Đất lạ hóa quê hương

GD&TĐ - Vì nhiều lý do khác nhau, một số thầy, cô giáo rời xa quê hương, đến vùng núi cao, biên giới, hải đảo để dạy học.

Cô Võ Thị Hoa và học trò tại Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc (Côn Đảo). Ảnh: NVCC
Cô Võ Thị Hoa và học trò tại Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc (Côn Đảo). Ảnh: NVCC

Tình yêu trò, yêu nghề khiến từ xa lạ thành gắn bó và không ít người đã coi nơi mình lập nghiệp như quê hương thứ hai. Với họ, mùa Xuân trên quê hương mới cũng ngập tràn hạnh phúc và gắn bó, thân thuộc.

Nơi cho cuộc đời mới

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Vinh, cô Võ Thị Hoa có 8 năm dạy hợp đồng tại một trường tiểu học ở quê nhà (Thanh Chương, Nghệ An). Đó là hợp đồng theo năm, mức lương chỉ khoảng 360.000 đồng/tháng, nghỉ hè không lương. Năm 2004, cô Hoa lập gia đình, chồng là bộ đội hải quân, hầu như công tác ở các đảo xa.

Bất hạnh ập đến khi trong một lần đi làm nhiệm vụ, chồng cô đã hy sinh. Sau khi người chồng - trụ cột gia đình ra đi mãi mãi, cô lại bị chấm dứt hợp đồng. Trong lúc bế tắc, một người bạn đang công tác tại Côn Đảo giới thiệu cô ra dạy vì nơi đây đang thiếu giáo viên. Sau một thời gian đắn đo suy nghĩ, cô Hoa quyết định rời xa quê để ổn định công việc, cuộc sống.

“Quyết định ra đảo là cả một vấn đề đối với tôi và gia đình. Ban đầu, bên nội cũng đồng ý nhưng không vui vì lo mẹ con tôi khổ. Nhớ mãi hình ảnh hai mẹ con dắt nhau đi với một va li đủ thứ đồ, nước mắt cứ chảy dài với bao suy nghĩ lo toan vì lần đầu tiên xa quê hương. Khi ngồi chờ máy bay ra Côn Đảo (tháng 1/2012), tôi ngồi khóc trong sự cô đơn, lạc lõng giữa biển người xa lạ.

Lúc đó, lời nói của con gái mới 5 tuổi khiến tôi nghẹn lại: “Mẹ đừng khóc nữa, đã có con bên mẹ rồi”. Ra đến đảo, chưa thuê được nhà trọ, tôi phải ở nhà bạn. Một người em cùng quê cho mượn chiếc xe đạp để mẹ con có phương tiện đi lại. Rồi người cho xoong nồi, cho giường, quạt... Bao nhiêu kỷ niệm đáng nhớ vẫn còn nguyên vẹn trong tôi”, cô Võ Thị Hoa nghẹn ngào kể lại.

Có kinh nghiệm dạy học, lại nhanh nhẹn, mạnh dạn, hoạt bát nên chỉ trong thời gian ngắn, cô Hoa đã hòa nhập và thích nghi với môi trường mới. Học sinh ở đây ngoan và lễ phép. Cán bộ, giáo viên trong trường đều tâm huyết với nghề. Ai cũng có tinh thần trách nhiệm, yêu nghề, mến trẻ, tận tụy với công việc.

Phòng GD&ĐT và ban giám hiệu nhà trường quan tâm đến giáo viên; tập thể đồng lòng, đoàn kết, chia sẻ hỗ trợ nhau lúc khó khăn; cùng quan tâm trau dồi và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho nhau nên chuyên môn vững vàng. Đó cũng là lý do cô giáo đến từ nơi xa vững lòng, quyết ở lại Côn Đảo lâu dài. Sau gần 12 năm, nay cô Hoa là tổ trưởng chuyên môn, 3 năm liền đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được bằng khen của tỉnh, đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh...

Là gia đình chính sách, mẹ con cô được các cấp, ngành của huyện đặc biệt quan tâm: Con hưởng trợ cấp hằng tháng, miễn giảm học phí, nhận học bổng, quà từ các nhà tài trợ. Đặc biệt, năm 2019 cô được huyện hỗ trợ xây một ngôi nhà nhỏ từ quỹ “Mái ấm công đoàn”.

“Đến nay, tôi đã xem Côn Đảo là quê hương thứ hai. Chỉ mong bản thân có sức khỏe tốt, nỗ lực phấn đấu hết lòng để phục vụ sự nghiệp trồng người nơi đảo xa”, cô Võ Thị Hoa chia sẻ.

Cô Lê Na nhận Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Ảnh: NVCC

Cô Lê Na nhận Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Ảnh: NVCC

Trường học là nhà

Tốt nghiệp ngành Sư phạm Văn - Sử, Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên (nay là Trường ĐH Sư phạm Phú Yên), cô Nguyễn Thị Bích Huy quyết định đến dạy học tại Sông Hinh, nơi cách nhà hơn 60km.

“Khi ấy, trên đường đến nơi công tác, ngắm cảnh núi rừng mờ sương lòng tôi miên man, nghĩ ngợi rất nhiều. Càng đi càng thấy hoang mang, lo lắng vì chỉ thấy heo hút, thưa thớt và vắng vẻ… Từ thị trấn vào trường nơi tôi chuẩn bị nhận nhiệm vụ hai bên đường toàn cây cối, thỉnh thoảng lác đác những ngôi nhà sàn. Đường đi đất đá chông chênh, phải vượt qua nhiều con suối nhỏ đá lởm chởm, ai không khéo là ngã ngay.

Nhưng đến trường, mọi lo lắng dường như tan biến khi được các anh chị đồng nghiệp tiếp đón niềm nở, thân thiện. Tôi đọc được trong ánh mắt của họ niềm vui vì có thêm người bạn. Hôm ấy, không chỉ tôi mà nhiều đồng nghiệp cũng về trường nộp quyết định công tác, bởi đây là ngôi trường mới thành lập nên cần nhiều giáo viên. Thế là hành trình “cõng chữ lên non” của tôi bắt đầu”, cô Nguyễn Thị Bích Huy nhớ lại.

Dạy học nơi vùng khó, dù khó khăn, thiếu thốn, nhưng tràn ngập niềm vui. Học sinh ngoan, hiền. Giáo viên về trường đa số cùng trang lứa, hoặc hơn kém nhau vài ba tuổi, ai cũng trẻ trung và căng đầy nhiệt huyết. Cô Huy sống ở khu tập thể cùng nhiều đồng nghiệp khác, đa số là người dưới xuôi lên công tác, nêu rất yêu thương, chia sẻ cùng nhau. Mọi người chia nhau từng củ sắn củ khoai, con ốc, cá suối, mớ rau rừng, nhường nhau từ chỗ ngủ, đi đâu cũng cố đèo nhau theo… Tình cảm ấm áp như gia đình khiến nỗi nhớ nhà, quê hương vơi đi rất nhiều.

Có lẽ vì vậy, sau hơn 2 tháng công tác ở Ea Trol, dù có cơ hội xin việc tại Tuy Hòa, cô Huy vẫn quyết định ở lại Sông Hinh và hơn một năm sau “về chung một nhà” với đồng nghiệp cùng trường. “Đất lạ hóa quê hương”, cô đã gắn bó với Sông Hinh hơn 20 năm và chưa một lần trong đầu nghĩ đến việc xin chuyển về Tuy Hòa - nơi có gia đình và người thân đang sống.

Cô Bích Huy trong giờ lên lớp tại Trường Tiểu học & THCS Ea Trol. Ảnh: NVCC

Cô Bích Huy trong giờ lên lớp tại Trường Tiểu học & THCS Ea Trol. Ảnh: NVCC

“Sông Hinh là quê hương thứ hai, nơi tôi khởi nghiệp, cống hiến tuổi thanh xuân và cũng là nơi tình yêu bắt đầu, đơm hoa kết trái. Hơn 20 năm tuổi nghề, cũng chừng ấy thời gian tôi và chồng, cũng là đồng nghiệp luôn động viên nhau nỗ lực mỗi ngày. Hiện tôi đảm nhiệm chức vụ Tổ trưởng tổ Xã hội của trường, thành viên của tổ nghiệp vụ ở phòng GD&ĐT. Tôi và chồng được nhận nhiều danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở và khen thưởng của xã, huyện, tỉnh.

Chúng tôi từng trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, có không ít đóng góp cho sự phát triển của nhà trường và luôn mong được tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển của ngôi Trường Tiểu học & THCS Ea Trol. Là giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn hơn 20 năm, tôi mong được các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa về chế độ chính sách, phụ cấp, cơ sở vật chất để thầy và trò có thể tiếp cận và sớm bắt kịp sự phát triển chung của giáo dục nước nhà; để chúng tôi có thể yên tâm công tác và cống hiến hết mình với nghề giáo”, cô Nguyễn Thị Bích Huy trải lòng.

Hơn 20 năm công tác, tính cả Tết năm nay, cô Huy cho biết mình đã tròn 14 năm đón Tết trên quê hương mới cùng gia đình nhỏ. Tuy nơi đây không phải là quê cha đất tổ nhưng đã gắn bó máu thịt bởi đó là nơi khởi nghiệp, nơi có kỷ niệm về tuổi thanh xuân tươi đẹp, nơi có biết bao trò nhỏ và đồng nghiệp thân yêu, nơi có người dân quê sống chân chất, nghĩa tình…

“Tết ở Sông Hinh tuy không ồn ào, náo nhiệt như nhiều nơi khác nhưng vẫn đầy đủ không khí ấm áp của Tết cổ truyền: Có chợ hoa Xuân, có khu vui chơi giải trí cho các em nhỏ, có lễ hội đua thuyền vào mồng 6 Tết, có các khu du lịch sinh thái nên thơ (Thác H’Ly, thác Draitang, điểm du lịch văn hóa cộng đồng Buôn Lê Diêm), có những đêm hội cồng chiêng, Arap… thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Một mùa Xuân nữa lại sắp về trên quê hương Sông Hinh. Năm nay, tôi cùng gia đình nhỏ của mình cũng cảm thấy rất vui, hạnh phúc và háo hức đón chào những điều tốt đẹp nhất sang năm mới ở nơi đây. Đặc biệt, tôi rất thích không khí mùa Xuân se lạnh tỏa ra từ hơi thở của núi rừng - một nét rất riêng chỉ vùng núi mới có”, cô Nguyễn Thị Bích Huy chia sẻ.

Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc (Côn Đảo). Ảnh: NVCC

Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc (Côn Đảo). Ảnh: NVCC

Nặng lòng với giáo dục vùng khó

Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường ĐH Vinh năm 2005, cô Lê Na (nhà ở huyện Con Cuông, Nghệ An) lên Kỳ Sơn, một huyện biên giới của tỉnh Nghệ An, sát đường biên giới Việt Lào công tác, cách xa nhà 120km. Nơi cô đến dạy học là xã Mường Lống, được ví von như Sapa của miền Trung bởi khí hậu quanh năm mát mẻ, nhưng mùa Đông thì rét thấu xương, địa hình núi non hiểm trở, đời sống người dân hết sức vất vả.

Thời điểm đó, điện không có, cuộc sống rất khó khăn, nhưng tình yêu nghề dạy học và phong cảnh, tình cảm bình dị, chân chất, mộc mạc, giàu nghĩa tình của người dân nơi đây, cũng như sự gắn bó chia sẻ của giáo viên miền xuôi lên công tác làm vơi đi biết bao nhọc nhằn, thiếu thốn.

Cô Na nhớ như in kỷ niệm về những buổi chiều đi tắm giặt ở khe suối cùng đồng nghiệp; hái rau rừng, măng nứa cải thiện bữa ăn; dạy học bổ túc văn hóa cho dân bản. Mỗi buổi sáng lạnh thấu xương, mấy chị em lọ mọ dậy nhen bếp củi nấu một nồi mì to cho tập thể.

Nhớ những buổi theo các thầy lên đỉnh núi sửa đường ống để có nước từ trên nguồn về cho thầy trò sinh soạt. Và niềm vui ngày lễ Tết, đón nhận tình cảm giản dị nhưng đầy xúc động của phụ huynh, học sinh. Quà biếu cô giáo của các em là cân gạo mới, bó mía, bó rau, đùm đào, mận, bó cải nở hoa vàng rộm.

Thấm thoắt 15 năm trôi qua, Kỳ Sơn với cô Lê Na đã trở thành quê hướng thứ hai. Hiện cô chuyển công tác, về dạy tại Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn, nơi tập trung những học sinh ưu tú trong toàn huyện. Trường có 420 học sinh, thuộc 4 dân tộc Mông, Thái, Khơ mú và 5% học sinh người Kinh nhưng có hộ khẩu ở vùng đặc biệt khó khăn.

Có khoảng 60% thầy cô giáo trong trường là người từ miền xuôi lên công tác. Tập thể giáo viên giỏi, tràn đầy nhiệt huyết cống hiến. “Trường đạt nhiều thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong các hoạt động giáo dục; đi đầu trong đào tạo học sinh giỏi và nâng cao chất lượng học sinh đại trà”, cô Lê Na tự hào chia sẻ.

15 năm công tác tại Kỳ Sơn, cô Lê Na nay đã là giáo viên cốt cán chuyên môn Ngữ văn của huyện, Tổ trưởng chuyên môn tổ Khoa học xã hội, đảm nhiệm bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn. Ba năm gần đây, cô có 23 học sinh đoạt học sinh giỏi cấp huyện, 3 học sinh giỏi cấp tỉnh, 2 học sinh đoạt giải Nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp huyện; chất lượng học sinh đại trà và thi lên lớp 10 vượt chỉ tiêu được giao. Cô là giáo viên dạy giỏi cấp huyện nhiều năm, đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2020 - 2021.

“Cuộc sống của người dân Kỳ Sơn còn muôn vàn khó khăn, vất vả. Hằng năm, lũ lụt càn quét, cuốn trôi hàng trăm ngôi nhà của dân bản và thầy cô giáo. Giáo viên miền xuôi lên công tác nơi này càng thiệt thòi gấp bội (con nhỏ gửi về xuôi nhờ ông bà chăm sóc, thiếu thốn tình cảm mẹ cha). Chỉ mong rằng, Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa cho giáo dục miền núi, để bớt đi phần nào khó khăn vất vả và những hy sinh thầm lặng mà giáo viên đã cống hiến cho quê hương đất nước, đặc biệt là giáo dục miền núi, con em dân tộc thiểu số”, cô Lê Na chia sẻ.

Theo thống kê, hơn 60% giáo viên đang công tác tại Côn Đảo là người từ các tỉnh khác đến lập nghiệp và gắn bó với ngành Giáo dục huyện đảo, cụ thể là 122/200 người. Nhìn chung, thầy cô tâm huyết, yêu nghề, chịu khó học hỏi và luôn cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong nhiều năm qua, ngành Giáo dục huyện Côn Đảo luôn duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp. Chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng nâng cao, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn gần 100%, trong đó cấp mầm non có tỷ lệ giáo viên trên chuẩn (trình độ đại học) là 98%.

Nhiều giáo viên tiểu học, THCS đã khắc phục mọi khó khăn về địa lý, điều kiện đi lại để học tập liên thông đại học, học sau đại học để tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của huyện. - Ông Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Côn Đảo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ