Khoa Nội Tổng Hợp - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhân đến khám vì đau đầu âm ỉ, mệt mỏi, chán ăn, sút cân. Ngoài ra, bệnh nhân không xuất hiện sốt, yếu liệt, khó thở, đau bụng.
Sau khi được xét nghiệm và kết quả chụp MRI sọ não đều tổn thương dạng nang trong nhu mô não theo dõi nang sán. Kết quả ELISA dương tính với sán dây chó (Echinococus).
Các bác sĩ chẩn đoán, cả 2 bệnh nhân bị nang sán não do sán dây chó được theo dõi và điều trị theo đúng phác đồ. Được biết 2 bệnh nhân trên đều có thói quen ăn tiết canh.
Theo bác sĩ, nang sán thần kinh (Cerebral hydatid cysts or neurohydatidosis) tỷ lệ khoảng 2-3%, thường do sán dây chó giai đoạn ấu trùng gây bệnh ở người, chủ yếu căn nguyên Echinococcus granulosus hoặc ít gặp hơn là E. alveolaris hoặc E. multilcularis.
Chó và các loài động vật thuộc họ chó khác là vật chủ chính còn cừu, dê và các động vật ăn cỏ khác là vật chủ trung gian.
Con người bị nhiễm bệnh qua đường phân miệng do ăn rau hoặc nước bị nhiễm trứng hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với chó và các động vật trung gian nhiễm bệnh.
Triệu chứng giai đoạn đầu thường không biểu hiện gì đặc biệt có thể chỉ mệt mỏi, ăn kém. Khi nang phát triển to biểu hiện sẽ phụ thuộc vào vị trí của u nang và kích thước của chúng.
Bệnh nhân phát hiện có nang sán trong não và đều có thói quen ăn tiết canh |
Các vị trí phổ biến nhất là gan (75%), phổi (15%), tiếp theo lách, thận, tim, xương và não (10%). Các triệu chứng khi nang sán phát triển to ở thần kinh Trung ương như đau đầu, nôn mửa, co giật do tăng áp lực nội sọ và chèn ép não.
Để chẩn đoán bệnh không dễ cần đến khám với các bác sĩ chuyên khoa, nó có thể chẩn đoán nhầm với u nang nội sọ là tổn thương lành tính, nếu không phát hiện sớm, chủ quan với nang sán có thể phát triển to và chèn ép não.
Đối với nang nhỏ chưa chèn ép, chỉ cần điều trị nội khoa, đôi khi cần theo dõi tẩy sán nhiều chu kỳ. Phẫu thuật chỉ đặt ra khi kích thước nang to gây chèn ép não hoặc không đáp ứng với điều trị thuốc.
Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thực hành vệ sinh tốt, tẩy giun, sán định kỳ cho vật nuôi như chó, dê, cừu, lợn; rửa tay sau khi tiếp xúc với vật nuôi; ăn chín uống sôi, tránh ăn các loại tiết canh có thể là nguồn chứa ấu trùng giun sán…
Thời gian qua đã có không ít trường hợp bệnh nhân bị nhiễm các bệnh ký sinh trùng, điển hình là bệnh liên quan ấu trùng sán dây lợn do thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh, ăn thực phẩm sống, nấu chưa chín như tiết canh, nem chạo, nem thính, rau sống…
Trao đổi trên báo chí về vấn đề trên, TS.BS Trần Huy Thọ, phó giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết tiết canh không phải thực phẩm giúp giải nhiệt như nhiều người nghĩ. Ăn tiết canh thấy mát không đồng nghĩa với việc thứ này giúp giải nhiệt cơ thể.
"Tất cả các loại tiết canh dù là tiết canh lợn, dê, vịt… thực chất đều là máu sống và đều tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả, lị, liên cầu khuẩn, nhiễm ấu trùng giun sán…" - bác sĩ Thọ nói.
Vị bác sĩ trên cũng cho hay nhiều người dân đến viện luôn cho rằng ăn tiết canh lợn nhà nuôi, tiết canh vịt nhà tự làm nên không thể bị nhiễm sán. Nhưng suy nghĩ này là không đúng.
"Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhiễm các loại ký sinh trùng có tổn thương ở não. Những bệnh nhân này có điểm chung là từng đi khám ở các cơ sở y tế nhưng không chẩn đoán ra bệnh.
Thậm chí có nhiều người nghĩ mình mắc bệnh động kinh, tai biến, tâm thần nên đã điều trị ở bệnh viện tâm thần nhiều năm. Khi đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thì đã ở giai đoạn tương đối muộn, ký sinh trùng đã tấn công vào cơ thể và lên não khiến người bệnh phải chịu nhiều di chứng suốt đời (giảm thị lực, co giật như động kinh....)" - bác sĩ Thọ nhấn mạnh.