Dấu hiệu của trẻ thiếu kỹ năng tự vệ

GD&TĐ - Trẻ không có kỹ năng bảo vệ bản thân thường cảm thấy bất an khi bị bắt nạt. Tuy nhiên, chính những trẻ thường đi bắt nạt bạn bè cũng cần hỗ trợ tâm lý…

Đôi khi trẻ đi bắt nạt bạn bè cũng là biểu hiện của việc thiếu kỹ năng tự vệ. Ảnh minh họa: ITN.
Đôi khi trẻ đi bắt nạt bạn bè cũng là biểu hiện của việc thiếu kỹ năng tự vệ. Ảnh minh họa: ITN.

Tìm hiểu nguyên nhân

“Bạn đánh con thì con có được đánh lại bạn không?; Bạn bắt nạt thì con nên làm gì? Con rất sợ mỗi khi nhìn thấy bạn. Con chỉ biết cách chạy trốn thật nhanh và giữ im lặng nếu không sẽ bị đánh…”... Đó là những chia sẻ của nhiều trẻ khi được hỏi về các tình huống bắt nạt và cách tự vệ trong trường hợp đó.

Bắt nạt học đường là một trong những chủ đề nhức nhối được sự quan tâm của xã hội, nhất là đối với các bậc phụ huynh. Muốn ngăn chặn tình trạng này, trước hết các bậc làm cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao khiến trẻ bị bạn bắt nạt, cư xử bạo lực ở trường để từ đó trang bị kỹ năng tự vệ cho con. Bởi khi hiểu rõ nguyên nhân của các hành vi nguy hiểm thì cha mẹ mới dễ dàng để dạy con cách tránh xa.

Theo cô Trần Thu Ngân - Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Hà Nội), thông thường, trẻ rất dễ bị ảnh hưởng tính cách khi trưởng thành nếu sống trong môi trường thiếu lành mạnh. Việc cha mẹ thường xuyên dùng bạo lực để giải quyết vấn đề sẽ tập thói quen cho chúng cũng hành xử hung hăng hay dùng nắm đấm và trở thành kẻ bắt nạt đáng sợ.

Cùng với đó, trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các nhân vật trong phim. Phim ảnh thường có những cảnh thiếu niên nổi tiếng hay bắt nạt người khác. Điều này làm trẻ bắt chước hành vi này với mong muốn thể hiện địa vị, muốn nổi bật hơn người khác.

Đôi khi, trẻ đi bắt nạt người khác cũng từ nguyên nhân là chính trẻ cảm thấy không an toàn. Lúc đó, chúng cảm thấy bất an về vị trí, vai trò của mình và không muốn thể hiện sự yếu đuối, che giấu khuyết điểm bản thân. Đây cũng là một trong những biểu hiện cho thấy trẻ đang thiếu kỹ năng tự vệ.

Cũng theo cô Ngân, khi chính trẻ đã từng là nạn nhân bị bắt nạt, chúng thường có xu hướng bắt nạt lại người khác để trả thù cho bản thân trong quá khứ. Thậm chí chúng còn cảm thấy vui vẻ, nhẹ nhõm khi hành hạ, đánh đập bạn học.

Hoặc, trẻ không có sự đồng cảm trong cuộc sống cũng là nguyên nhân của việc thích bắt nạt. Lúc này, do thiếu sự hiểu biết, không hiểu bạo lực sẽ gây ra tổn thương nghiêm trọng đến người khác. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể bắt nạt vì muốn gây sự chú ý.

Thông thường, cha mẹ thường hay bận rộn và đôi lúc quên đi cảm xúc của con trẻ. Vì muốn được cha mẹ chú ý, quan tâm nên chúng gây hấn, bắt nạt bạn bè.

Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị chịu sự áp đặt khuôn mẫu và định kiến nên thích nổi loạn bằng hành vi bắt nạt. Do lối suy nghĩ khác nhau tạo nên cách đối xử khác biệt. Nhóm bạn chơi chung phải cùng đẳng cấp, địa vị người thấp hơn sẽ bị bắt nạt, hành hạ…

“Thực tế, còn rất nhiều nguyên nhân khác mà trẻ thích bắt nạt người khác. Đôi khi còn chẳng có lý do gì, mà chỉ là chúng ‘thích thế’. Cha mẹ cần tìm hiểu, lắng nghe tiếng nói của trẻ để giải quyết tận gốc rễ vấn đề vì dù là bị bắt nạt hay đi bắt nạt thì trẻ đều thiếu kỹ năng bảo vệ bản thân”, cô Ngân nhấn mạnh.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Can thiệp với những hành vi bắt nạt

UNICEF Việt Nam nhận định, bắt nạt có thể gây ra những hậu quả có hại và lâu dài cho trẻ em. Bên cạnh những ảnh hưởng về thể chất, trẻ em có thể gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần và cảm xúc bao gồm trầm cảm và lo lắng.

Điều này có thể dẫn đến lạm dụng chất kích thích và giảm hiệu suất ở trường. Do đó, mỗi trẻ cần có kỹ năng để tự vệ, phòng tránh bị bắt nạt.

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, nếu chẳng may con bị bắt nạt mà khi không biết tự vệ, hãy cố gắng trấn an các con mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Trong thời gian đó, hãy quan sát và đồng hành cùng con để vượt qua cả những nỗi sợ, ám ảnh mà con phải chịu đựng từ trước đó. Bởi nhiều trẻ, không phải sự việc đã được giải quyết là có thể quên ngay được.

Còn nếu phát hiện chính con mình là thủ phạm chuyên bắt nạt bạn bè, điều quan trọng cần nhớ là chúng vốn dĩ không xấu, nhưng có thể đang hành động vì một số lý do. Những đứa trẻ đi bắt nạt thường chỉ muốn hòa nhập, cần sự quan tâm hoặc đơn giản là đang tìm cách đối phó với những cảm xúc phức tạp. Có một số bước cha mẹ nên làm để giúp con ngừng bắt nạt.

Đầu tiên, người lớn cần hiểu được tại sao con bạn lại hành động như vậy, có cảm thấy bất an ở trường không? Các con đang đánh nhau với một người bạn hoặc anh chị em? Nếu trẻ gặp khó khăn khi giải thích hành vi của mình, cha mẹ có thể chọn tham khảo ý kiến của chuyên gia tư vấn, nhân viên xã hội hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần, những người được đào tạo để làm việc với trẻ em.

Người lớn cũng có thể làm việc thông qua các cách phản ứng lành mạnh. Đó là yêu cầu con bạn giải thích một tình huống khiến các con thất vọng và đưa ra những cách phản ứng mang tính xây dựng.

Khuyến khích trẻ “đặt mình vào vị trí của các con” bằng cách tưởng tượng trải nghiệm của người bị bắt nạt. Nhắc con bạn rằng những bình luận được đưa ra trên mạng vẫn gây tổn thương trong thế giới thực như thế nào.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần dành thời gian để “kiểm tra bản thân”. Những đứa trẻ hay bắt nạt thường làm mẫu những gì chúng nhìn thấy ở nhà. Các con có tiếp xúc với hành vi có hại về thể chất hoặc tình cảm từ bạn hoặc người chăm sóc khác không? Hướng nội và suy nghĩ trung thực về cách bạn đang trình bày với con mình. Đồng thời, đưa ra hậu quả và cơ hội để sửa đổi.

Nếu bạn phát hiện ra con mình đã từng bắt nạt, điều quan trọng là phải đưa ra những biện pháp phù hợp, không bạo lực. Điều này có thể hạn chế các hoạt động của các con. Bên cạnh đó, cha mẹ nên khuyến khích con xin lỗi các bạn và tìm cách để trẻ cùng hòa nhập hơn trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.