ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY

Đau chữ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tuổi thơ đúng là rất hồn nhiên cây cỏ, nhất là với các bé vừa bước vào độ tuổi học đánh vần: “Những đứa trẻ/ tròn môi chữ bố/ e mờ e/ chữ mẹ xinh xinh”.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Lời bình của Đặng Toán

Ô bờ ô...

e mờ e...

cô giáo dạy

lớp mồ côi tập viết

những đứa trẻ

tròn môi chữ bố

e mờ e

chữ mẹ xinh xinh

rồi ngơ ngác

bố mẹ mình

ai nhỉ.

những tiếng ê a

những tiếng ngân dài

nghe như rất

hồn nhiên cây cỏ

mà đau lòng

hai chữ

mẹ

cha.

Mai Thìn

Hình ảnh những gương mặt trong sáng, thơ ngây, những đôi môi hồng hồng, nhỏ xinh đang chăm chú tập đánh vần theo lời cô giáo, thật vô cùng dễ thương. Hai tiếng gần gũi nhất đối với các bé lúc này chính là hai tiếng bố, mẹ xiết bao thân thương, ấm áp.

Nhưng đáng buồn thay, chữ bố, chữ mẹ càng được các em tô rõ nét, xinh xắn bao nhiêu thì sự hẫng hụt trong lòng người đọc càng như xa xót thêm bấy nhiêu.

Bởi, các con đang học tập trong một lớp học không bình thường. Lớp học của những đứa trẻ mồ côi. Như hiện lên trước mắt chúng ta những mái đầu thơ dại đang chụm lại, những đôi mắt mở to ngơ ngác ngắm nghía từng con chữ đẹp đẽ nhưng lạ lẫm. Bởi chúng làm sao có thể hình dung được “bố mẹ mình/ ai nhỉ”.

Một câu hỏi nhưng không có dấu chấm hỏi (?) như càng tăng thêm nét ngơ ngác của bao em bé mồ côi đáng thương! Nhưng chỉ thoáng qua thôi. “Những tiếng ê a” lại tiếp tục ngân dài đúng như sự hồn nhiên, ngây ngô vốn có nơi con trẻ.

Tính từ “ngơ ngác” được tác giả sử dụng hợp lý với không gian lớp học, với tâm lý những đứa trẻ côi cút trong bài thơ.

Sự hồn nhiên, thơ ngây vốn là nét đáng yêu ở các em bé. Nhưng với hoàn cảnh của các cháu trong lớp học đặc biệt này, nó lại càng khiến cho không chỉ các thầy cô, các bậc làm cha, làm mẹ, mà tất cả người lớn chúng ta thêm đau xót.

Thương các em, bù đắp nỗi thiệt thòi, mất mát quá lớn của các em, có rất nhiều cách. Bên cạnh các thầy cô đang ngày đêm dành công sức, tâm huyết, đem ánh sáng tri thức và tình thương sưởi ấm những mảnh đời bé thơ bất hạnh, nơi các lớp học tình thương.

Nhà thơ, bằng tâm hồn nhạy cảm, thông qua tác phẩm của mình không chỉ cất lên tiếng nói sẻ chia, thương cảm, mà còn kêu gọi trách nhiệm của toàn xã hội để các em vơi bớt đi phần nào nỗi đau thương, mất mát mà chính các em không ý thức được.

Tác phẩm được viết theo thể thơ tự do với các khổ dài, ngắn khác nhau. Thêm cách cố ý ngắt câu từng ba chữ, hai chữ thậm chí chỉ có một chữ đứng mình một dòng, gợi liên tưởng tới những giọt nước mắt hay hình ảnh của những đứa trẻ lầm lũi, đơn độc.

Từng con chữ cũng như biết đau nỗi đau đồng loại. Bởi vậy, một bài thơ mộc mạc, giản dị giống như tình cảm chân thành của người viết đã chạm được vào trái tim đồng cảm nơi người đọc.

Vài nét về tác giả

Tác giả Đặng Văn Toán, bút danh: Đặng Toán, sinh năm 1969 tại Thái Bình; Hội viên Hội VHNT Thái Bình. Anh bắt đầu sáng tác văn học từ năm 2000 và đã có nhiều tác phẩm được in trên các báo. Các tác phẩm chính đã xuất bản: “Ca dao nhớ mẹ” (tập thơ); “Lớp học trên trời” (tập thơ “Thiếu nhi”); “Bí mật hai người đàn bà” (tập truyện ngắn).

Giải thưởng: Đạt một số giải thưởng của tạp chí Kiến thức Ngày nay; Văn nghệ Thái Bình; Toán Tuổi thơ.

Anh bắt đầu nghiên cứu và bình thơ cách nay khoảng 5 năm, yêu thích và gắn bó với chuyên mục “Đến với bài thơ hay” trên Báo Giáo dục và Thời đại từ năm 2020 đến nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.