẻ xảy ra rất nhiều
Thống kê ở Mỹ cho biết, mỗi năm có khoảng 1.200 – 1.400 trẻ chấn thương hoặc chết vì hội chứng trẻ bị rung lắc (shaken baby syndrome).
Cũng theo nhiều nghiên cứu, có đến 33% trong số trẻ bị chấn thương sọ não là do rung lắc. Khoảng 1/3 trong số đó tử vong và số còn lại bị ảnh hưởng để lại di chứng thần kinh nặng nề như chậm phát triển trí tuệ, thị lực kém, rối loạn hành vi nói và nghe, động kinh, tổn thương kỹ năng định hướng nhận thức.
Cha mẹ không nên chơi trò rung lắc hay tung hứng con.
Không hẳn là những vật dụng trông trẻ như nôi, võng đều là tốt vì rất có thể nó là nguyên nhân gây ra hội chứng rung lắc ở trẻ em.
Cuối tháng 4 năm nay, công ty Kids II (Mỹ) đã phải thu hồi gần 700.000 chiếc nôi rung sau khi 5 trẻ sơ sinh tử vong lúc đang nằm trong nôi của hãng. Còn hãng Fisher Price cũng phải thu hồi 4,7 triệu nôi rung hiệu Rock’n Play sau khi ghi nhận ít nhất 10 trẻ sơ sinh chết vì ngạt thở khi tự lẫy trong nôi.
Viện Nhi khoa Mỹ khuyên các bậc phụ huynh nên ủ trẻ sơ sinh ngủ trên bề mặt phẳng, cố định và hơi nghiêng đầu và nhất họ là họ "không khuyến khích những chiếc nôi rung", bác sĩ David Fagan, phó trưởng Khoa Nhi Trung tâm Y tế Cohen ở New Hyde Park (Anh) cho biết.
Cũng theo bác sĩ David, nhiều nghiên cứu từ những năm 1990 cho thấy trẻ ngủ ngả lưng trên một bề mặt phẳng, cố định giúp giảm đáng kể các sự cố gây hội chứng đột tử khi ngủ (SIDS).
Ông cũng nhấn mạnh rằng, khoa học chưa chứng minh sự lắc lư giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ hơn vì vậy người thân nên lưu ý về vấn đề này.
Hội chứng trẻ bị lắc (Shaken baby syndrome - SBS) còn gọi là tổn thương não lạm dụng (abusive head trauma, AHT), là một hội chứng hay gặp, có thể gây tử vong cho trẻ nhỏ nếu bị tổn thương não nặng.
Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, nhiều nhất là từ sơ sinh đến 8 tháng vì có liên quan đến đặc điểm cơ thể của trẻ ở độ tuổi này. Trong lứa tuổi này, đầu trẻ chiếm tỷ trọng khoảng 1/4 cơ thể, não bộ chưa phát triển nhiều, lại nằm trôi nổi trong môi trường dịch não tủy bao bọc xung quanh.
Khi bị rung lắc mạnh, nhất là động tác tung hứng, quay vòng tròn quá mạnh, khối não sẽ di chuyển theo quán tính vật lý và có thể bị va đập vào hộp xương sọ làm não sưng phù, áp lực nội sọ tăng lên và tổn thương các mạch máu trong não. Các tổn thương não sẽ để lại nhiều di chứng thần kinh lâu dài cho trẻ. Tổn thương nhẹ có thể làm cho trẻ chậm phát triển tinh thần, mất khả năng nói năng lưu loát, học tập không tiếp thu được bài vở. Nếu tổn thương nặng có thể gây xuất huyết võng mạc mắt, giảm thị lực hoặc mù, điếc, liệt thần kinh, co giật, thậm chí gây tử vong.
Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là bố mẹ thường không biết trẻ bị tổn thương vì rung lắc mạnh do người lớn gây nên, vì vậy, nhiều trường hợp trẻ đã bị tổn thương nhưng vẫn tiếp tục bị “tra tấn” bởi các lần rung lắc mạnh tiếp theo do người lớn vô tình gây ra khiến trẻ bị tổn thương ngày càng nặng.
Tổn thương thần kinh và mạch máu do rung lắc thường khó phát hiện ngay, có khi trẻ không biểu hiện gì dù đã bị tổn thương thật sự. Do đó, bạn cần hiểu biết những dấu hiệu báo động sau đây để kịp thời cứu đứa trẻ.
Tùy theo mức độ tổn thương nặng hay nhẹ mà những triệu chứng xuất lộ như: Nhẹ thì thấy trẻ giảm linh hoạt, lờ đờ, ngủ gà ngủ gật, không hoặc ít khi mỉm cười. Nặng hơn, trẻ sẽ không nhìn được, dễ co giật, nôn mửa. Trường hợp trầm trọng, trẻ có các biểu hiện ngừng thở, tím tái, hôn mê... khi đó, nếu không cấp cứu kịp, trẻ có thể tử vong.
Để ngăn ngừa hội chứng này, cha mẹ và người thân cần tránh những động tác xoay chuyển đầu trẻ một cách đột ngột như: Rung lắc nôi đối với trẻ nhỏ; không bao giờ bế thốc ngược; không xốc vác trẻ gấp gáp; không tung hứng trẻ khi nô đùa với con; không tát, đánh vào tai, vào đầu, vào mặt trẻ.
Những lúc bạn quá vui, quá giận, mất bình tĩnh dễ gây những động tác xốc lắc mạnh tay, vì thế, bạn cần lưu ý kiềm chế. Không nên để người đang tức giận bế ẵm trẻ.
BS. Nguyễn Minh Hiền (Sức Khỏe & Đời Sống)