Khoảng 1,13 triệu tấn nước đã tích tụ xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Đông Bắc Nhật Bản kể từ năm 2011, sau trận động đất 9,0 độ richter dẫn đến cơn sóng thần tàn phá khu vực.
Theo NPR, thảm họa kép đã giết hại gần 20 nghìn người và gây ra sự cố tại 3 trong số 6 lò phản ứng của nhà máy, tạo nên thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ thảm họa Chernobyl.
Để giữ cho các lõi lò phản ứng còn lại không bị tan chảy, các quan chức của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã bơm gần 180 tấn nước làm mát qua địa điểm này mỗi ngày, theo The New York Times.
Nước thải bị ô nhiễm đó được lưu trữ trong hơn 1.000 bể chứa khổng lồ tại chỗ và tự động lọc để loại bỏ hầu hết chất phóng xạ, ngoại trừ triti - một đồng vị phóng xạ của hydro được coi là nguy hiểm đối với sức khỏe con người ở trữ lượng lớn, theo Health Physics Society.
10 năm sau thảm họa, TEPCO hiện không còn chỗ để chứa nước thải. Tại cuộc họp với các bộ trưởng ngày 13/4, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định việc xả nước ô nhiễm vào Thái Bình Dương là lựa chọn “thực tế nhất” và “không thể tránh khỏi để đạt được sự phục hồi của Fukushima”.
Theo tờ Times, các nhà máy hạt nhân trên khắp thế giới thường xuyên xả nước có chứa một lượng nhỏ tritium và người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố kế hoạch này “phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân được chấp nhận trên toàn cầu”. Mặc dù vậy, kế hoạch hiện bị công dân Nhật Bản và các nước láng giềng phản đối mạnh mẽ.
Một mối quan tâm lớn được đưa ra là các tuyên bố của TEPCO về sự an toàn của nước thải có thể sai. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science vào tháng 8/2020 đã tìm thấy dấu vết của một số đồng vị phóng xạ khác trong nước thải của Fukushima, nhiều đồng vị trong số đó mất nhiều thời gian để phân hủy hơn triti.
Một số chất phóng xạ đó có thể đã xâm nhập vào động vật hoang dã địa phương; Vào tháng 2, các phương tiện truyền thông Nhật Bản đưa tin rằng, các chuyến hàng cá đá đã bị tạm dừng sau khi một mẫu đánh bắt gần Fukushima được phát hiện có chứa chất phóng xạ cesium ở mức không an toàn.
Các ngư dân địa phương đặc biệt lo lắng rằng việc đổ nước thải của Fukushima ra biển có thể tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp thủy sản, vốn đã bị thiệt hại nặng nề vì thảm họa hạt nhân.
Theo NPR, sản lượng đánh bắt cá trong khu vực chỉ bằng 17,5% mức trước thiên tai, và những người đánh cá lo ngại rằng công việc của họ sẽ trở nên “bất khả thi” nếu chính phủ tiến hành xử lý nước thải theo kế hoạch mới.
Chỉ vài giờ sau khi kế hoạch được công bố, những người biểu tình đã tập trung bên ngoài các văn phòng chính phủ ở Tokyo và Fukushima. Phát ngôn viên của Chính phủ Trung Quốc và Hàn Quốc cũng lên án về quyết định này của Chính phủ Nhật Bản.