Cãi nhau chỉ vì chữ "Thị"
Chị Nguyễn Lê Thanh – Thái Bình chia sẻ rằng con gái chị vừa chào đời. Chị chuẩn bị sẽ đặt tên bé là Nguyễn Thanh Vân. Tuy nhiên, khi sinh con xong chị không biết con đã được bố và bà nội bé ghi trong giấy chứng sinh cái tên Phạm Thị Vân.
Khi ra viện, về nhà nhìn giấy chứng sinh của con, chị Thanh cảm thấy rất bức xúc. Tuy nhiên, tới lúc đi làm giấy khai sinh, chồng chị Thanh vẫn không bàn với vợ đổi tên mà đưa giấy chứng sinh để nhân viên làm hộ tịch viết tên bé là Phạm Thị Vân.
Lần này, chị Thanh ấm ức khóc và nói với chồng "thời buổi nào rồi còn để chữ Thị".
Trước thái độ của chị Thanh, mẹ chồng chị cho rằng nam "Văn", nữ "Thị" là cách đặt tên xưa nay. Nếu lấy tên Thanh của mẹ làm tên đệm cho con thì khi người khác gọi đứa trẻ như "chửi" cả mẹ và con. Chồng chị Thanh cũng ủng hộ mẹ và cho rằng chữ "Thị" chẳng làm sao, nếu bị gọi là quê mùa thì con càng dễ nuôi.
Chị Thanh đành câm nín không biết nói sao với chồng. Tuy nhiên, hơn 1 tháng qua cứ nghĩ tới tên của con, chị Thanh lại bức xúc. Chị dò hỏi tới việc đổi tên khai sinh thì thủ tục có phần phức tạp nên cuối cùng đành ngậm ngùi với cái tên của con gái đầu lòng.
Không riêng gì chị Thanh, mới đây, câu chuyện "đại chiến" vì đặt tên với chữ "Thị" cũng được mạng xã hội Facebook rôm rả bình luận. Nhiều người khuyên người vợ nên bình tĩnh giải thích với ông bà nội của bé vì chữ "Thị" không còn phù hợp với thời nay và nhắn nhủ phía nhà chồng cũng cần phải tôn trọng con dâu, không chỉ trong vấn đề đặt tên cho con cháu mà còn bao gồm các vấn đề khác trong đời sống gia đình sau này.
Cái tên gắn với sướng khổ?
Chị Lê Thị Nga (Hà Đông, Hà Nội) khóc ròng sau khi chị đặt tên con gái là Huyền Trang thì bị nhà chồng gạt đi vì nghe không hay.
Mẹ chồng chị nhất quyết nói cái tên này không hay vì là tên của nhân vật Đường Tăng trong Tây Du Ký cả đời vất vả, gặp đủ kiếp nạn.
Nghe giải thích của ông bà nội, chị Nga vẫn kiên quyết muốn đặt tên con như vậy. Thế nhưng, chồng chị lại không hài lòng, chồng chị cho rằng ông bà quan tâm mới đặt tên con cháu, cần phải trân trọng ý kiến của ông bà. Loay hoay cả tháng trời sau khi bé chào đời, gia đình chị đã tìm một cái tên khác đặt cho con.
Đến bé thứ hai, chị Nga muốn đặt tên con là Đăng Khôi. Cái tên này lại bị ông bà phản đối vì tên không hợp với mệnh của bé.
Sau khi chị Nga giải thích, đưa cả những thông tin tham khảo trên mạng rằng rất hợp với mệnh của bé thì bà nội lại đưa lý do trong làng của bà dưới quê có hai ông tên Khôi đều bê tha rượu chè, nát như tương.
Chị Nga cảm thấy ấm ức vì không thể tự đặt tên con mình. Cả hai đứa con đều do ông bà nội sắp đặt tên gọi. Ông bà chọn tên cháu gái là Kim Ngân, cháu trai là Kim Thành hàm ý sau này lớn lên sẽ sung túc, phú quý.
Trường hợp chị Nguyễn Thị Linh (Bắc Giang) lại khác, chị muốn đặt tên con trai là Phạm Thành Luân nhưng mẹ chồng chị không đồng ý vì trong làng có ông Luân cao tuổi, nếu nhà chị đặt tên con như vậy sẽ bị cho là "láo", xúc phạm người cao niên.
Chị Linh vẫn kiên quyết giữ tên con trên giấy khai sinh. Tuy nhiên mỗi lần về quê, chị chỉ dám gọi tên thân mật ở nhà của con.
Theo PGS. Trịnh Hòa Bình, bộ phận người dân chê tên có tên lót "Văn, Thị" là quê mùa chỉ chiếm phần rất nhỏ. Họ là những người được coi là sính ngoại, tân tiến.
Việc đặt tên có chữ "Văn, Thị" là tốt hay xấu tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người. Thực tế, cùng với thời gian, nhiều tên đệm mới xuất hiện nhưng cách đặt tên "nam Văn nữ Thị" vẫn tồn tại như một điều đã ăn sâu vào thói quen và văn hóa của người Việt Nam.