Dấu ấn “bolero” trong tác phẩm văn chương

GD&TĐ - Nếu như gần đây, dòng nhạc bolero thổi một “làn gió mới” vào tân nhạc Việt Nam, thì những sáng tác văn chương của nhiều người viết đương thời, có vẻ như đang có một sự “ăn theo” dòng nhạc bolero bởi sự lãng mạn, chất tự sự, trữ tình sâu lắng.  

Dấu ấn “bolero”  trong tác phẩm văn chương

Những tựa đề rất... “bolero”

Mới đây, đường sách TPHCM đón tập thơ rất “bolero” mang tên “Sao phải đau đến như vậy” của Nguyễn Phong Việt. Không biết khi viết, tác giả có chủ đích hay không, nhưng dấu ấn “bolero” trong tác phẩm văn chương của tác giả là không thể phủ nhận.

Điểm lại những tác phẩm ra đời những năm gần đây, năm nào Nguyễn Phong Việt cũng cho ra mắt một tập thơ đầy chất “bolero”. Năm 2012 Phong Việt có ấn bản “Đi qua thương nhớ”; năm 2016 ra mắt “Về đâu những vết thương”; mới nhất, vừa ra mắt là “Sao phải đau đến như vậy”. Đọc thơ Phong Việt, xuyên suốt qua các tập thơ đều cùng một “chất” tự sự, tình cảm, ký ức, vấn vương, thương nhớ.

Bên cạnh đó, có thể kể đến tác giả trẻ Huyền Thư (Sài Gòn Book) mới ra mắt tập thơ “Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu”. Tập thơ là tuyển những bài thơ hay nhất được nhà thơ mới tròn 20 tuổi viết trong những năm qua. Tác giả cũng đang khai thác đúng chất liệu tự sự, lãng mạn, nồng nàn nhưng trĩu nặng ưu tư chứ không chỉ đơn thuần là những tâm trạng chênh vênh, mong manh thả hồn bay theo gió. Thế nhưng, khi đọc tựa, người ta cảm nhận được dấu ấn “bolero” đậm nét.

Có lẽ do đặc thù của người du học xa quê, cô gái trẻ đặc biệt chú trọng viết về tình cảm quê hương, gia đình và xứ sở. Huyền Thư viết nhiều thơ bằng tiếng Việt và tự chuyển ngữ sang tiếng Anh. Năm 2016, Thư được trao giải Nhì trong Cuộc thi Thơ trẻ New Zealand (National Schools Poetry Award 2016) do Trung tâm viết văn của Trường Đại học Victoria tổ chức.

Cùng thời điểm cuối năm 2017, tập truyện “Em có hay trời buồn trời chuyển mưa đó không?” (NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM, quý IV/2017) của tác giả Vũ Thành Sơn ra mắt đã làm làng văn xao động vì có tựa đề “rất bolero”. Tựa đề trích từ một câu hát trong “Chuyện hẹn hò”, một ca khúc rất nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

Tác giả Vũ Thành Sơn cho biết: “Sự chọn lựa để đặt tựa cho tập truyện ngắn là một phần ngẫu nhiên, nhưng trên hết, có lẽ vì tôi thích lời bài hát của ca khúc “Chuyện hẹn hò”, không những nó quen thuộc với nhiều người, mà tự lời hát cũng đã là một hình ảnh đẹp”.

Giàu chất liệu sống

Với tựa đề nghe vẻ “sến”, khiến người đọc dễ nghĩ rằng nội dung bên trong sẽ là hời hợt, ủy mị nhưng trái lại, những câu chuyện, nội dung và tình cảm thể hiện trong những cuốn sách ấy là những câu chuyện có chiều sâu, giàu chất liệu cuộc sống.

Tập truyện của nhà văn Vũ Thành Sơn là những băn khoăn, ám ảnh của con người trong việc tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống trước một hiện thực đang mỗi lúc vượt quá khả năng nhận thức, cũng như hành động. Họ như bị rơi một tình huống mà cái gì cũng vừa rõ ràng vừa không, rốt cuộc họ bị đè bẹp, bị nghiền nát bởi chính cái hiện thực đậm chất hiện sinh.

Trong tình hình ngành xuất bản gặp nhiều khó khăn như hiện nay có lẽ tựa đề sách cũng là dấu ấn để thu hút độc giả. Tuy nhiên, để có thể gây ấn tượng với độc giả thì sách phải có chiều sâu, suy nghĩ về cuộc sống chứ không đơn giản là đọc chỉ để giải trí.

Theo số liệu từ đơn vị xuất bản thì tổng số phát hành các tập thơ của Phong Việt đã lên tới hàng trăm ngàn bản. Phong Việt trở thành “hiện tượng thơ” của làng xuất bản, là người có tổng lượng phát hành những ấn phẩm thơ lớn nhất mà chưa ai làm được. Thơ của anh mang một sự dung dị, giàu cảm xúc, mỗi bài thơ giống như một câu chuyện, chất chứa những day dứt, những suy niệm về tình yêu và cuộc sống.

Với 5.000 bản in được bán hết trước khi ra mắt “Sao phải đau đến như vậy”, chứng tỏ khán giả đã chú trọng hơn đến yếu tố nội dung, triết lý cuộc sống mà cuốn sách đem lại chứ không phải vì tựa đề đậm chất bolero.

Văn chương đúng là cũng có quy luật cung - cầu theo cách của riêng nó. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, để có được điều này là do sự chuyên nghiệp của đơn vị xuất bản với những chiến dịch PR, quảng bá, các hoạt động giao lưu... rất bài bản, phù hợp với giới trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.