Dầu của Nga thực sự đã đi đâu?

GD&TĐ - Dầu thô của Nga đang đi đường vòng để né tránh các lệnh trừng phạt và điểm cuối của chúng dường như vẫn đến châu Âu.

Châu Âu đang mua dầu của Nga?
Châu Âu đang mua dầu của Nga?

Trang Politico của Đức đăng tải một bài phân tích cho thấy dường như dầu mỏ của Nga vẫn đang đổ về châu Âu dẫu Liên minh EU đang tỏ ra cứng rắn vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tờ báo dẫn lời ông Oleg Usenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky: “Tôi có một người bạn ở New York vào những năm 1990. Người này phàn nàn rằng gián sẽ chui vào căn hộ của anh ấy qua bất kỳ lỗ hổng nào có sẵn. Và đó là điều mà Nga đang làm với nguồn năng lượng của họ."

Theo đó, dầu thô là loại mặt hàng khó theo dõi trên thị trường toàn cầu và đó là cách người Nga có thể thay đổi được nguồn gốc hàng hóa để xuất khẩu đến châu Âu.

Dầu thô có thể được trộn lẫn với các lô hàng ở quốc gia quá cảnh và tạo ra một lô dầu lớn mà nguồn gốc của chúng không thể xác định được.

Quá trình tinh chế cũng có thể loại bỏ mọi dấu vết về nguồn gốc của nguyên liệu thô.

Điều đó có nghĩa là với một mạng lưới phức tạp gồm: các công ty vận chuyển, treo cờ của các khu vực pháp lý ở nước ngoài, sẽ làm tăng thêm một lớp "áo" cho dầu thô của Nga và như vậy các nỗ lực để trừng phạt từ phương Tây là "công cốc".

Dầu mỏ của Nga vẫn đang chảy quanh các lệnh trừng phạt và đổ về châu Âu? Ảnh: Politico

Dầu mỏ của Nga vẫn đang chảy quanh các lệnh trừng phạt và đổ về châu Âu? Ảnh: Politico

Tờ báo Đức còn dẫn lời ông Mikhail Khodorkovsky - cựu Giám đốc điều hành của tập đoàn dầu khí khổng lồ Yukos (Nga) cho biết, các hệ thống hoán đổi và mạng lưới được xây dựng để trộn lẫn các loại dầu là điều thường thấy.

“Không giống như đường ống dẫn khí đốt, thị trường dầu mỏ mang tính toàn cầu... Kết quả của lệnh cấm vận Nga cuối cùng sẽ là làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển của Nga, phân phối lại đáng kể thu nhập có lợi cho các bên trung gian và một số chiết khấu bổ sung do thị trường của người mua (- tức châu Âu) bị thu hẹp" - ông Khodorkovsky nhận định.

Trong khi đó, tờ Bloomberg cũng cho rằng, các lô hàng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga có suy giảm nhưng không bị ảnh hưởng quá nhiều dù bị Mỹ và Châu Âu tìm cách ngăn chặn.

Một số tin tức cho rằng, sản lượng xuất khẩu dầu thô của Nga giảm tới 500.000 thùng/ngày trong tháng 3/2023 dường như là không chính xác.

Theo báo Anh, khối lượng dầu dành cho Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ - những quốc gia không tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây và một số lô hàng chưa xác nhận điểm cuối.

Số lượng xuất khẩu có giảm, khoảng 90.000 thùng/ngày xuống chỉ còn 3,23 triệu trong 7 ngày tính đến ngày 17/3/2023.

Tổng cộng có 30 tàu chở dầu đã được nạp 22,6 triệu thùng dầu thô của Nga trong khoảng thời gian này.

Khối lượng dầu xuất khẩu sang châu Á, cùng với hàng hóa không có điểm đến cuối cùng, hầu như không thay đổi và đạt tổng cộng 3,18 triệu thùng/ngày trong giai đoạn tính đến ngày 17/3/2023.

Các hàng hóa "Không xác định khác" ước khoảng 356.000 thùng/ngày trong vòng 4 tuần tính đến ngày 17/3 cũng được chất lên các tàu chở dầu đang hướng đến thành phố Ceuta của Tây Ban Nha, cảng Kalamata của Hy Lạp hoặc không có điểm đến nào.

Hầu hết các lô hàng này có thể đã đến Thổ Nhĩ Kỳ, Bloomberg dựa theo các dữ liệu theo dõi tàu thuyền vận chuyển dầu thô.

Tuy nhiên, ngay cả khi các lô hàng xuất khẩu giảm hàng ngày thì cũng có rất ít dấu hiệu cho thấy Nga đã cắt giảm sản lượng dầu. Bloomberg cũng lưu ý thêm rằng, số lượng dầu không xuất khẩu đã được đổ vào các kho dự trữ. Các bể chứa dầu của Nga lần đầu tiên vượt ngưỡng 15 triệu thùng kể từ tháng 4 năm ngoái.

Truyền thông phương Tây dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tuyên bố sự phụ thuộc của châu Âu vào dầu mỏ và khí đốt của Nga là "lịch sử". Giờ đây, rõ ràng EU đã tìm cách để loại bỏ nó nhưng "những trang sử vẫn đang được viết tiếp".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...