Dấu hiệu, cách xử lý tắc tia sữa, mẹ đang cho con bú nào cũng nên biết

GD&TĐ - Mới đây, một sản phụ 26 tuổi, quê Bình Phước phải nhập viện do áp xe tuyến vú và buộc phải cắt cụt tứ chi. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các bác sĩ giải thích có thể bệnh nhân này còn có những bệnh lý kèm, nhiễm trùng dẫn đến tắc mạch tứ chi và hoại tử nhưng thông tin này vẫn gây sốc cho các bà mẹ đang cho con bú.

Thời kỳ cho con bú, tắc tia sữa không phải là chuyện hiếm gặp đối với chị em. Tuy là hiện tượng không quá phức tạp nhưng nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến đau đớn, nguy hiểm đến sức khỏe các bà mẹ.

Các dấu hiệu nhận biết tắc tia sữa

- Dấu hiệu đầu tiên của hiện tượng tắc tia sữa là bầu vú căng to hơn so với bình thường và càng lúc càng tăng dần, đau nhức và không tiết sữa hoặc ra ít.

- Có cảm giác mệt mỏi, nhức đầu, sốt, đau vú tăng lên nếu sữa đã ứ đọng nhiều ở bên trong.

- Khi sờ sẽ thấy có những khối tròn bề mặt gồ ghề, mật độ cứng với nhiều kích thước khác nhau, khi chạm vào rất đau.

Khi có các dấu hiệu trên, sản phụ cần được thăm khám sớm bởi các bác sĩ chuyên khoa, chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác và tiến hành phương pháp điều trị cho phù hợp.

Các sản phụ cũng được khuyên tránh tự ý điều trị bằng các phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng hoặc trì hoãn việc điều trị.

Tắc tia sữa dễ dẫn đến áp xe vú

Theo quy trình, sữa được sản xuất ra từ các nang sữa, theo các ống dẫn đổ về xoang chứa sữa ở phía sau quầng vú. Dưới tác dụng kích thích của động tác bú mút của trẻ, sữa sẽ chảy ra ngoài.

Tuy nhiên, nếu trong lòng ống dẫn bị hẹp bít lại, sữa sẽ không thể thoát ra ngoài được. Tại chỗ tắc, sữa sẽ dần tạo thành hòn cục do hiện tượng sữa đông kết. Trong lúc đó, sữa vẫn tiếp tục được tạo ra, làm cho các ống dẫn trước chỗ tắc ngày càng bị căng giãn. Hiện tượng này gây chèn ép các ống dẫn sữa khác, tạo ra một vòng xoắn bệnh lí, làm tình trạng tắc sữa ngày càng nặng thêm.

Tắc tia sữa nếu không điều trị kịp thời và đúng phương pháp, người mẹ có thể bị viêm tuyến vú, áp-xe tuyến vú, lâu dần trở thành các dải xơ hóa hay u xơ tuyến vú. Ngoài ra, tắc tia sữa còn làm cho quá trình tạo sữa bị ảnh hưởng, dần dần khiến người mẹ ít sữa hoặc mất sữa.

Theo Bác sỹ Phạm Thị Thanh Bình, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội, "Tắc sữa từ 6 đến 7 ngày có thể dẫn đến viêm tuyến sữa, lâu hơn có thể dẫn đến áp xe vú gây đau đớn và chảy mủ. Nặng hơn là viêm xơ tuyến vú mãn tính làm hình thành các khối xơ trong bầu vú và khiến bệnh tái phát nhiều lần. Ngoài ra nguy hiểm nhất là nguy cơ hoại tử tuyến vú khi các khối mủ vỡ ra và đi vào máu, đồng thời gây tổn hại nghiêm trọng đến gan, thận".

Tắc tia sữa có mủ có thể dẫn đến u xơ, u nang tuyến vú

Nhiều bà mẹ có thể gặp phải trường hợp tắc tia sữa có mủ. Về bản chất, tắc sữa mưng mủ là một dạng tắc sữa nói chung nhưng ở cấp độ nặng hơn và khó chữa hơn. Khi mẹ bị tắc tia sữa khoảng 1 tuần mà không tìm được biện pháp khắc phục thì sẽ chuyển sang tắc tia sữa kèm mủ.

Lúc này, ngoài cảm giác sưng tức, đau đớn ở bầu ngực, người mẹ còn sốt cao, bầu ngực có các cục sữa vón lại, cơ thể cực kỳ mệt mỏi. Mẹ bị tắc tia sữa có mủ cũng hay được chẩn đoán bị áp xe vú.

Trong hầu hết các trường hợp, tắc tia sữa xuất hiện mủ không gây nguy hiểm đến tính mạng người mẹ ngay tức khắc. Tuy nhiên về lâu dài, nó không chỉ gây ra những phiền phức nhất định mà còn có thể là cơ hội cho nhiều bệnh lý phát triển.

Theo các bác sỹ chuyên khoa, tắc tia sữa có mủ là nguyên nhân phổ biến dẫn đến áp xe vú. Nếu đã bị áp xe mà không được phát hiện và chữa trị thì sẽ tạo thành khối viêm mãn tính, dễ dàng tái phát. Một số trường hợp xấu hơn, mẹ bị tổn thương tuyến sữa nên không thể tiết sữa nữa hoặc bầu ngực có nguy cơ hoại tử.

Ngoài ra tắc tia sữa còn mang đến cảm giác cực kỳ tồi tệ cho người mẹ, bao gồm đau buốt ngực, không thể nghỉ ngơi và dễ bị suy nhược cơ thể, trầm cảm sau sinh. Trong nhiều trường hợp, tắc sữa có mủ sẽ tạo điều kiện hình thành các bệnh liên quan đến tuyến vú như u xơ tuyến vú, u nang tuyến vú rất nguy hiểm.

Trong thời kỳ cho con bú, các bà mẹ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, giữ gìn vệ sinh ngực và đặc biệt là cho con bú thường xuyên để phòng tắc tia sữa. Khi có dấu hiệu tắc tia sữa các mẹ nên tìm gặp chuyên gia để có cách chữa trị sớm, tránh để lại những hậu quả nặng nề.

Tắc tia sữa nếu chỉ được điều trị nửa vời, sản phụ rất dễ bị tái phát lại. Vì vậy, khi tắc sữa từ những ngày đầu, người mẹ phải tìm biện pháp khắc phục triệt để.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.