Dấu hỏi về tính an toàn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 24/8, Nhật Bản bắt đầu xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Chính phủ Nhật Bản và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) giải thích, nước phóng xạ từ nhà máy Fukushima được pha loãng triệt để và xả từ từ ra đại dương trong nhiều thập kỷ. Ước tính, nồng độ tritium trong nước thải sẽ là dưới 1.500 Bq/l (becquerel/lít), thấp hơn 7 lần so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (10.000 Bq/l) đối với nước uống.

IAEA cũng đánh giá kế hoạch này “phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế có liên quan” và tác động “không đáng kể” đối với con người và môi trường.

Tuy nhiên, sự ủng hộ khoa học và các biện pháp phòng ngừa đã không làm dịu được những ý kiến chỉ trích về động thái xả thải của Nhật Bản.

Người dân nhiều quốc gia Đông Á đang cảm thấy lo ngại về nguy cơ mất an toàn cũng như sinh kế.

Tại Hàn Quốc, theo khảo sát gần đây của tổ chức Người tiêu dùng, 92,4% số người được hỏi cho biết họ sẽ giảm tiêu thụ hải sản sau khi Nhật Bản xả nước nhiễm phóng xạ ra biển.

Trước đó, 16 sinh viên Hàn Quốc đã bị bắt vì tìm cách đột nhập sứ quán Nhật Bản khi biểu tình nhằm phản đối kế hoạch xả thải.

Những động thái này dẫn đến sự sụt giảm tiêu thụ hải sản trên diện rộng và gây thiệt hại nặng nề cho một số doanh nghiệp trong ngành thủy sản Hàn Quốc.

Bên ngoài chợ cá bán buôn Noryangjin, Seoul, các tiểu thương treo các tấm biển như “Hải sản của chúng tôi an toàn. Hãy tự tin tiêu thụ”, “Tin đồn thất thiệt đang khiến các bạn hiểu nhầm”...

Tại chợ cá hợp tác Busan, trong tháng 7, giá trung bình mỗi kg hải sản đã giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Viện Nghiên cứu Jeju ước tính ngành công nghiệp địa phương có thể thiệt hại lên tới 3,72 nghìn tỷ won.

Chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ duy trì các hạn chế nhập khẩu đối với sản phẩm thủy sản từ 8 tỉnh của Nhật Bản, bao gồm Fukushima.

Riêng tại thủ đô Seoul, chính quyền thành phố sẽ tiến hành kiểm tra hàng ngày hải sản được bán trong các chợ lớn bất kể nguồn gốc xuất xứ. Nước này cũng khuyến khích người dân ủng hộ thủy hải sản trong nước nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Còn tại Trung Quốc, chính phủ đã thông báo cấm hải sản từ Nhật Bản. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Shu Jueting, gọi việc xả thải là “cực kỳ ích kỷ và vô trách nhiệm”.

Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết tổng lượng nhập khẩu hải sản Nhật Bản của nước này đạt khoảng 32 triệu USD trong tháng 7, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, chính quyền đặc khu Hồng Kông và Ma Cao cho biết họ sẽ cấm nhập khẩu hải sản từ Fukushima và 9 tỉnh khác của Nhật Bản.

Ngay trong nước, người dân Nhật Bản, nhất là ngư dân tại thị trấn ven biển Fukushima, đã chỉ trích kế hoạch xả thải khi hoạt động đánh bắt cá mới phục hồi sau nhiều năm bị đình chỉ vì thảm họa 2011.

Họ bày tỏ lo ngại niềm tin vừa mới thắp lên của khách hàng sẽ bị đánh đổ hoàn toàn ngay cả khi nguồn nước và hải sản Fukushima được đánh giá an toàn. Điều đó khiến sinh kế của ngư dân và danh tiếng của tỉnh tiếp tục bị tổn hại.

Thủ tướng Fumio Kishida cam kết sẽ hỗ trợ đầy đủ cho ngư dân trong nhiều thập kỷ tới. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa ai có thể hình dung tác động của động thái xả thải lên sinh kế của người dân Nhật Bản và liệu những hỗ trợ của nhà nước có thể cân bằng với thiệt hại mà người dân phải hứng chịu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện tranh là một thể loại văn học mạnh mẽ và hữu ích để phát triển khả năng hiểu cũng như phân tích văn học của học sinh. (Ảnh: ITN).

Trẻ đọc truyện tranh có tốt không?

GD&TĐ - Truyện tranh có một sức hấp dẫn khó cưỡng đối với trẻ em lẫn người lớn. Ngoài việc mang lại tiếng cười sảng khoái, giải tỏa căng thẳng...