Dấu hiệu bàn tay IS trong vụ khủng bố New York

GD&TĐ - Nghi phạm là di dân gốc Uzbekistan trong vụ sát hại 8 người và làm nhiều người bị thương tại thành phố New York (Mỹ) ngày 31/10, bằng cách lao xe tải vào làn đường dành cho người đi xe đạp đã hành sự theo kế hoạch mà Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đưa lên trên mạng và để lại một ghi chú viết rằng nhóm IS sẽ “trường tồn mãi mãi”, theo nguồn tin từ cảnh sát.

Dấu hiệu bàn tay IS trong vụ khủng bố New York

Tấn công đẫm máu

Cảnh sát New York cho biết đã thẩm vấn Sayfullo Saipov, 29 tuổi, người được đưa vào bệnh viện cứu chữa vì trúng đạn cảnh sát trong cuộc truy đuổi. Cũng theo nguồn tin của cảnh sát, nghi phạm dường như đã hoạch định cuộc tấn công trong nhiều tuần lễ. Nhà chức trách đã tìm thấy những mẩu ghi chú và dao tại hiện trường.

“Hung thủ dường như theo đúng chỉ dẫn mà IS đã đưa lên các kênh truyền thông xã hội cho các ủng hộ viên”, nguồn tin từ cảnh sát cho biết.

Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất ở thành phố New York kể từ vụ khủng bố 11/9/2001 khi các không tặc cướp hai máy bay lao thẳng vào Trung tâm Thương mại thế giới làm chết hơn 2.600 người. Trong vụ tấn công bằng xe tải ngày 31/10 vừa qua, ngoài 8 người chết còn có 12 người bị thương. Các cuộc tấn công tương tự, dùng xe thay vì dùng vũ khí, từng xảy ra ở Tây Ban Nha, Pháp và Đức hồi năm ngoái.

Theo các kết quả điều tra sơ bộ của cảnh sát, nghi phạm Saipov dùng xe tải thuê từ một đại lý mang tên Home Depot ở bang New Jersey, di chuyển tới New York để lao vào khách bộ hành và người đi xe đạp trước khi tông vào bên hông của một xe buýt chở học sinh.

Sau đó, hung thủ bước ra khỏi xe cầm theo 2 cây súng giả và bị cảnh sát bắn vào bụng. Tin nói Saipov cư ngụ ở Paterson, New Jersey, nơi từng là một trung tâm công nghiệp cách khu Manhattan chừng 40 cây số. Hiện trường vụ tấn công chỉ cách khu tưởng niệm Trung tâm Thương mại thế giới ở trung tâm thành phố New York vài khu phố.

Điều tra theo hướng khủng bố

Ngay sau vụ tấn công, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham kêu gọi các cơ quan pháp luật coi kẻ tình nghi Saipov như một kẻ khủng bố. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc cho phép các nhà điều tra thẩm vấn nghi phạm mà không cần có luật sư đại diện của nghi phạm như luật pháp của Mỹ quy định.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố mở ngỏ khả năng áp giải Saipov tới nhà tù quân sự ở Vịnh Guantanamo, Cuba, nơi giam giữ các nghi can khủng bố, trong đó có những kẻ đã hoạch định cuộc tấn công hồi 11/9/2001. “Giải hắn tới Gitmo. Tôi chắc chắn sẽ cân nhắc việc đó”, ông Trump tuyên bố với báo giới.

Cũng thiên về khả năng nghi can là một kẻ khủng bố, Thống đốc bang New York, Andrew Cuomo, cho biết Saipov bị cực đoan hóa trong thời gian định cư tại Mỹ (được biết y vào Mỹ từ năm 2010).

Đa số trong 18 cuộc tấn công trên đất Mỹ lấy cảm hứng từ IS kể từ tháng 9/2014 tới nay được thực hiện bởi những kẻ phát sinh tư tưởng cực đoan trong thời gian định cư tại Mỹ, ông Alexander Meleagrou - Hitchens Giám đốc Chương trình Nghiên cứu về Cực đoan tại Đại học George Washington cho biết.

Trong vụ tấn công hôm 31/10, sáu nạn nhân chết ngay tại chỗ, hai người khác thiệt mạng tại bệnh viện. Năm người trong số này là du khách người Argentina tham quan New York cùng nhóm bạn bè kỷ niệm 30 năm ngày ra trường. Ngoại trưởng Bỉ cho hay trong số nạn nhân có một công dân Bỉ.

Thị trưởng thành phố New York, Bill de Blasio, cho biết cảnh sát sẽ hiện diện khắp nơi để bảo vệ cuộc đua marathon của thành phố vào Chủ nhật tới đây, một sự kiện quy tụ khoảng 51.000 người tham gia và 2,5 triệu khán giả vòng quanh thế giới.

Cùng với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Uzbekistan, Shavkat Mirziyoyev, quê hương của kẻ tình nghi, đã thông báo chính phủ nước ông sẽ làm mọi việc có thể giúp điều tra vụ tấn công “cực kỳ dã man” vừa qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.