Công bố danh mục phương thức xét tuyển: Loại phương thức kém hiệu quả

GD&TĐ - Tại văn bản hướng dẫn tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2024, Bộ GD&ĐT đưa ra danh mục 20 phương thức xét tuyển.

Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024 tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: TG
Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024 tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: TG

Theo các chuyên gia, thí sinh nên lựa chọn phương thức có nhiều lợi thế.

Thí sinh không nên ôm đồm

Từ danh mục 20 phương thức xét tuyển, TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) nhận thấy, đây là “nhánh nhỏ” được các cơ sở đào tạo “nhân bản” từ một số phương thức xét tuyển cơ bản như: Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT, sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, tư duy; xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, học bạ THPT, kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển kết hợp…

Theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các trường ngày càng được tự chủ cao, do đó có thể tổ chức tuyển sinh bằng nhiều phương thức. Tuy nhiên, theo TS Võ Thanh Hải, từ mùa tuyển sinh năm 2022, 2023 cho thấy, nhiều đơn vị sử dụng hàng loạt phương thức xét tuyển, song một số phương thức xét tuyển không mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí gây khó khăn, nhầm lẫn cho thí sinh.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân viện dẫn, 2 năm qua, một số phương thức xét tuyển có tỷ lệ nhập học dưới 0,5%. Có phương thức không có thí sinh xác nhận nhập học. Qua theo dõi cho thấy, thí sinh chủ yếu nhập học bằng kết quả tuyển sinh theo phương thức xét học bạ THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT. “Do đó, loại bỏ phương thức xét tuyển không hiệu quả là cần thiết”, TS Võ Thanh Hải nhấn mạnh, đồng thời khuyên thí sinh, nên lựa chọn phương thức xét tuyển mà mình có lợi thế, không ôm đồm quá nhiều phương thức.

Về lý thuyết có tới 20 phương thức xét tuyển nhưng PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, ngoài phương thức xét tuyển thẳng đối với thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế, thực tế chỉ có 3 phương thức chính:

Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi (bao gồm Kỳ thi tốt nghiệp THPT; kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh; kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội; kỳ thi riêng của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhóm trường an ninh…); xét tuyển dựa trên hồ sơ năng lực, trong đó có xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT; xét tuyển kết hợp (kết hợp các tiêu chí điểm thi, chứng chỉ, kết quả học tập phổ thông…).

Riêng phương thức xét tuyển kết hợp của một số cơ sở giáo dục đại học khá “vụn vặt” khiến thí sinh nhầm lẫn, gặp khó khăn, PGS.TS Nguyễn Phong Điền nhìn nhận và tán thành với Bộ GD&ĐT khi yêu cầu các cơ sở đào tạo phân tích so sánh tương quan kết quả học tập ở đại học với các phương thức xét tuyển đầu vào; đồng thời xem xét lại tất cả phương thức sau khi có kết quả tuyển sinh, cân nhắc việc sử dụng các đợt xét tuyển và phương thức xét tuyển sớm. “Trên thực tế, việc đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển có thể khiến thí sinh rối trí và không mang lại nhiều lợi ích cho các trường”, PGS.TS Nguyễn Phong Điền nêu vấn đề.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức. Ảnh: Hạnh Quỳnh

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức. Ảnh: Hạnh Quỳnh

Cần quan tâm chất lượng và công bằng

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non giữ ổn định. Nguyên tắc quan trọng khi thí sinh tham gia xét tuyển sớm và trúng tuyển xét tuyển sớm là không phải xác nhận nhập học ngay. Theo đó, các em còn nhiều lựa chọn ở những phương thức xét tuyển khác.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khuyên thí sinh tập trung học tập, chuẩn bị tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Bên cạnh đó, thí sinh cần cân nhắc phương thức xét tuyển được cho có lợi thế với mình; chuẩn bị đúng hồ sơ, đáp ứng về quy trình và thời hạn các trường công bố (nhất là với trường tổ chức xét tuyển sớm). Đặc biệt, các cơ sở giáo dục đại học cần xem xét, cân nhắc việc sử dụng các đợt xét tuyển và phương thức xét tuyển sớm.

Đối với trường quan tâm đến chất lượng và sự công bằng với thí sinh thì phương thức xét tuyển sớm không mang lại hiệu quả nhiều, lại khó đảm bảo công bằng. Việc dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm có thể bỏ lỡ thí sinh giỏi khi các em đặt nguyện vọng trong Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT.

Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học, các cơ sở đào tạo cần ưu tiên phân tích so sánh tương quan kết quả học tập ở bậc đại học với các phương thức xét tuyển đầu vào. Từ đó lựa chọn phương thức xét tuyển khoa học, phù hợp, công bằng với thí sinh và phù hợp với đặc trưng riêng. Đặc biệt, các trường nên tránh sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển không cần thiết, có thể gây khó khăn, rắc rối với thí sinh.

“Chúng tôi lưu ý, cơ sở giáo dục đại học cần ưu tiên phân tích đối sánh dữ liệu, đồng thời tránh sử dụng quá nhiều phương thức không cần thiết có thể gây khó hiểu cho thí sinh. Các trường nên có kênh thông tin, hỗ trợ thí sinh khi tìm kiếm thông tin; đồng thời hướng dẫn chi tiết khi các em đến đăng ký tại trường, nhất là đăng ký xét tuyển sớm”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy trao đổi.

Cùng với việc đưa ra 20 phương thức xét tuyển, Bộ GD&ĐT lưu ý đối với cơ sở đào tạo (CSĐT): Mã phương thức xét tuyển gồm 3 ký tự do đơn vị tự định nghĩa nhưng phải tham chiếu với mã phương thức xét tuyển do Bộ GD&ĐT quy định (trong trang Nghiệp vụ), hoặc có thể sử dụng mã phương thức xét tuyển do Bộ GD&ĐT quy định.

Đối với phương thức xét tuyển theo kết quả thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập cấp THPT (có sử dụng mã tổ hợp như xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi THPT) phải theo mã tổ hợp xét tuyển do Bộ GD&ĐT quy định. Đối với các tổ hợp có môn năng khiếu, các môn năng khiếu 1, 2 do CSĐT quy định. Với phương thức xét tuyển khác, mã tổ hợp gồm 3 ký tự do CSĐT tự quy định.

Tại Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh giai đoạn 2015 - 2023, triển khai công tác tuyển sinh năm 2024, 2025, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn lưu ý, đa dạng phương thức tuyển sinh là tốt nhưng cần thống nhất để tạo thuận lợi cho thí sinh. Thứ trưởng yêu cầu các cơ sở đào tạo công bố phương án tuyển sinh năm 2025 trước thời điểm bắt đầu năm học mới 2024 - 2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ