Mỹ có cạnh tranh với Nga và Trung Quốc ở Trung Á?

GD&TĐ - Ngày 3/8, tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các bộ trưởng ngoại giao của Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan cùng thảo luận về các đề xuất của Mỹ đối với các nước trong khu vực Trung Á. Không ít chuyên gia cho rằng Mỹ đang cố gắng kiềm chế hoạt động của Trung Quốc trong khu vực.

Mỹ có cạnh tranh với Nga và Trung Quốc ở Trung Á?

Hợp tác mang tên “C5 + 1”

Cuộc họp tại Washington lần này là sự tiếp nối của một cuộc đối thoại hợp tác theo định dạng “C5 + 1” được khởi xướng tại Samarkand vào tháng 11 năm ngoái trong chuyến thăm lịch sử của John Kerry tới các nước Trung Á. Định dạng này dựa trên chiến lược “Con đường tơ lụa mới” của Washington. Chiến lược này có nhiệm vụ tương tự như các sáng kiến của Trung Quốc – “Vành đai kinh tế của con đường tơ lụa mới” xuất hiện vào năm 2014.

Theo John Kerry, bản chất chiến lược của Mỹ để giúp khu vực hội nhập vào nền kinh tế thế giới thông qua phát triển cơ sở hạ tầng, khả năng cạnh tranh kinh tế, thu hút đầu tư và thực hiện các chương trình mới, đặc biệt về biến đổi khí hậu và Smart Waters (“nước thông minh”).

Cuộc họp ở Washington được bắt đầu với một cuộc thảo luận về tình hình an ninh. Trung tâm chú ý của hội nghị là các cuộc tấn công ở Kazakhstan vào mùa hè vừa rồi. Còn nhớ trong tháng 7, các tay súng Hồi giáo cực đoan đã tấn công các thành phố của Aktobe và Karaganda, và vào tháng Bảy, đã tấn công cảnh sát ở Almaty. Một vài ngày trước cuộc họp của C5 + 1, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Trung Á - Daniel Rosenblum tuyên bố rằng Washington “sẽ hỗ trợ Kazakhstan trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và sẽ cung cấp tất cả các hỗ trợ cần thiết”.

Một chủ đề quan trọng khác là tình hình các tỉnh phía Bắc và Đông Bắc của Afghanistan, nơi tiếp giáp với Uzbekistan, Tajikistan và Turkmenistan. Tại các khu vực này, các nhóm chống chính phủ chiếm một vùng rộng lớn, nơi được coi là “hậu phương của các nhóm khủng bố”.

Tại sao Mỹ phải lôi kéo các nước Trung Á?

Các nhà phân tích cho rằng, để ổn định tình hình ở Afghanistan, Washington không có con đường nào khác ngoài việc tranh thủ sự ủng hộ của các nước Trung Á. Nhà nghiên cứu chính trị Uzbekistan Rafel Sattarov cho rằng: “Hoạt động của Mỹ ở khu vực luôn mang tính tình huống. Ngay sau khi đạt được mục tiêu, sự hiện diện của Mỹ giảm đi rõ rệt. Vào thời điểm hiện tại, mục tiêu của Mỹ là ổn định tình hình ở Afghanistan, chính vì vậy, họ cần đến sự ủng hộ của các nước Trung Á. Nhóm C5 + 1 ra đời là phục vụ cho lợi ích của Mỹ. Rafael Sattarov nhắc lại những kế hoạch hoàn toàn mang tính tình huống mà Mỹ đã thực hiện trước đó như: “Đại Trung Á”, “Con đường tơ lụa mới”, “Đại Trung Đông”… Ông Sattarov tin rằng, sau khi quân Mỹ rút hẳn khỏi Afghanistan, mối quan tâm của Washington với khu vực lại “rơi” một lần nữa.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, Washington đang củng cố vị thế của họ trong cuộc chiến địa chính trị với Nga và Trung Quốc ở Trung Á.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Trung Á Daniel Rosenblum cho biết: “Mối quan hệ tốt với các nước Trung Á được Bill Clinton và George W. Bush và Barack Obama duy trì”. Tuy nhiên, ông Rosenblum cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng: “Tổng thống mới sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước Trung Á trong định dạng C5 + 1”. Rosenblum nói thêm: “Triển vọng của dự án sẽ phụ thuộc vào các nước trong khu vực, những người “trực tiếp xây dựng chương trình nghị sự của cuộc họp C5 + 1”.

Ngoài ra, ông Rosenblum đã bác bỏ ý kiến cho rằng Washington có ý định cạnh tranh với Nga và Trung Quốc trong khu vực. “Các quốc gia Trung Á do lịch sử và địa lý nên có mối quan hệ thân thiện với Moskva và Bắc Kinh. Nhưng Hoa Kỳ và Nga có lợi ích chung trong khu vực. Họ cần phải ngăn chặn các mối đe dọa đến Trung Á từ Afghanistan” - ông Rosenblum khẳng định. Trả lời phỏng vấn “Kommersant”, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Kazakhstan Sanat Kushkumbayev cũng cho rằng: “Mỹ không kỳ vọng cao với C5 + 1. Đây là một dạng hợp tác bình thường với mục đích để Washington có thể trực tiếp đối thoại cùng một lúc với tất cả các nước trong khu vực và thúc đẩy chương trình nghị sự của mình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ