Dấu ấn khoa học công nghệ 2021

GD&TĐ - 2021 là năm bản lề khởi động nhiều chương trình khoa học công nghệ quốc gia. Bên cạnh đó, các nghiên cứu tập trung chính vào các giải pháp phòng chống Covid-19 như vắc-xin hay thuốc điều trị.

Robot hỗ trợ trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
Robot hỗ trợ trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.

Chương trình KHCN trọng điểm “Nghiên cứu sản xuất vắc-xin sử dụng cho người đến năm 2030”

Ngày 1/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1654/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu sản xuất vắc-xin sử dụng cho người đến năm 2030”.

Mục tiêu của Chương trình là nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất vắc-xin sử dụng cho người (vắc-xin); nâng cao trình độ, năng lực của các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước, sẵn sàng đối phó với dịch bệnh mới phát sinh.

Chương trình phấn đấu 100% vắc-xin trong nước đạt tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm cho Chương trình tiêm chủng mở rộng và một số vắc-xin khác; từng bước đưa vắc-xin Việt Nam tham gia thị trường quốc tế.

Đến năm 2025, làm chủ công nghệ sản xuất 10 loại vắc-xin và sản xuất được tối thiểu 3 loại vắc-xin; đến năm 2030, làm chủ được công nghệ sản xuất 15 loại vắc-xin và sản xuất được tối thiểu 5 loại vắc-xin.

Chương trình đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ truyền thống, ưu tiên công nghệ mRNA, công nghệ protein tái tổ hợp, công nghệ vector virus… phục vụ sản xuất vắc-xin Covid-19, vắc-xin ung thư, vắc-xin phối hợp nhiều thành phần và các vắc-xin khác đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh. 

Quy hoạch lại mạng lưới tổ chức KH&CN công lập

Ngày 26/2, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức liên quan triển khai thực hiện lập quy hoạch.

Theo tính toán, kinh phí sự nghiệp khoa học từ ngân sách Nhà nước chủ yếu là để chi lương và chi hoạt động bộ máy cho các tổ chức KH&CN công lập (chiếm khoảng 90% chi sự nghiệp khoa học); phần kinh phí để thực hiện nhiệm vụ KH&CN lại rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 10% chi sự nghiệp khoa học, mặc dù hoạt động KH&CN là hoạt động chính của tổ chức KH&CN.

Quy hoạch trong giai đoạn mới hướng tới hình thành mạng lưới tổ chức KH&CN công lập theo hướng mở, linh hoạt, có quy mô và cơ cấu hợp lý; kết nối được các ngành, các vùng có liên quan theo quy hoạch tổng thể quốc gia.

Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030

Ngày 13/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định ban hành Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030. Chương trình đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đến năm 2025, hình thành và phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN với 80 tổ chức trung gian và 3 mạng lưới các tổ chức trung gian chuyên sâu cho 3 ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Đến năm 2030, Chương trình đặt mục tiêu, giá trị giao dịch hàng hóa KH&CN hàng năm tăng mạnh, bình quân đạt 30%, trên 35% đối với một số lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Tỉ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt trên 20%, tỉ trọng giao dịch các công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển đạt 35%. Tỉ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước.

Có trên 240 tổ chức trung gian và 6 mạng lưới tổ chức trung gian chuyên sâu cho 6 ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Số hóa các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ có tiềm năng thương mại hóa trên thị trường. Hiện đại hóa hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN, kết nối hiệu quả với mạng lưới tổ chức trung gian khu vực và toàn cầu.

Năm 2030, phải có tối thiểu 10 sản phẩm quốc gia mới

Ngày 1/2/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển sản phẩm KH&CN quốc gia đến năm 2030. Chương trình có mục tiêu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, phát triển các sản phẩm quốc gia nhằm tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm quốc gia tại thị trường trong nước và quốc tế. Đến năm 2030, hình thành và phát triển tối thiểu 10 sản phẩm quốc gia mới.

Chương trình sẽ thực hiện lựa chọn sản phẩm quốc gia từ các sản phẩm trọng điểm, ưu tiên, chủ lực của các ngành, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; năng lượng; công nghiệp thông tin, viễn thông, điện tử và công nghiệp hỗ trợ; Nông nghiệp chủ lực quốc gia; Quốc phòng và an ninh; Dược, y tế và bảo vệ môi trường; Sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, phục vụ hiệu quả cho quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Việt Nam; Các sản phẩm ưu tiên khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 (Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021). Mục tiêu tổng quát của Chương trình là nghiên cứu, làm chủ, phát triển công nghệ cao, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ; hình thành, phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này.

Phát triển và làm chủ được 20 công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, ứng dụng có hiệu quả vào hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao của doanh nghiệp; Gia tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu trong công nghiệp chế biến chế tạo, tăng nhanh tỉ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao.

Đến năm 2030, Việt Nam phải trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo

Ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (TTNT) đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng TTNT trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Chiến lược đề ra mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT, đưa TTNT trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng TTNT trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Mục tiêu đến năm 2025 là đưa TTNT trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam, Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT; Xây dựng được 5 thương hiệu TTNT có uy tín trong khu vực; Phát triển được 1 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao.

Mục tiêu tiếp theo là Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng TTNT. Hình thành được 2 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về TTNT; gia tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về TTNT và tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực TTNT ở Việt Nam.

Nâng cấp robot hỗ trợ chống dịch Covid-19

Sản phẩm robot tự động có tên Vibot là sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học Học viện Kỹ thuật Quân sự. Robot dùng để vận chuyển thức ăn, đồ dùng cho bệnh nhân, vật dụng y tế từ ngoài vào khu cách ly điều trị bệnh Covid-19 và ngược lại.

Ở phiên bản 2, Vibot có khả năng tự xây dựng bản đồ, tự định vị và thiết lập lộ trình hoạt động, di chuyển an toàn vào/ra khu vực được chỉ định để thực hiện nhiệm vụ mà không cần sự hỗ trợ nào từ bên ngoài.

Cuối tháng 4/2021, hệ thống Vibot-2 gồm 1 trung tâm giám sát, điều khiển và 3 robot đã được triển khai tại khu vực cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai - Cơ sở 2 (Phủ Lý - Hà Nam). Tại đây, hệ thống được triển khai trên 3 tầng nhà của khu Zone-6 để phục vụ hơn 150 (có thời điểm gần 200) bệnh nhân Covid-19.

Tháng 5/2021, khi triển khai tại khu vực điều trị bệnh nhân của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang trong hơn 1 tháng cao điểm của dịch bệnh Covid-19, hệ thống robot Vibot-2 đã hỗ trợ điều trị hàng trăm bệnh nhân, góp phần giảm tải cho nhân viên y tế, phòng tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly.

Ngày 23/7, Hội đồng KH&CN tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đã họp, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ đạt mức xuất sắc và kiến nghị tiếp tục hoàn thiện công nghệ, đầu tư sản xuất thêm các hệ thống robot Vibot để phục vụ phòng chống dịch.

Chế phẩm thảo dược ức chế virus SARS-CoV-2

Nghiên cứu chế phẩm thảo dược ức chế virus SARS-CoV-2.
Nghiên cứu chế phẩm thảo dược ức chế virus SARS-CoV-2. 

Ngày 10/8/2021, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã công bố kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng thuốc điều trị Covid-19. Thuốc thử nghiệm VIPDERVIR được điều chế từ các nguyên liệu có nguồn gốc từ thảo dược, giúp ức chế khả năng nhân lên của virus SARS-CoV-2 trong tế bào, và đã được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng.

Nhóm nghiên cứu của PSG.TS Lê Quang Huấn đã sử dụng công nghệ tin sinh học để sàng lọc các hoạt chất chính có trong các loại thảo dược của Việt Nam, có tác dụng ngăn cản sự bám dính của virus với tế bào chủ, làm mất khả năng xâm nhập của virus vào tế bào chủ; ức chế khả năng nhân lên của virus trong tế bào; kích hoạt các tế bào hệ miễn dịch của người bệnh. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã tạo ra tổ hợp các loại thảo dược chứa các hoạt chất đem lại hiệu quả điều trị cao nhất.

Thuốc thử nghiệm VIPDERVIR đã được đánh giá độc tính cấp tại Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương và Đại học Y Hà Nội, đánh giá khả năng ức chế virus cúm A/H5N1 tại Viện Công nghệ sinh học, ức chế virus SARS-CoV-2 tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và khả năng tăng miễn dịch tại Đại học Y Hà Nội.

Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy, sản phẩm an toàn và có tác dụng ức chế sự phát triển của virus SARS-CoV-2, tăng cường miễn dịch trên các mô hình nghiên cứu thực nghiệm.

Tổng hợp thành công thuốc điều trị Covid-19 tại Việt Nam

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã giao cho Viện Hóa sinh biển thực hiện nhiệm vụ tổng hợp hoạt chất Molnupiravir quy mô pilot. Sau thời gian khẩn trương nghiên cứu, Viện đã thành công trong việc tạo ra quy trình tổng hợp và tinh chế hoạt chất Molnupiravir quy mô pilot.

PGS.TS Phạm Văn Cường, Viện trưởng Viện Hóa sinh biển, cho biết, trong số các thuốc điều trị SARS-CoV-2, thì Molnupiravir là thuốc kháng virus đặc hiệu, dùng theo đường uống, đang trong các thử nghiệm lâm sàng cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp.

Đặc biệt, thuốc giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, góp phần giảm lây nhiễm trong cộng đồng, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã triển khai chương trình thí điểm sử dụng thuốc Molnupiravir cho bệnh nhân điều trị ngoại trú tại TPHCM.

Để đẩy nhanh kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, được sự đồng ý của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hóa sinh biển đã ký kết hợp đồng chuyển giao quy trình sản xuất Molnupiravir quy mô pilot cho một công ty dược phẩm.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc-xin Nanocovax

Sau hơn 8 tháng tiến hành 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Nanocovax, với xấp xỉ 14.000 người đã được tiêm thử nghiệm, báo cáo giữa kỳ giai đoạn 3a của thử nghiệm lâm sàng đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia chấp nhận thông qua vào ngày 22/8.

Vắc-xin Nanocovax được sản xuất theo công nghệ protein tái tổ hợp - công nghệ đã được Công ty cổ phần CNSH Dược Nanogen sử dụng hơn 10 năm qua để sản xuất nhiều loại thuốc ung thư, điều trị thiếu máu do suy thận, viêm gan B, C. Vắc-xin này chứa protein S của SARS-CoV-2.

Protein này được thu hoạch sau khi gắn đoạn DNA mã hóa protein S của SARS-CoV-2 vào bộ gene của các tế bào động vật CHO (tế bào buồng trứng chuột Hamster)...; rồi nuôi cấy để chúng tổng hợp “giúp”. Sau đó, protein S được tinh chế và đóng ống cùng tá dược nhôm thành các liều vắc-xin tiêm bắp.

Sau khi tiêm vào cơ thể, các tế bào miễn dịch nhận biết kháng nguyên S và kích hoạt đáp ứng tạo kháng thể chống lại SARS-CoV-2. Ưu điểm của công nghệ này là công nghệ tinh, sạch, khả năng gây ra phản ứng phụ thấp; điều kiện bảo quản vắc-xin trong nhiệt độ lạnh bình thường và có thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác thuận lợi, giá rẻ, an toàn…

Xe tự hành thông minh “made in Việt Nam”

Vào ngày 26/3, Tập đoàn Phenikaa ra mắt xe tự hành thông minh cấp độ 4 “Made in Vietnam” đầu tiên tại Việt Nam. Mẫu xe tự hành thông minh “Made in Viet Nam” này có công nghệ xe tự lái ở cấp độ 4 dựa trên thang đo 5 cấp độ cho xe tự lái của Hiệp hội Kỹ sư xe hơi (SAE) do chính đội ngũ các nhà khoa học và các chuyên gia của Tập đoàn nghiên cứu phát triển và đưa vào ứng dụng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Xe tự hành thông minh Phenikaa hoàn toàn không có tay lái nên không cần hệ thống trợ lái, chế độ tự hành được dễ dàng thực hiện khi người dùng có thể tương tác với xe thông qua phần mềm được thiết kế riêng biệt.

Xe được sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và hầu hết các công nghệ tiên tiến trên thế giới như bản đồ 2D/3D, cảm biến Lidar, SLAM, học máy, học sâu….

Những công nghệ hiện đại trên xe tự hành gồm: LIDAR - sử dụng laser để đo khoảng cách, giúp tạo ra bản đồ độ phân giải cao 3D chính xác về môi trường xung quanh xe, qua đó sử dụng trí tuệ nhân tạo để xác định vị trí của mình trong không gian. Video camera - sử dụng thị giác máy tính để nhận dạng và đo lường đối tượng, cung cấp màu sắc, độ tương phản và nhận dạng ký tự quang học.

GNSS (RTK) - sử dụng các vệ tinh để cung cấp định vị không gian địa lý đạt tính chính xác cao, cung cấp vị trí chính xác của xe tự hành. RADAR - sử dụng cụm sóng âm thanh để đo khoảng cách, hiệu quả trong việc đo vận tốc tương đối.

Ba học sinh Việt sáng chế mũ ngăn nCoV được WIPO vinh danh

Ngày 29/11, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao danh hiệu Đại sứ trẻ sở hữu trí tuệ cho nhóm các nhà sáng chế của Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự lễ công bố trao danh hiệu cho nhóm sáng chế trẻ Việt Nam vì sáng tạo ra “mũ chống dịch Vihelm”.

Mũ chống dịch Vihelm được nhóm của Đỗ Trọng Minh Đức, sinh năm 2005, Trường Montverde Academy (Mỹ) và Trần Nguyễn Khánh An, sinh năm 2006, Trường Song ngữ Quốc tế Hà Nội và Nguyễn Hoàng Phúc, sinh năm 2007, Trường Quốc tế Pháp Lfay Hà Nội sáng chế. Các tác giả thiết kế dựa trên cơ chế mặt nạ phòng độc, giúp người dùng ngăn ngừa lây nhiễm virus, nhưng được thiết kế với kết cấu đơn giản hơn.

Khi đội mũ bảo hộ, không khí sẽ được bơm liên tục qua một bộ màng lọc khiến virus không thể lây xuyên qua. Với hệ thống quạt làm thoáng khí được thiết kế, mũ sẽ không bị đọng hơi nước bên trong.

Mỗi chiếc mũ đều có gắn với găng tay để giúp cho các hoạt động như gãi ngứa trên mặt, lau mồ hôi, hắt hơi, lau chùi mũ... vừa ngăn ngừa lây nhiễm chéo, vừa đảm bảo thoải mái, an toàn. Sản phẩm này đã vào chung kết cuộc thi sáng tạo quốc tế ICAN 2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.