Mười sự kiện tiêu biểu năm 2016 của ngành GD&ĐT tỉnh Sơn La được bình chọn là những thành tựu, bước phát triển mới của giáo dục Sơn La, làm nền tảng cho giáo dục chất lượng cao, giáo dục mũi nhọn phát triển và là tiền đề vững chắc cho ngành Giáo dục đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 29 của BCH T.Ư Đảng Khóa XI
Năm 2016, ngành GD&ĐT Sơn La được sự quan tâm to lớn của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân; công tác tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học đạt nhiều kết quả.
HĐND tỉnh ban hành 5 Nghị quyết về các chính sách ưu tiên tập trung phát triển giáo dục vùng đặc biệt khó khăn và HS dân tộc thiểu số.
Nổi bật là Nghị quyết số 08/2016/NQ/HĐND ngày 3/8/2016 về trang bị sách giáo khoa cho các trường tiểu học, THCS công lập để phục vụ HS diện chính sách; Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 82/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 về chính sách khuyến khích nâng cao chất lượng dạy và học trong hoạt động GD&ĐT tỉnh Sơn La; Nghị quyết về quy định cụ thể về khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định HS không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết quy định cụ thể về tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho HS để nhà trường tổ chức nấu ăn tại trường phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục đề xuất về chính sách hỗ trợ xây dựng và thành lập trường mầm non ngoài công lập; xây dựng Đề án xã hội hóa giáo dục, đào tạo và dạy nghề giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Toàn ngành tổ chức rà soát, sắp xếp, quy hoạch trường, lớp phù hợp; tập trung bố trí lớp học tại các điểm trường lẻ, chuyển HS về học tại trung tâm xã; cụm xã.
So với năm học trước, số HS mầm non, phổ thông, bổ túc tăng 3,3%; số trẻ trong độ tuổi ra nhà trẻ tăng 1%; tuyển sinh vào lớp 10 THPT và bổ túc tăng 2,5%.
Đẩy mạnh hợp tác trong giáo dục, các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp của tỉnh đào tạo 1.013 lưu HS của các tỉnh Bắc Lào; năm học 2016 - 2017 đã tuyển sinh được 228 HS.
Giáo dục dân tộc, giáo dục vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục được quan tâm. Tại các trường PTDTNT huyện tiếp tục tổ chức dạy học tiếng Mông; tổ chức dạy học thí điểm tiếng Thái tại 4 trường tiểu học và 1 trung tâm GDNN-GDTX.
Đồng thời, tham mưu xây dựng Đề án nâng cấp các trường PTDTNT huyện để đào tạo cấp THPT; xây dựng Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-BGDĐT ngày 23/5/2016 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT giai đoạn 2016 - 2020.
Tổ chức nấu ăn bán trú tại 231 trường phổ thông (gồm 102 trường tiểu học; 120 trường THCS; 9 trường THPT), nấu ăn bán trú cho 30.392 HS, tăng 3 trường và 2.851 HS so với năm học trước. Tiếp tục thực hiện thí điểm về tổ chức nấu ăn bán trú ở 11 trường mầm non thuộc các xã đặc biệt khó khăn của các huyện.
Các cấp quản lý giáo dục đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 10CT/BCT ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về công tác PCGD và xóa mù chữ; đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện cho các năm tiếp theo.
Duy trì đảm bảo 100% số xã, huyện đạt chuẩn về PCGD; tập trung xóa mù chữ cho phụ nữ các xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ biết chữ trong độ tuổi toàn tỉnh đãđạt 96%.
Công tác xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia đã và đang được đẩy mạnh theo kế hoạch năm 2016: Toàn tỉnh có 173 trường (gồm 52 trường mầm non; 73 trường tiểu học; 45 trường THCS; 3 trường THPT), tăng 3% so với năm 2015.
Tổ chức các hoạt động giáo dục: Tập trung nâng cao tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số và hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở vùng khó khăn; đảm bảo 100% trẻ em 5 tuổi được học 2 buổi/ngày và tăng cường quản lý thực hiện chuyên môn tại các trường mầm non ngoài công lập.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Mô hình Trường học mới (VNEN) phù hợp, tổ chức dạy học Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, phương pháp “Bàn tay nặn bột”, dạy học Mĩ thuật theo phương pháp mới, HS học 2 buổi/ngày tăng 3,5% so với năm học trước.
Đoàn HS Sơn La tham dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc tại tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đạt được 5 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc và 6 Huy chương Đồng.
Tổ chức Hội thi Giai điệu tuổi hồng cấp tỉnh lần thứ VIII cho HS trung học (có 706 thí sinh tham dự). Kết thúc Hội thi đã trao 3 giải Nhất, 4 giải Nhì, 5 giải Ba, 10 giải Khuyến khích cho tập thể và 250 giải cá nhân có thành tích.
Toàn ngành đã triển khai công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ quản lý giáo dục đến năm 2020; tiếp tục đề xuất mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ quản lý, giáo viên tại các huyện, thành phố.
Tuyên truyền những tấm gương nhà giáo tiêu biểu, điển hình tiên tiến xuất sắc; bình chọn giới thiệu 2 nhà giáo tiêu biểu được Bộ GD&ĐT tuyên dương; tổ chức xét, đề nghị tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú đợt 14, năm 2017.
Các hoạt động xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh; cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa” tiếp tục đạt kết quả tốt; huy động được các đoàn thể, các tổ chức tham gia xây dựng, tu sửa các công trình nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh giúp cho HS bán trú ổn định đời sống, tập trung học tập nâng cao chất lượng.