Dấu ấn đổi mới

GD&TĐ - Đổi mới trong công tác tuyển sinh là câu chuyện không mới nhưng chưa bao giờ cũ.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: Thế Anh.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: Thế Anh.

Dù ở thời điểm nào và bất luận trong bối cảnh ra sao cũng thấy, cả hệ thống giáo dục đại học cùng “chung sức, chung lòng”, “xắn tay” vào cuộc để nâng cao chất lượng đào tạo.

Có thể thấy, từ năm 2015 đến nay, công tác tuyển sinh ngày càng công bằng, minh bạch, thuận lợi cho người học và phát huy quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Nhớ lại những năm thí sinh phải đăng ký xét tuyển trên phiếu và điền hồ sơ trên giấy (năm 2016, 2017), sau đó đến tận trường đại học để nộp... mới thấy hết giá trị của việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác tuyển sinh.

Từ năm 2022, việc đăng ký xét tuyển chuyển sang hình thức trực tuyến. Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần trong thời gian quy định. Đến năm 2023, thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành, trường học, không cần chọn phương thức xét tuyển.

Ngoài kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể lựa chọn nhiều phương thức xét tuyển khác để gia tăng cơ hội trúng tuyển. Những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh; trong đó có kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy. Sau khi biết điểm thi, thí sinh mới thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Các dữ liệu tuyển sinh của cơ sở giáo dục đại học đều được công khai, minh bạch với xã hội.

Nhìn lại những thay đổi trong công tác tuyển sinh đại học gần một thập kỷ qua, chúng ta có thể gói gọn trong 8 vấn đề: Đổi mới tổ chức thi để xét tuyển, phương thức xét tuyển; đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển; ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng; đổi mới trong quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng; quy trình xét tuyển và lọc ảo; cơ sở dữ liệu; đổi mới về chỉ tiêu tuyển sinh và một số điểm đổi mới khác như: Đề án tuyển sinh, xác nhận nhập học, nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến, xác nhận nhập học trực tuyến…

Xâu chuỗi lại mới thấy, những đổi mới trong công tác tuyển sinh đều hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi cho thí sinh và bảo đảm công bằng cho người học cũng như cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo.

Minh chứng rõ nét là, nếu như năm 2015, số thí sinh nhập học đại học chính quy là hơn 400.000 thì đến năm 2023, con số này đạt gần 546.700 em. Có 3 năm liên tiếp (từ năm 2021, 2022, 2023), số thí sinh nhập học là trên 500.000 em. Đây là những con số biết nói, cho thấy sự tăng trưởng bền vững trong tuyển sinh suốt 9 năm qua. Sự tăng trưởng này cũng phản ánh được chất lượng của giáo dục đại học. Trên cơ sở đó, tiếp tục củng cố niềm tin của xã hội vào chất lượng giáo dục đại học cũng như nguồn nhân lực.

Kết quả của đổi mới trong công tác tuyển sinh suốt 9 năm qua là cơ sở thực tiễn, với nhiều kinh nghiệm hay, bài học quý để chúng ta tiếp tục giữ ổn định công tác tuyển sinh năm 2024. Ổn định cũng là từ khóa được Bộ GD&ĐT nhấn mạnh khi bàn thảo về định hướng tuyển sinh năm 2025 và các năm tiếp theo.

Đây là năm đầu tiên thí sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dự thi tốt nghiệp THPT. Trên tinh thần đó, các cơ sở giáo dục đại học cần rà soát, ban hành quy chế tuyển sinh để đầu năm học 2024 - 2025 có thể công bố phương án tuyển sinh năm 2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.