Đặt mục tiêu để giành thắng lợi

GD&TĐ - Ở lứa tuổi nào cũng có thể đánh mất niềm tin. Có những niềm tin tích cực và niềm tin không tích cực. Khi không còn niềm tin tích cực, bạn chẳng còn động lực để làm bất cứ việc gì.

Đặt mục tiêu để giành thắng lợi

Thậm chí, khi một người có mục tiêu rất rõ ràng, nhưng không có niềm tin, không tin mình làm được, không tin những người cộng sự xung quanh, chẳng thể cộng tác với ai để thực hiện công việc thì cũng không thể thành công.

Những người đa nghi thường mất niềm tin vào người khác. Anh ta cũng nghi ngờ chính bản thân mình. Trong cuộc sống, anh ta không bao giờ vượt qua được nỗi nghi ngờ luôn dấy lên trong tâm trí trước bất cứ một sự việc gì. Anh ta còn có một đặc điểm là rất hay so sánh. Thông thường, điểm gì anh yếu kém nhất lại chính là điểm anh quan tâm nhất.

Bạn là tấm gương phản chiếu chính bạn”. Khi anh nghi ngờ một người khác sẽ nói xấu anh sau lưng, thì chính anh cũng có thói xấu đó. Khi anh dễ phát hiện ra một thói xấu của ai đó, thì là do anh đang sở hữu thói xấu ấy. Như vậy, khi anh không có niềm tin tốt về người khác, thì thực ra anh cũng đang bất tín với chính mình về điểm tương đồng. Tuy nhiên, ít ai đủ khả năng và sự dũng cảm công nhận điều này ở mình.

Ví như chuyện quan hệ mẹ chồng, nàng dâu. Mẹ chồng hay soi nàng dâu, không tin rằng con dâu có hành vi tốt, bởi chính khi xưa bà cũng từng bị mẹ chồng của mình soi như vậy. Do bà sống trong hoàn cảnh đó, trải nghiệm việc đó, đến khi có con dâu bà lặp lại định kiến ấy.

Niềm tin có thể nuôi sống con người, nhưng cũng có thể giết chết con người. Buồn thay khi mất niềm tin, con người lại hay đánh mất niềm tin tích cực. Lý do là vì niềm tin tiêu cực thường tạo cảm xúc mạnh hơn, nên in dấu ấn trong tiềm thức con người mạnh hơn. Thay vì tích lũy niềm tin tích cực, con người hay chất chứa trong mình niềm tin tiêu cực, và dần dần kìm hãm ta phát triển bản thân, trở nên lụi tàn.

Khi đã mất đi niềm tin tích cực vào chính mình và những người xung quanh, con người thường hướng niềm tin của mình vào tôn giáo. Nhưng có một thực tế rõ ràng rằng, khi bạn chỉ xây một ước mơ và cầu nguyện nó tới, mà không hành động thì chẳng có kết quả nào xảy ra cả.

Vì vậy, ngoài tin chính mình, bạn cần đặt ra một mục tiêu, phải đạt được điều gì đó. Nhưng nếu mục tiêu không rõ ràng, động lực không đủ lớn, bạn dễ bỏ cuộc khi gặp một khó khăn ngáng trở đầu tiên.

Mục tiêu không rõ ràng thì sẵn sàng bỏ cuộc. Để tránh bỏ cuộc, hãy tạo lý do đủ lớn để thúc ép bản thân, thậm chí là ám ảnh mình trong suy nghĩ hằng ngày, khiến mình hành động liên tục tiến tới mục tiêu.

Hãy so sánh với ngân hàng thời gian, cho dù bạn không sử dụng, thời gian cũng sẽ trôi qua và cuộc đời bạn biến mất. Bạn không hành động, không tiến tới mục tiêu thì hẳn nhiên mục tiêu cũng biến mất. Hãy vượt qua chính mình để không trì hoãn, không bỏ cuộc.

Một điều khiến bạn dễ bỏ cuộc, đó là để mình rơi vào tình trạng “Mục tiêu gai mít”: Đa mục tiêu. Bạn đặt ra nhiều mục tiêu, cái nào cũng là mũi nhọn, không thể xác định được đâu là mục tiêu chính, do đó không biết hướng hành động theo mục tiêu nào. Cả cuộc đời bạn cứ loanh quanh như vậy. Bạn đang theo một mục tiêu này, đi được một đoạn đường, bạn thấy mục tiêu khác có vẻ hay hơn, giá trị hơn, bạn bỏ mục tiêu cũ để theo đuổi mục tiêu mới. Cứ như vậy, bạn liên tục bỏ cuộc, không tập trung được nguồn lực để đạt được bất cứ mục tiêu nào. Đa mục tiêu mà không quyết liệt dẫn đến tình trạng chuyển mục tiêu rất nhanh, và cuối cùng chẳng bao giờ thành công được.

Hãy xác định chính xác một mục tiêu duy nhất, tạo động lực đủ lớn và quyết liệt thực hiện đúng tiến độ, không bao giờ bỏ cuộc dù gặp nhiều thách thức, bạn sẽ vượt lên trên những người khác để giành thắng lợi cuối cùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ