Dấu ấn quan trọng tại Trung Á

GD&TĐ - Trong hai ngày 18 và 19/5 vừa qua, Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á năm 2023 đã diễn ra tại Tây An, Trung Quốc.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong hai ngày 18 và 19/5 vừa qua, Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á năm 2023 đã diễn ra tại Tây An, Trung Quốc với sự tham gia của 5 quốc gia Trung Á gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi Trung Quốc thiết lập quan hệ với các quốc gia Trung Á cách đây 31 năm.

Tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh với các nước Trung Á rằng “chủ quyền, an ninh, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ” của họ phải được bảo vệ. Trung Quốc đang gửi đi thông điệp nước này sẽ tạo ảnh hưởng lớn hơn ở Trung Á.

Thông điệp trên không phải mới. Trung Á từ lâu đã nằm trong chiến lược ngoại giao và giao thương kinh tế của Bắc Kinh. Năm 2013, ông Tập đã chọn Kazakhstan làm nơi phát biểu khởi động Sáng kiến vành đai và Con đường, trong đó, Trung Quốc mạnh tay đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực Trung Á. Kazakhstan cũng là điểm dừng chân đầu tiên của ông Tập trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau ba năm dịch Covid-19.

“Tại sao lại là Trung Á?” là câu hỏi được đặt ra tại hội nghị quan trọng này. Đối với Trung Quốc, Trung Á là khu vực có ý nghĩa chiến lược lớn khi sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, các tuyến giao thông quan trọng và chung đường biên giới dài hơn 3.000 km.

Hợp tác năng lượng là một trong những vấn đề ưu tiên của Trung Quốc trong mối quan hệ với Trung Á. Là nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đã rót hàng tỷ USD vào khu vực này để tiếp cận nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên. Nhiều thành phố của Trung Quốc phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên từ Turkmenistan, Kazakhstan, nơi sở hữu những mỏ dầu khổng lồ ngoài Trung Đông.

Bên cạnh đó, Trung Quốc muốn gia tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng của Trung Á vì khu vực này nằm ở vị trí trung tâm trên tuyến đường giao thương giữa Trung Quốc và châu Âu. Trong lịch sử, Trung Á cũng là cửa ngõ phía Đông của Con đường Tơ lụa nối liền Á - Âu.

Mong muốn này được thể hiện rõ ràng qua bài phát biểu của ông Tập trong hội nghị thượng đỉnh vừa qua. Chủ tịch Trung Quốc đã vạch ra một kế hoạch lớn cho sự phát triển của Trung Á, trong đó có việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.

Ngoài ra, Trung Quốc mong muốn thúc đẩy giao thương với Trung Á. Minh chứng là năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia Trung Á đạt mức kỷ lục 70 tỷ USD.

Thương mại điện tử xuyên biên giới giữa hai bên cũng tăng 95% vào năm 2022 trong khi gần 300 doanh nghiệp Trung Á tham gia nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc.

Dấu ấn của Trung Quốc tại Trung Á ngày càng rõ nét trong bối cảnh Nga, vốn thể hiện rõ vị thế tại khu vực, đang tập trung cho cuộc xung đột với Ukriane. Động thái của Trung Quốc có thể thay thế vị trí của Nga tại Trung Á hay không là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Nhiều chuyên gia đồng tình rằng Trung Quốc đang “tranh thủ” khó khăn của Nga để tiến vào Trung Á. Nhưng thực tế, việc Trung Quốc tác động sâu rộng lên khu vực này không đồng nghĩa vị thế của Nga bị suy giảm.

Điều cần lưu ý là những cam kết giữa Trung Quốc và Trung Á còn tương đối mới trong khi Nga có lịch sử hợp tác an ninh và quân sự lâu dài với các nước Trung Á. Trong trung và dài hạn, Trung Quốc khó có thể “phá vỡ” bức tường bền chặt giữa Nga và khu vực này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...