Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, kinh tế và xã hội; trong đó có bất động sản.
Đối với bất động sản, dưới tác động của dịch Covid -19, các giao dịch mua-bán nhà, đất gần như "đóng băng". Tuy nhiên, phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất lại là ngành bán lẻ.
Báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội quý I/2020 của Công ty TNHH Savills Việt Nam (Savills) cho thấy, dịch bệnh đã có những tác động mang tính chất “tàn phá” chưa từng thấy đối với lĩnh vực bán lẻ.
Dưới tác động của dịch bệnh, các bất động sản mặt bằng bán lẻ đã bắt đầu vắng khách hơn từ tháng 2 khi thông tin về dịch bệnh Covid-19 bắt đầu nhiều lên. Đến giữa tháng 3, khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Hà Nội được công bố thì lượng khách sụt giảm mạnh mẽ.
Nghi ngại lây nhiễm đã dẫn đến việc đóng cửa tạm thời của các nhà hàng, rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí và trung tâm thể thao… Do đó, doanh thu của các cửa hàng thuê bất động sản mặt bằng bán lẻ giảm mạnh. Hầu hết các ngành hàng đều không tránh được ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trừ siêu thị. Đáng chú ý, dịp đầu năm ở Hà Nội luôn là mùa cao điểm về dịch vụ lưu trú, ăn uống nhưng do dịch bệnh Covid-19 khiến doanh thu sụt giảm đến mức hơn 20% theo năm.
Từ cuối tháng 4 đến nay, sau khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ, tình hình kinh doanh của các nhà bán lẻ mặt phố cũng chưa mấy khả quan hơn. Qua khảo sát, thời điểm này, trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, nhiều cửa hàng có vị trí “đất vàng”, “đất kim cương” vẫn đang miệt mài trưng biển chờ khách thuê.
Về thực trạng trên, bà Hoàng Diệu Trang - Quản lý cấp cao, Dịch vụ Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội - nhìn nhận, đây là hệ quả của hai nguyên nhân chính: sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sự tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của chủ thuê.
Những địa điểm có hoạt động kinh doanh nhộn nhịp như khu vực trung tâm Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ, thường được biết đến với tình trạng luôn hiếm mặt bằng cho thuê và giá thuê tương đối cao. Tuy vậy, dịch bệnh Covid-19 đã khiến gần 50% số lượng khách thuê trả lại mặt bằng.
Hơn nữa, lệnh đóng cửa, kiểm soát biên giới của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng nặng tới nguồn cung cấp hàng cho các hoạt động kinh doanh tại khu phố trung tâm, khiến cho việc tiếp tục bán là gần như không thể. Hiện, chuỗi cửa hàng phục vụ khách du lịch đang phải tái cấu trúc, chọn ra những cửa hàng có doanh thu tốt và vẫn còn bán được để duy trì hoạt động.
Một lý do quan trọng khác nằm ở các hoạt động kinh doanh dịch vụ và du lịch tại phố cổ. Trong trường hợp không có khách, việc cố gắng giảm giá cho thuê cũng chưa đủ để duy trì hoạt động kinh doanh tại đây.
Ngành thời trang với nguồn hàng nhập từ Trung Quốc, phục vụ giới trẻ thường tập trung nhiều ở trục phố Hàng Bông, Kim Mã, và hai mảng thị trường lớn ở Cầu Giấy và Đống Đa. Một khi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, đó sẽ là ảnh hưởng mang tính dây chuyền.
“Trên khía cạnh vĩ mô về sự phát triển của thị trường bán lẻ sau dịch bệnh, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tình trạng kiểm soát Covid-19 của các nước trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là Trung Quốc. Việc xử lý dịch bệnh của những nước này sẽ tác động đến sự phục hồi thị trường bán lẻ trong nước. Nếu nguồn hàng và việc kiểm soát dịch bệnh tại đây vẫn chưa đạt được mức độ an toàn tuyệt đối, bất động sản thương mại vẫn sẽ bị ảnh hưởng trong một thời gian không thể tính theo ngày, mà theo tháng”, bà Trang nhận định.