Nhiều giải pháp đưa ra nhưng xem chừng chưa hiệu quả triệt để. Mới đây, một vị lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra nhận xét đáng chú ý, đó là sự thiếu giáo dục góp phần tạo nên rủi ro nguồn nhân lực!
Lỗi tại ai?
Đến các cổng xí nghiệp, nhà máy, ta luôn bắt gặp các tấm biển, hoặc tấm băng căng dòng thông báo tuyển thợ may, thợ dệt, và thông báo luôn đính kèm hứa hẹn lương cao, phụ cấp hấp dẫn!
Nhìn thông báo này, tưởng mừng cho việc thị trường lao động không thiếu việc làm, mà lại hóa lo, lo vì có việc mà không có người làm. Đó là tình trạng chung ở các doanh nghiệp dệt may nhiều năm qua. Doanh nghiệp tuyển được người lao động, đào tạo cấp tốc để đưa vào chuyền sản xuất, làm được ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, tưởng đã có thể thở phào. Nhưng không, chỉ sau một thời gian, người lao động đang làm việc rất suôn sẻ, lại bỏ việc, thậm chí bỏ việc hàng loạt, cả chuyền sản xuất trống vì người lao động bị vận động nhảy việc cả nhóm.
“Nhiều công ty chơi trò “hớt váng” bằng cách thưởng trên đầu công nhân mà người chiêu dụ được họ về với công ty. Ví dụ cứ mỗi công nhân về với công ty, thì người giới thiệu được thưởng 1 triệu đồng, cứ thế nhân lên gom tiền bỏ túi, bất cần lo nghĩ hậu quả hành động của mình. Do đó có tình trạng công nhân rủ nhau bỏ việc đồng loạt! Người công nhân hình như không quan tâm mấy đến việc danh tiếng công ty mới mà họ sắp đến làm việc thế nào, họ đầu tư nhà máy hay chỉ thuê, liệu rằng 5-10 năm nữa họ có còn tồn tại ở Việt Nam hay không… mà chỉ nhìn vào mức thu nhập, cao hơn chừng 1 triệu đồng/tháng là đã nhảy việc.” – Một Giám đốc xí nghiệp may ở Nam Định cho biết.
“Nếu lãnh đạo doanh nghiệp cứ loanh quanh đổ lỗi cho người công nhân khi họ nhảy việc, cho rằng họ chỉ vì đồng tiền lương mà không có tâm cống hiến lâu dài cho doanh nghiệp, thì bài toán thiếu thợ mãi mãi không giải nổi. Anh cho rằng người lao động bỏ doanh nghiệp chỉ vì đồng lương, nghĩa là anh đang quá coi thường người lao động! Người lãnh đạo cần xem lại chính mình khi để người lao động ra đi, bởi họ ra đi không phải là họ bỏ doanh nghiệp đó, mà là vì ông lãnh đạo và cơ chế làm việc tại đó có vấn đề.” – TS Lê Thẩm Dương lại cho một ý kiến trái chiều.
Bên cạnh chăm lo, còn cần giáo dục?
Mức thu nhập phổ biến của công nhân dệt may tại miền Bắc đã lên tới 7 triệu đồng/tháng. Cá biệt, có một số công ty đã tạo mức thu nhập tới trên 12 triệu đồng/tháng cho công nhân (kể cả thưởng). Như vậy, mức thu nhập đó cao hơn cả giáo viên. Nhưng người lao động vẫn nhảy việc sang các công ty liên doanh nước ngoài, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc với mức thu nhập tới 20-30 triệu đồng/tháng.
“Mức thu nhập bình quân cho công nhân may tại Công ty Tiên Hưng đã lên tới 12 triệu đồng/tháng, tính gộp cả thưởng ngày lễ, thưởng năm. Ngoài ra, các công tác chăm lo cho người lao động cũng luôn đổi mới, tăng dần qua mỗi năm. Đó là các chế độ điều dưỡng, sinh nhật, việc hiếu, hỉ, thăm quan du lịch, phụ cấp nhà ở cho công nhân, phụ cấp tăng cường thể lực vào mùa hè, thưởng cho con em công nhân có thành tích học tập xuất sắc, thưởng sáng kiến thi đua, thưởng năng suất…” - Ông Phạm Tuấn Anh - Tổng Giám đốc công ty CP May Tiên Hưng cho biết.
Mỗi công nhân khi vào làm việc tại các công ty may, thường được tham dự các cuộc đào tạo, trong đó có phần giáo dục truyền thống. Bởi ai cũng hiểu “tư tưởng không thông thì vác bình tông không nổi”. Nhưng vấn đề là giáo dục tư tưởng ra sao để người lao động gắn kết với công ty, coi công ty, doanh nghiệp như ngôi nhà thứ hai của mình?
Trước tình hình cạnh tranh lao động ngày càng phức tạp, đối mặt với các chiêu trò dụ lao động tinh vi, thì công tác giáo dục tư tưởng cho người lao động lại càng cần phải có sự thay đổi sát sườn, phù hợp, chứ không thể cứng nhắc những bài học đã cũ, thiếu sức thuyết phục.