Một trong những nội dung được quan tâm trong dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, sư phạm thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050 là vấn đề nguồn lực, tài chính. Các chuyên gia nhìn nhận, đầu tư chưa tương xứng được coi là một trong những lực cản để giáo dục đại học phát triển.
Chi ngân sách cho giáo dục đại học thấp
Theo ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng nhận được sự quan tâm và đầu tư ngân sách. Tuy nhiên, nguồn tài chính công dành cho giáo dục đại học chưa tương xứng với mục tiêu phát triển quốc gia trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Hiện, chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới.
Đồng tình với nhận định trên, GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam viện dẫn, thống kê cho thấy, chi cho giáo dục đại học ở nhiều quốc gia trên thế giới chiếm ít nhất 1% GDP. Trong khi đó, Việt Nam mới đạt 0,25%. “Tỷ lệ này của Thái Lan và Indonesia gần gấp đôi, ba chúng ta”, GS.TS Nguyễn Thị Lan cho hay.
Từ Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26/3/2021 “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư” (Nghị định số 31), bà Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) viện dẫn, tại Phụ lục 2 Nghị định này quy định danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư; tuy nhiên đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo hẹp hơn so với quy định của Luật Đầu tư và còn thiếu lĩnh vực giáo dục đại học.
Quy định trên không phù hợp với Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 4/6/2019, là khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở tất cả cấp học, trình độ đào tạo. Luật Giáo dục Đại học cũng quy định, Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giáo dục và đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học.
Tại Hội thảo giáo dục Việt Nam năm 2023 “Nâng cao chất lượng giáo dục đại học, phân tích chính sách từ tiếp cận hệ thống”, trong bài tham luận, GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đề cập đến nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học còn hạn chế từ cả phía ngân sách Nhà nước, đóng góp của người học và các nguồn lực huy động từ doanh nghiệp, khoa học công nghệ… Điều này dẫn đến điều kiện dạy và học, nghiên cứu trong cơ sở giáo dục đại học còn khó khăn.
Chất lượng giáo dục đại học phục vụ cho phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới. GS.TS Lê Anh Vinh nhấn mạnh và cho biết, trong số 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu nhằm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, có giải pháp thứ 5 về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong đó đề cập đến lộ trình tăng tỷ lệ chi từ ngân sách Nhà nước tính trên GDP cho nghiên cứu và phát triển...
Sinh viên Trường ĐH Công đoàn (Hà Nội). Ảnh: NTCC |
Cải cách tài chính cho giáo dục đại học
Kiến nghị chính sách phát triển giáo dục đại học, GS.TS Lê Anh Vinh đề nghị cần xây dựng chính sách đầu tư nguồn lực tài chính theo mô hình “chia sẻ chi phí” giữa các bên. Chi phí đơn vị được chia sẻ, bao gồm: Ngân sách Nhà nước; học phí từ người học và đóng góp của cộng đồng.
Hiện có ba vấn đề lớn về tài chính mà hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đang đối mặt là: Thiếu kinh phí; bất bình đẳng và thiếu tự chủ tài chính. Ba thách thức lớn về tài chính trong giáo dục đại học là: Các trường đại học thiếu kinh phí trầm trọng; mức học phí cho các trường công thấp và nguồn thu khác như: Thu từ dịch vụ, nguồn thu từ dịch vụ khoa học, công nghệ, từ viện trợ, tài trợ, hiến tặng cũng quá thấp.
Do vậy, GS.TS Lê Anh Vinh cho rằng, cải cách tài chính cho hệ thống các cơ sở giáo dục đại học cần tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên là: Tăng đầu tư toàn xã hội vào hệ thống đại học, bao gồm cả tài trợ từ ngân sách lẫn đóng góp của xã hội; tự chủ tài chính cho các trường đại học; thay đổi cách phân bổ ngân sách cho từng trường và chia thành ba kênh (hỗ trợ trực tiếp cho từng trường; hỗ trợ thông qua học bổng, tín dụng sinh viên và hỗ trợ thông qua tài trợ nghiên cứu khoa học).
Cần dành sự quan tâm thích đáng, thiết thực và hiệu quả tới giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng là kiến nghị của GS.TS Nguyễn Thị Lan. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng công cuộc chuyển đổi số, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao và vai trò của trường đại học càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề xuất, Chính phủ, bộ ngành cần rà soát, đánh giá lại và hoàn thiện khung pháp lý, các quy định, văn bản liên quan hỗ trợ cho các trường đại học tự chủ. Vừa qua, Chính phủ, Quốc hội, bộ ngành đã nỗ lực cố gắng tháo gỡ vướng mắc về thể chế chính sách, với kỳ vọng lớn là để trường đại học phát triển, đóng góp về nguồn nhân lực chất lượng cao và sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ đất nước.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, đầu tư cho đại học là đầu tư cho phát triển; huy động mọi nguồn lực để củng cố, phát triển mạng lưới; tập trung đầu tư để phát triển một số cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngang tầm khu vực và thế giới; làm nòng cốt thúc đẩy và dẫn dắt phát triển toàn hệ thống; khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục đại học tư thục, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài có uy tín.