Dấu ấn giáo dục mũi nhọn nơi đất Cảng

GD&TĐ - 40% học sinh khối đại trà đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi (HSG) bảng A (TP Hải Phòng) là dấu ấn minh chứng cho sự phát triển giáo dục mũi nhọn.

Cô Đỗ Thị Hảo và học trò Xuân Cường trong giờ học môn Hóa. Ảnh: NTCC
Cô Đỗ Thị Hảo và học trò Xuân Cường trong giờ học môn Hóa. Ảnh: NTCC

Để đạt được thành tích này, các trường THPT không chuyên đã nỗ lực trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tố… đến khích lệ, tạo động lực cho cán bộ giáo viên.

Thầy trò miệt mài với đấu trường trí tuệ

Hải Phòng thường niên có 2 cuộc thi HSG thành phố (bảng A và bảng B) dành cho học sinh THPT. Kỳ thi HSG thành phố bảng B dành cho khối không chuyên. Kỳ thi HSG thành phố bảng A được coi như “sân chơi trí tuệ” dành cho học sinh trường chuyên. Kỳ thi nhằm tìm ra nhân tố tài năng, tuyển chọn học sinh xuất sắc nhất vào đội tuyển HSG quốc gia. Do vậy để tranh tài với học sinh khối chuyên thì không phải trường THPT đại trà nào cũng đăng ký và cử đội tuyển tham gia.

Bà Phạm Thị Thu Hà - Trưởng phòng GD Trung học (Sở GD&ĐT Hải Phòng) cho biết, tại kỳ thi chọn HSG cấp thành phố bảng A và chọn Đội tuyển thi HSG cấp quốc gia diễn ra cuối tháng 9, Hải Phòng có 467 học sinh đoạt giải. Trong đó 37 giải Nhất, 118 giải Nhì, 162 giải Ba và 150 giải Khuyến khích. Đáng chú ý, 186/467 học sinh khối đại trà đoạt giải, tỷ lệ gần 40%.

Cuộc thi nhằm tìm ra các nhân tố tài năng, tuyển chọn học sinh xuất sắc nhất vào đội tuyển HSG quốc gia. Kết quả kỳ thi còn phản ánh chất lượng công tác giáo dục mũi nhọn ở các trường, nhất là trường khối đại trà. Điều đáng nói, số và chất lượng giải HSG bảng A của các trường khối đại trà năm nay cao hơn năm trước. Điều này minh chứng cho sự phát triển giáo dục mũi nhọn trong các trường THPT trên địa bàn với những nỗ lực vượt bậc của thầy trò.

Trong kỳ thi HSG bảng A, Trường THPT Lê Hồng Phong, quận Hồng Bàng có 1 giải Nhì, 6 giải Ba và 5 giải Khuyến khích. Với thành tích trên, nhà trường tiếp tục đứng tốp đầu trong các trường không chuyên của thành phố.

Theo cô Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Phương Dung, hằng năm, thực hiện kế hoạch của sở GD&ĐT, trường tuyển chọn và bồi dưỡng HSG ngay từ lớp 10. Những học sinh có năng lực, các thầy, cô giáo sẽ động viên, khích lệ và có chiến lược ôn tập “mưa dầm thấm lâu”, không gây áp lực cho trò.

Về phía giáo viên, để đáp ứng được kỳ thi HSG bảng A khi mức độ đề tương đương đề thi HSG quốc gia, các tổ, nhóm chuyên môn đã tích cực nghiên cứu tài liệu, tự bồi dưỡng chuyên môn, phân tích ma trận đề thi, hợp sức biên soạn nguồn tài liệu súc tích, dễ hiểu nhất để giúp học sinh hiểu bài. Đối với học sinh được chọn thi HSG bảng A là những em đứng tốp đầu trong 2 kỳ thi HSG của trường năm lớp 10, lớp 11 và các kỳ kiểm tra sát hạch định kỳ của thầy cô lãnh đội...

Cô Dung cũng cho hay, quá trình ôn tập, ngoài giảng dạy trên lớp, thầy, cô giáo lãnh đội phải thức khuya dậy sớm nghiên cứu, tìm tài liệu, tranh thủ tiết trống để ôn tập cho học sinh đội tuyển. Có lúc, các đội tuyển phải ngồi ôn cùng 1 phòng, thậm chí không có phòng để ôn tập dù nhà trường đã cố gắng bố trí và ưu tiên cơ sở vật chất cho đội tuyển. Khó khăn là thế, nhưng thầy trò các đội tuyển đã gắng sức khẳng định chất lượng mũi nhọn.

Năm đầu tiên thi HSG bảng A, Nguyễn Hương Linh - học sinh lớp 12A12, Trường THPT Lê Hồng Phong đoạt giải Khuyến khích môn Lịch sử. Nữ sinh chia sẻ: Đây là “đấu trường” khó khăn và thử thách bởi kiến thức mênh mông, thời gian từ khi nhận lịch đến lúc thi gấp rút. Nhiều dạng bài dành cho HSG quốc gia khiến em không khỏi choáng ngợp. Tuy nhiên, được thầy cô bồi dưỡng và cách dạy khoa học bằng bản đồ tư duy giúp em nắm chắc kiến thức cơ bản, làm đề trong thời gian nước rút. Dù thành tích còn khiêm tốn nhưng đó là kết quả mà em đã nỗ lực hết mình.

Trong kỳ thi HSG bảng A năm nay, cô Nguyễn Thị Ngọc Anh - Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Lê Hồng Phong có 1 học sinh đoạt giải Nhì và 2 học sinh giành giải Ba. Cô Ngọc Anh chia sẻ, chương trình ôn tập khó, đề thi dài, nhiều kiến thức chuyên sâu chỉ học sinh trường chuyên mới tiếp cận được. Nếu thầy cô không tâm huyết, nhiệt tình, sáng tạo, trò không nỗ lực thì khó có thể đoạt giải.

dau-an-giao-duc-mui-nhon-noi-dat-cang-2-7085-3199.jpg
Cô trò Trường THPT Thái Phiên trong giờ ôn tập đội tuyển. Ảnh: NTCC

Sân chơi công bằng

Với Nguyễn Xuân Cường - học sinh lớp 12A4, Trường THPT Kiến Thụy, huyện Kiến Thụy, đoạt giải Ba môn Hóa học trong kỳ thi HSG bảng A là một nỗ lực lớn. Cường cho rằng, tham gia kỳ thi để được trải nghiệm ở một bảng thi dành cho học sinh trường chuyên.

Cô Đỗ Thị Hảo - giáo viên môn Hóa, Trường THPT Kiến Thụy là người trực tiếp phát hiện, thắp lửa đam mê môn học và bồi dưỡng cho Cường. Theo cô Hảo, để tham gia “bảng đấu” với học sinh Trường THPT chuyên Trần Phú, học sinh Trường THPT Kiến Thụy phải học và ôn luyện toàn bộ kiến thức chương trình nâng cao vô cùng khó khăn.
Quá trình học tập, 90% lượng kiến thức trong đề thi, các em không được học ở chương trình đại trà. Để đồng hành cùng học trò, các thầy cô lãnh đội phải học, nghiên cứu thêm rất nhiều. Cô Hảo còn tham gia cùng nhóm giáo viên Hóa cả nước, xây dựng ma trận đề, chia sẻ tài liệu để lấy nguồn cho các em ôn luyện.

Bùi Tiến Đạt - học sinh lớp 12A1 Trường THPT Thái Phiên, quận Ngô Quyền còn cảm giác xúc động khi nghe tin đoạt giải Nhì môn Lịch sử trong kỳ thi chọn HSG bảng A và chọn Đội tuyển HSG quốc gia năm học 2024 - 2025.

Đạt cho hay quá trình ôn luyện, bản thân rút ra một vài kinh nghiệm như: Cần nắm chắc kiến thức cơ bản, phân loại mức độ câu hỏi từ nhận biết, hiểu, vận dụng, vận dung cao. Hệ thống hóa các sự kiện bằng sơ đồ tư duy, bảng biểu; đặt sự kiện trong mối quan hệ giữa lịch sử dân tộc và thế giới. Từ đó, rút ra nhận xét, đánh giá, so sánh các sự kiện lịch sử... Ngoài ra, cần rèn luyện kỹ năng làm bài thông qua việc tìm và làm nhiều đề, tìm hiểu nhiều hình thức câu hỏi. Thường xuyên trau dồi kiến thức bằng đọc nhiều sách, tư liệu.

Cô Nông Thị Kim Chung - Trưởng bộ môn Lịch sử, Trường THPT Thái Phiên khẳng định, với giáo viên trường đại trà, để có được thành tích bồi dưỡng HSG bảng A, trước tiên thầy cô cần tận tâm với nghề để có thể truyền lửa tình yêu môn học với các thế hệ học sinh; không ngừng nỗ lực học hỏi, nâng cao kiến thức bản thân bằng nhiều hình thức khác nhau. Mặt khác, giáo viên phải có tầm để kịp thời nắm bắt, cập nhật các nội dung kiến thức, hình thức kiểm tra đánh giá mới nâng cao chất lượng trong quá trình giảng dạy và ôn tập cho học sinh.

Theo ông Phạm Quốc Hiệu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, thành tích các kỳ thi HSG bảng A là tín hiệu đáng mừng, khẳng định chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao của các trường THPT đại trà trên địa bàn thành phố. Điều này còn thể hiện sự quan tâm, chú trọng của các trường trong giáo dục mũi nhọn. Việc tổ chức kỳ thi không chỉ tạo sân chơi bình đẳng để học sinh thể hiện kiến thức, mà còn bảo đảm quyền lợi của các em khi có thêm điểm cộng hoặc xét tuyển thẳng đại học. Do vậy, Sở GD&ĐT luôn khuyến khích các trường khối đại trà đẩy mạnh giáo dục mũi nhọn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.