Đau đầu vì chàng rể nghèo nhưng sĩ diện hão

Con rể tôi khái tính. Nó nghĩ tôi chê nó nghèo và biếu bố mẹ vợ ít tiền. Vì thế, năm sau, nó biếu tôi gấp đôi năm trước. Đi chúc Tết nhà vợ, anh trai vợ mừng tuổi họ hàng, mỗi người 50 nghìn thì nó mừng 100 nghìn

Đau đầu vì chàng rể nghèo nhưng sĩ diện hão

Tôi năm nay 63 tuổi. Tôi cũng đã có con dâu, con rể và cháu nội, cháu ngoại. Ngày Tết, tôi chỉ mong con cháu quây quần, gia đình đầm ấm vui vẻ. 

Chuyện sắm Tết, mừng tuổi, tôi nghĩ đơn giản chứ không nặng nề như gia đình chồng chị Lê Hà trong bài viết “Lương nghìn đô mà biếu nhà chồng mấy đồng bạc lẻ”. Thế nhưng, cách chi tiêu của con rể tôi trong dịp Tết nhất cũng khiến tôi đau đầu vô cùng.

Đau đầu vì chàng rể nghèo nhưng sĩ diện hão

Tôi có hai người con, một trai một gái. Thời điểm 5, 6 năm về trước, vợ chồng con trai cả nhà tôi chưa mua được nhà Hà Nội nhưng lương cũng khá. Hai vợ chồng làm công ty nước ngoài nên tổng thu nhập của hai đứa cũng phải gần 30 triệu/tháng.

Cách Tết 1 tháng, con dâu tôi điện thoại về nhận mua sắm toàn bộ bánh kẹo, đồ ăn thức uống và trang hoàng nhà cửa cho cái Tết ở nhà bố mẹ chồng.

Tôi đồng ý cho cháu vui lòng nhưng gần Tết, tôi điện thoại lên cho con dâu. Tôi khéo léo từ chối. Lúc thì bảo, mẹ thấy nhà bác A nuôi được cá rất to nên mẹ đặt mua cho rẻ và ngon. 

Lúc tôi lại nói, nhà bác B có đàn gà mới lớn, nhìn rất ngon nên mẹ đăng ký mấy con cho nhà mình ăn Tết. Bánh kẹo, măng miến… tôi cũng tìm ra lý do nào đó để tự mua mà không làm con dâu phật ý. Vì thế, con dâu tôi không phải mua sắm gì nhiều cho cái Tết.

Tuy nhiên, vì không phải mua sắm nên con ái ngại và mang về 10 triệu biếu tôi. Tôi cũng vui vẻ nhận để các con ăn Tết cho ngon. Tuy nhiên, khi hết kỳ nghỉ Tết các con chuẩn bị lên đường đi Hà Nội, tôi cầm tệp tiền 10 triệu và hai tờ 500 nghìn con mừng tuổi đưa cho con dâu và con trai.

Tôi bảo, “Mẹ rất hài lòng vì các con có trách nhiệm với gia đình, mẹ nhận tấm lòng của các con, nhưng số tiền này, các con cầm lấy, tiết kiệm để lo cho tương lai. Khi nào các con khá giả, nhà cửa đoàng hoàng mẹ mới yên tâm”.

Từ đó, tôi hướng dẫn cho con dâu tôi cách chi tiêu tiết kiệm. Tiền mừng tuổi cũng vậy, cứ liệu cơm gắp mắm. Nếu các con khá giả, giàu có, tôi không cấm các con chi nặng tay cho các mối quan hệ gia đình, họ hàng thân thiết. 

Nhưng khi các con còn chưa khá thì không nên hoang phí. Con dâu tôi nghe lời, từ đó, cháu chi tiêu rất đúng mực và không ai nói được cháu.

Đến khi vợ chồng nó trở nên giàu có, lương tháng không phải 1 nghìn đô mà là 3, 4 nghìn đô, cháu cũng mừng tuổi tôi cả cọc tiền 50 nghìn - 100 nghìn. Và tôi vui vẻ nhận.

Thế nhưng, vợ chồng con gái út của tôi thì khó khăn. Lương chồng chỉ 4, 5 triệu, lương vợ thì được 6 triệu.

Tết đầu tiên, thấy anh trai, chị dâu của vợ mừng tuổi bố mẹ to, con rể của tôi cũng ái ngại và không chịu thua kém. Con rút hết tiền trong túi mình để mừng tuổi bố mẹ vợ. Năm đó, con mừng vợ chồng tôi mỗi người 1 triệu đồng. 

Năm sau, sợ mất mặt với bố mẹ vợ, con rể tôi còn vay mượn rồi biếu Tết vợ chồng tôi thật to. Anh trai vợ biếu bố mẹ 20 triệu thì nó cũng phải cố biếu 10 triệu. Chị dâu mừng tuổi mẹ 2 triệu thì nó cũng phải cố mừng mẹ 1 triệu.

Tôi nhìn số tiền con rể biếu mà ruột gan như lửa đốt. Tôi lo cho tính sĩ diện hão này. Tuy nhiên, tôi không từ chối ngay mà vui vẻ nhận. Xong Tết, tôi gọi hai con ra và cũng nói tương tự như tôi đã từng nói với con dâu mấy năm trước.

Thế nhưng, con rể tôi khái tính. Nó nghĩ tôi chê nó nghèo và biếu bố mẹ vợ ít tiền. Vì thế, năm sau, nó biếu tôi gấp đôi năm trước. Đi chúc Tết nhà vợ, anh trai vợ mừng tuổi họ hàng, mỗi người 50 nghìn thì nó mừng 100 nghìn. Đến khi hỏi ra mới biết, đó là tiền con rể đi vay. Sau đó, hết Tết, hai vợ chồng lại cắm cúi làm trả nợ.

Tôi xót lòng xót ruột, thế nhưng, góp ý với con rể không được. Góp ý với con gái nhiều thì vợ chồng chúng cãi nhau, đánh nhau. Vì thế, tôi thấy đau đầu lắm. Tôi không biết làm thế nào để con rể bớt đi tính sĩ diện hão của mình.

Theo Vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ