Cơ duyên sưu tầm tem
Ngay từ nhỏ Vũ Hoài Nam đã có sở thích sưu tầm tem. Biết anh Nam đam mê thú chơi này, năm 1998, một người bạn thân đã tặng bộ 50 con tem với tên gọi “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” để làm kỷ niệm.
Với anh Nam, đây là món quà không thể đo đếm bằng tiền bạc lúc bấy giờ. Nhận món quà trên tay, anh Nam vui mừng không ngớt lời cảm ơn người bạn.
Từ những dữ liệu ban đầu, chàng trai trẻ dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu các họa tiết, hoa văn, chủ đề được in trên những con tem. Càng đi sâu hiểu sâu, anh Nam càng say mê và quyết tâm theo đuổi.
Hành trình sưu tầm tem của anh Nam gặp nhiều khó khăn. Anh không có nhiều kiến thức về tem, chưa có kinh nghiệm phân biệt chủ đề tem... và khoản kinh phí để duy trì hoạt động mua tem lại rất eo hẹp.
Anh Nam chia sẻ, bẵng đi một thời gian vì những khó khăn tài chính, anh mới dành dụm được ít tiền, một mình bắt xe tìm đến Công ty Tem trên phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội để mua một cuốn sách giới thiệu về tem bưu chính Việt Nam giai đoạn 1945 - 2005.
Có trong tay cuốn sách dày hơn 500 trang với nội dung phong phú, giới thiệu chi tiết, đầy đủ về năm phát hành, ngày phát hành, mã số bộ tem, tên, hình ảnh tem…, chàng trai Vũ Hoài Nam bắt đầu bước vào hành trình sưu tầm và tìm hiểu tem bưu chính Việt Nam.
“Sau này, tôi có mua thêm cuốn sách giới thiệu về tem bưu chính Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010 để cập nhật thông tin và sưu tầm tem. Những cuốn cẩm nang này đã giúp tôi khai phá được những điều thú vị, biết thêm nhiều kiến thức về lịch sử trong quá trình sưu tập bộ tem xưa”, anh Vũ Hoài Nam thổ lộ.
Theo anh Nam, khoảng 10 năm trở lại đây, mạng xã hội ở Việt Nam phát triển, nhiều nhóm, hội mua bán, trao đổi tem xưa được thành lập. Anh Nam tham gia vào các hội, nhóm để giao lưu, tìm hiểu thêm những thông tin gắn với niềm đam mê của mình.
Tham gia những cuộc giao dịch, định giá, mua bán, bàn luận tem xưa diễn ra trên không gian mạng, anh không phải mất nhiều thời gian đi lại mà vẫn có thêm nhiều kiến thức về tem.
Đối với những bộ tem quý có giá trị, anh Nam sẵn sàng đến tận nơi, xem trực tiếp và trao đổi với người bán. Với anh, mỗi lần đi mua tem ở nơi xa, được gặp gỡ người bạn mới cũng là một kỷ niệm đẹp.
Anh Nam tâm sự: “Đa số là tôi mua tem qua các nhóm, hội trên mạng xã hội. Tuy nhiên, trước khi quyết định mua, tôi đã tìm hiểu rất kỹ về những người bán tem”.
Ngoài ra, anh Nam còn sưu tầm tem theo từng chủ đề, như: Chim, thú, loài hoa, tàu thuyền, hàng không…, với số lượng lên đến hàng nghìn con tem. Những chủ đề này không chỉ có tem Việt Nam, mà còn có nhiều tem của các nước khác trên thế giới.
![Anh Vũ Hoài Nam xem lại những con tem xưa trong cuốn album. dau-an-lich-su-tren-nhung-con-tem-1.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/da50d7eb564a918fc80651353f60037485ff68ea959e25ae1136a2236eebd584b92fc93eabb7ff1d07fbacc18c087168a7d5c51895e62e7c5dde698e9cff22a9/dau-an-lich-su-tren-nhung-con-tem-1.jpg)
Hình ảnh Bác Hồ trên tem
Là người có nhiều năm tìm hiểu tư liệu và sưu tầm về tem xưa, anh Nam cho hay, xuất phát từ nhu cầu trao đổi thông tin và giao lưu tình cảm của con người nên từ rất lâu đời đã có hoạt động bưu chính.
Do đó, ngoài chức năng là phương tiện thanh toán cước phí bưu chính, tem thư còn là một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ, được nhiều người ưa chuộng tìm kiếm, trao đổi và sưu tầm. Giới sưu tầm gọi là tem chơi.
Anh Nam dẫn ví dụ, ngày 2/9/1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, vì chưa kịp phát hành tem mới nên đã lấy một số tem Đông Dương cũ in đè lên mặt tem các chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, “Độc lập, tự do, hạnh phúc”, “Bưu chính”, “Quốc phòng”, “Cứu đói”, “Dân sinh”… để tạm thời sử dụng trên mạng bưu chính.
Tổng cộng có 13 dạng tiêu đề khác nhau được in đè lên 53 mẫu tem Đông Dương tạo thành 57 mẫu tem Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Toàn bộ các mẫu tem này do họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế.
“Tem bưu chính Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn 1945 - 1946 có tên gọi là tem tạm thời hoặc tem Đông Dương in đè. Trong đó, ở tiêu đề Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có 10 mẫu, ở tiêu đề Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bưu chính có 19 mẫu, ở tiêu đề “Việt Nam Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” bưu chính có 9 mẫu”, anh Nam chia sẻ.
Giở cuốn album đang lưu giữ các con tem, anh Nam tâm sự, ngày 2/9/1946, nhân kỷ niệm Quốc khánh lần thứ nhất, Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem mang chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo Sắc lệnh số 172/SL ngày 27/8/1946 của Chủ tịch Chính phủ với tiêu đề: Kỷ niệm lần thứ nhất Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945) và Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945).
Bộ tem này do họa sĩ Nguyễn Sáng thiết kế, có cùng mẫu vẽ (khuôn khổ là 26 x 41 mm, số răng tem là 11,5), in thành 5 tem, màu sắc và giá mặt khác nhau. Trong đó, có 2 tem phụ thu cứu quốc (6 hào và 9 hào).
Hay như mốc sự kiện, tháng 5/1949, nhân kỷ niệm lần thứ 59 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890), Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem thứ hai, gồm 2 mẫu có cùng khuôn khổ là 28 x 43 mm, số răng tem là 7, do họa sĩ Nguyễn Sáng thiết kế. Bộ tem này được in tại nhà in Trung ương Việt Bắc (tỉnh Phú Thọ).
Bộ tem thứ 3 được in vào năm 1951, gồm 3 mẫu, cũng được in tại nhà in Trung ương Việt Bắc nhân kỷ niệm lần thứ 61 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890), do họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế.
“Hình ảnh được sử dụng trong 3 bộ tem này đều là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta. Riêng, bộ tem thứ 3 có in thêm bản đồ Việt Nam”, anh Nam bộc bạch.
Đặc biệt, có những bộ tem, bên trong tem nhấn mạnh rõ lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như bộ tem 2 mẫu phát hành vào tháng 1/1967 với nội dung: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không làm nô lệ” và “Không có gì quý hơn độc lập tự do, đồng bào và chiến sĩ cả nước anh dũng tiến lên!”.
Bộ tem 4 mẫu với 4 màu sắc khác nhau, phát hành vào tháng 4/1968, có cùng nội dung: “Không có gì quý hơn độc lập tự do, đồng bào và chiến sĩ cả nước anh dũng tiến lên!”.
![Bộ tem mang chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hành lần đầu vào ngày 2/9/1946 nhân kỷ niệm Quốc khánh lần thứ nhất. dau-an-lich-su-tren-nhung-con-tem-4.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/da50d7eb564a918fc80651353f60037485ff68ea959e25ae1136a2236eebd584b92fc93eabb7ff1d07fbacc18c08716882cf4c97a9262fe654c24a2e0656646b/dau-an-lich-su-tren-nhung-con-tem-4.jpg)
Mốc lịch sử hào hùng
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bưu điện Việt Nam đã phát hành tem nhằm đáp ứng nhu cầu cước phí bưu chính, đồng thời tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thắng lợi của quân và dân ta. Cũng chính từ đó, bộ tem có chủ đề: “Sản xuất, tiết kiệm” phát hành 1953, ở chủ đề này có 2 bộ tem, tổng 6 mẫu.
Hay bộ tem thể hiện được hào khí thắng lợi lẫy lừng “Chiến thắng Điện Biên Phủ” phát hành lần đầu vào tháng 10/1954. Bộ tem này có 4 mẫu, với hình ảnh chủ đạo là nóc hầm Đờ Cát-xtơ-ri. Chủ đề “Thủ đô giải phóng” gồm 3 mẫu, được phát hành lần đầu vào tháng 1/1955, hình ảnh chủ đạo là bộ đội với thiếu nhi Hà Nội.
Ngoài ra, còn có những bộ tem mang chủ đề khác như: Tem thiếu cước, Cải cách ruộng đất, chùa Một Cột, anh hùng Cù Chính Lan, anh hùng Mạc Thị Bưởi, Quân đội, Tết xuân, chống nạn mù chữ, vì trẻ em…
Đặc biệt, trong năm 1953 và 1954, Bưu điện Việt Nam phát hành 2 bộ tem có mặt giá ghi bằng Ki-lô-gram (kg) thóc, chứ không tính bằng tiền Việt Nam (đồng). Trong đó, bộ tem “Sản xuất, tiết kiệm” phát hành năm 1953, gồm 4 mẫu, có mặt giá: 0K600, 1K000, 2K000, 5K000; bộ tem “Chủ tịch Hồ Chí Minh in đè” phát hành năm 1954, gồm 2 mẫu, có mặt giá: 0K100.
![Chủ nhân bộ sưu tập đồ sộ giới thiệu về bộ tem mang chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. dau-an-lich-su-tren-nhung-con-tem-3.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/da50d7eb564a918fc80651353f60037485ff68ea959e25ae1136a2236eebd584b92fc93eabb7ff1d07fbacc18c087168aedb20ccd9b542a8b8931fc02f0163a5/dau-an-lich-su-tren-nhung-con-tem-3.jpg)
Theo anh Nam, cuốn sách giới thiệu về tem bưu chính Việt Nam giai đoạn 1945 - 2005 ghi rõ, xét về phương diện lịch sử, có thể chia thành hai dòng tem. Một là dòng tem cách mạng, hai là dòng tem của chính quyền các nước vùng tạm chiến.
Trong đó, dòng tem cách mạng có tem Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tem Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; tem Mặt trận Dân tộc Giải phóng quân miền Nam Việt Nam và tem Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Dòng tem của chính quyền các nước vùng tạm chiến có tem Đông Dương, từ năm 1889 - 1949; tem quốc gia Việt Nam (hay còn gọi là tem Bảo Đại), từ năm 1951 - 1955, lưu hành tại các vùng tạm chiến; tem Việt Nam Cộng hòa, từ năm 1956 - 1975, lưu hành tại vùng do chính quyền Sài Gòn cũ kiểm soát.
Ngày 2/7/1976, Quốc hội của nước Việt Nam quyết định đặt tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tại thời điểm này, tem của Cộng hòa miền Nam Việt Nam và tem Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhập vào thành tem Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; quốc hiệu trên tem là Việt Nam.
Bộ tem cuối cùng của hai dòng tem này đều chung hình vẽ là bản đồ Việt Nam, hoa đào, hoa mai và dòng chữ “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” và “Độc lập, thống nhất, chủ nghĩa xã hội”.
Trong số 1.001 bộ tem giai đoạn 1945 - 2010, theo anh Nam có 3 bộ tem quý và giá trị, anh phải mất nhiều năm mới hoàn thành được trọn 3 bộ tem này. Cụ thể, bộ tem Anh hùng Mạc Thị Bưởi (1927 - 1951) phát hành tháng 11/1956, với 4 mẫu; bộ tem Thương binh phát hành vào tháng 9/1963, với 3 mẫu; bộ tem Binh sĩ phát hành vào tháng 9/1966, với 3 mẫu.
“Tôi đang có dự định xây dựng một không gian nhỏ để trưng bày các album tem xưa, với mục đích cho các cháu học sinh đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử Việt Nam qua các chủ đề trong mỗi bộ tem”, anh Vũ Hoài Nam cho biết.