Đất rèn trăm năm xứ Thanh

GD&TĐ - Ở Thanh Hóa, nói đến nghề rèn, người ta thường nhắc tới làng rèn Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc. Làng rèn ấy đã có tuổi đời hàng trăm năm. Cũng từ nghề rèn, mà mảnh đất Tiến Lộc đã nuôi nấng nhiều người thành danh.

Ông Phạm Văn Ba (68 tuổi), ở làng Ngọ đã bám nghề rèn từ năm 10 tuổi.
Ông Phạm Văn Ba (68 tuổi), ở làng Ngọ đã bám nghề rèn từ năm 10 tuổi.

Những người giữ lửa nghề 

Về đến làng rèn Tiến Lộc, đâu đâu cũng nghe tiếng búa râm ran. Trong những ngôi nhà của bà con ở đây đa số đều là “xưởng” chế tác các sản phẩm nông cụ bằng sắt. Dọc đường làng, quanh các ngõ, hẻm người ta bày bán những đồ bằng sắt, để phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp và sử dụng trong mỗi gia đình.

Theo chân một cán bộ xã Tiến Lộc, chúng tôi đi sâu vào giữa làng rèn, đến thăm gia đình ông Phạm Văn Ba ở làng Ngọ. Ông Ba năm nay đã ngót nghét tuổi “thất tuần”, nhưng vẫn cặm cụi làm nghề và cho biết, từ năm 10 tuổi ông đã theo cha đi làm nghề ở nhiều nơi. Lúc bấy giờ, do tuổi đang nhỏ nên ông chỉ được giao cho làm những việc nhẹ. Khi lớn lên đi bộ đội, sau đó ông xuất ngũ về địa phương và tiếp tục làm nghề rèn đến nay. Ông Ba có 2 con trai cũng theo nghề rèn. 

“Cũng nhờ cái nghề này, mà vợ chồng tôi mới có tiền để nuôi các con. Bây giờ già rồi, các con đã tự lập, hai ông bà còn sức ngày nào, thì vẫn bám nghề ngày đó. Mình không có vốn để đầu tư máy móc, nên làm những việc thủ công, như chế tác lưỡi liềm cắt cỏ, cắt lúa, làm dao và những dụng cụ đơn sơ phục vụ bà con”, ông Ba nói.

Ngồi bên cạnh chồng, bà Lê Thị Chánh, 65 tuổi bảo: Ngày trước, khi mới xây dựng gia đình, ông Ba đi “tứ xứ” làm nghề kiếm tiền nuôi con ăn học. Còn bà ở nhà làm ruộng và chăm nuôi các con. Khi các con lớn lên, ông Ba mới trở về quê và làm nghề ổn định. 

“Thu nhập từ nghề của hai nhà tôi hàng tháng cũng đủ ăn. Bây giờ làm nghề, có máy móc hỗ trợ, nên nhàn hơn nhiều. Ở xã này bây giờ có nhiều gia đình giàu có cũng nhờ nghề rèn. Thậm chí, có ông đang làm lãnh đạo xã, mà bỏ chức Bí thư xã,  rút về đầu tư nghề cơ khí. Từ ngày về làm nghề kinh doanh cơ khí, ông ấy giàu có lắm”, bà Chánh tâm sự.

Trong gian nhà chừng 20m2 lợp tôn, nằm biệt lập với khu nhà chính, ông Hoàng Văn Sinh (60 tuổi) ở thôn Bùi đang miệt mài rèn dao. Bước vào bên trong “xưởng” rèn của ông Sinh, hơi nóng phả ra rát cả mặt.

Thấy có khách đến, ông Sinh ngừng tay búa, dùng khăn lau những giọt mồ hôi, cười khà khà, bảo: “Tôi theo cha mẹ làm nghề rèn từ năm lên 8 tuổi. Hơn 50 năm qua, cuộc sống của của tôi gắn liền với nghề rèn. Cái nghề này ngại nhất là những ngày thời tiết nắng nóng. Có thời điểm bà con làng nghề phải dậy thật sớm, nổi lửa lò để làm việc. Đến khoảng 8 hoặc 9 giờ sáng là phải dừng lửa lò và chuyển sang làm đồ nguội”.

Ông Trịnh Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc, cho biết: Nghề rèn truyền thống có từ bao giờ, thì đến các cụ cao niên trong xã cũng không rõ. Chỉ biết rằng, nghề rèn ở Tiến Lộc được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đặc biệt, trong cuộc khởi nghĩa tháng 8/1945, hàng trăm lò rèn của Tiến Lộc ở địa bàn các huyện của tỉnh Thanh Hóa, đã được bí mật giao nhiệm vụ rèn vũ khí cho lực lượng khởi nghĩa.

Hàng nghìn vũ khí do thợ rèn Tiến Lộc làm ra đã góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng 8 lịch sử trên địa bàn tỉnh Thanh. Đến thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, làng rèn Tiến Lộc lại tiếp tục sản xuất 1.000 chiếc búa tạ 4kg, 2 vạn cuốc, xẻng... được làm từ mặt thanh ray đường tàu.

Ngày nay, trong cơ cấu ngành nghề của địa phương, nghề rèn chiếm 87%. Toàn xã có 2.611 hộ, với hơn 10.000 nhân khẩu, thì có tới 1.600 hộ làm nghề rèn, chưa kể những người làm các nghề kinh doanh liên quan đến nghề rèn. Bình quân của người làm nghề rèn có mức thu nhập từ 150.000 - 300.000 đồng/ngày.

“Từ xưa, Tiến Lộc đã nổi tiếng với nghề rèn gắn với tên các làng Ngọ, Bùi và Sơn. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm rèn, như dao, liềm, cuốc, xẻng, kéo… đều được xuất bán ở các tỉnh thành trên cả nước. Đặc biệt, còn xuất sang thị trường các nước Lào, Campuchia và Thái Lan”, ông Hùng cho hay.

Đền thờ Thánh tổ nghề rèn ở làng Ngọ, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa).
Đền thờ Thánh tổ nghề rèn ở làng Ngọ, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa).

Trăn trở của làng rèn 

Ở Tiến Lộc, ngoài có 3 làng truyền thống, thì nay, nghề rèn cũng đã được phát triển rộng ra hai làng còn lại là Xuân Hội và Thị Trang. Nhiều hộ mang nghề rèn đi khắp muôn nơi sinh sống, lập nghiệp trên mọi miền đất nước. Cũng theo Phó Chủ tịch Trịnh Văn Hùng, từ sau năm 1986 đến nay, do các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành phù hợp đối với các làng nghề truyền thống, những người thợ rèn cũng năng động hơn.

Do đó, đầu tư các loại máy móc, công nghệ mới, mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường. Sản phẩm nghề rèn giờ đây không chỉ dừng lại ở những công cụ truyền thống, mà đã đa dạng các sản phẩm, nhiều chủng loại. Số lượng sản phẩm lên đến hàng nghìn loại, chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn. Nghề rèn đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ trong xã, đồng thời thu hút được một lượng lớn lao động từ các nơi lân cận.

Theo thống kê của UBND xã Tiến Lộc, năm 2019, thu nhập từ tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong xã đạt gần 396 tỷ đồng (chiếm tới 93% cơ cấu kinh tế). Nghề rèn cũng đã tạo thuận lợi cho dịch vụ, thương mại của địa phương phát triển mạnh mẽ. Toàn xã hiện có 6 tổ hợp máy cán rút thép, 6 cơ sở sản xuất chế tạo các loại máy phục vụ nghề rèn, cơ khí và nông nghiệp. Hơn 20 xưởng sản xuất bánh lồng, cày bừa máy, bu lông, ốc vít. Hơn 50 đại lý cung cấp nguyên liệu than, sắt.

Trên 20 đại lý bao tiêu sản phẩm và hàng trăm xưởng lớn nhỏ sản xuất các loại cuốc, xẻng, dao, liềm... Toàn xã cũng đã có trên 300 máy búa, hơn 300 máy đột dập các loại. Hàng chục máy tiện, phay, bào và hàng nghìn máy móc phổ thông phục vụ rèn, cơ khí khác... Từ sự phát triển của các loại máy móc, đã kéo theo sự thay đổi về hình thức sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, chuyển dần từ hình thức tự lập sang liên kết sản xuất...

Thợ rèn ở Tiến Lộc nay đã được hỗ trợ bằng máy móc.
Thợ rèn ở Tiến Lộc nay đã được hỗ trợ bằng máy móc.

Tuy nhiên, điều nan giải nhất của làng nghề hiện nay vẫn là tiếng ồn, làm ảnh hưởng tới đời sống của người dân và việc học hành của con trẻ. Vì là nghề đặc thù, bát cơm manh áo nên khó mà cấm được tiếng đe, tiếng búa đinh tai, nhức óc. Ngoài ra, dù đã đa dạng nhưng sản phẩm của Tiến Lộc vẫn phải cạnh tranh khốc liệt về thị trường, mẫu mã, giá cả... 

Gia đình ông Trịnh Văn Hạnh sản xuất chủ yếu các loại cày, bừa, bánh máy lồng phục vụ nông nghiệp ở địa phương, vùng lân cận và xuất đi các tỉnh phía Bắc. Theo ông Hạnh, những sản phẩm do cơ sở của ông làm ra hoàn toàn phụ thuộc theo mùa vụ.

Những năm gần đây, người dân bỏ ruộng nhiều, nên nông cụ sản xuất bán ra chậm hơn. Bên cạnh đó, hàng hóa lại phải cạnh tranh với các sản phẩm của tỉnh ngoài, đặc biệt là hàng Trung Quốc, nên khiến khó khăn hơn trong việc tái đầu tư sản xuất. 

Ông  Phạm Anh Khoa - Bí thư Đảng ủy xã Tiến Lộc cho biết, để giải quyết vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, tìm hướng phát triển nghề truyền thống của địa phương theo phương thức tập trung, hiện đại là điều trăn trở của chính quyền.

Do đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Tiến Lộc. Cụm làng nghề này có diện tích 6 ha (là đất ruộng bỏ hoang). Trong Cụm làng nghề này cũng sẽ sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi và thu hút các cơ sở sản xuất công nghiệp. 

Cũng theo Bí thư Khoa, chủ trương của chính quyền địa phương là sẽ tiếp tục phát triển nghề rèn, cơ khí truyền thống vốn có từ lâu đời. Vì thế, lãnh đạo xã Tiến Lộc tập trung chỉ đạo và vận động nhân dân thành lập các công ty, doanh nghiệp để hưởng lợi từ các dự án. Tiếp tục mở rộng diện tích làng nghề đã có ở làng Ngọ.

Quy hoạch các làng nghề ở làng Bùi và làng Sơn, để tạo diện tích thu hút các hộ làm nghề tham gia dự án sản xuất tập trung... Khuyến khích người dân làng nghề mở rộng các loại hình dịch vụ, thương mại trên toàn xã, dọc các trục đường chính, trung tâm các làng. Đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống.

“Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có ít hộ (khoảng 60 hộ) vào làng nghề, còn lại hơn 1.500 hộ vẫn sản xuất trong khu dân cư. Nhiều hộ mong muốn được Nhà nước hỗ trợ bằng các cơ chế, chính sách đối với nghề, làng nghề. Bà con cũng mong muốn được vay vốn ưu đãi theo dự án, các chính sách thuế và hỗ trợ khác...”, ông Khoa chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.