Cả cô và thầy đều am hiểu các phong tục tập quán, văn hóa của người Việt, đồng thời nói tiếng Việt rất giỏi. Nói về ngày Tết cổ truyền của Việt Nam, thầy cô háo hức như những người Việt thực sự.
Yêu văn hóa Việt Nam
Vốn là một nghiên cứu sinh Hàn Quốc tới Việt Nam học tập, rồi sau đó làm giảng viên giảng dạy môn Lịch sử Hàn Quốc cho Trường ĐH Hà Nội; làm Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ Văn hóa Việt – Hàn, đến nay thầy Sim Sang Joon đã có hơn 20 năm sống ở Việt Nam - quãng thời gian đủ dài để hiểu và cảm nhận văn hóa, phong tục tập quán và con người Việt Nam.
Hàng năm cứ vào dịp Tết cổ truyền của người Việt, thầy thường cùng vợ là cô Kim Young Shin – Giám đốc Dự án Giao lưu – Văn hóa Việt = Hàn đi chơi chợ hoa Tết.
Những năm tháng làm nghiên cứu sinh, thầy Sim được tìm hiểu và tiếp xúc nhiều với con người Việt, văn hóa Việt khiến thầy càng thêm yêu những nét văn hóa, phong tục tập quán của Việt Nam.
Hết một khóa học hơn 6 năm làm nghiên cứu sinh, thầy Sim đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và quyết định chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai.
Đi dạy học, thầy Sim được rất nhiều học trò và đồng nghiệp yêu quý bởi sự am hiểu văn hóa Việt và tấm lòng tận tụy vì học sinh. Thầy chủ nhiệm khoa Sử Trường ĐH Ngoại ngữ đã khen ngợi thầy: "Anh Sim là người thầy nước ngoài đầu tiên dạy về Lịch sử và văn hóa Việt Nam cho sinh viên nước ngoài hay đến vậy...".
Thích nghiên cứu văn hóa Việt, nên sau 3 năm đi dạy, thầy Sim chuyển sang làm ở Trung tâm Ngôn ngữ, Văn hóa Việt - Hàn với nhiệm vụ làm cầu nối giữa hai nước.
Nhiệm vụ chính của Trung tâm là giáo dục phụ nữ, trẻ em về gia đình đa văn hóa Hàn Quốc; Tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt - Hàn; Tài trợ, xây dựng và bồi dưỡng giáo viên ở một số trường mầm non tại Hà Nội và một số tính khó khăn ở Việt Nam; Tài trợ học bổng cho những sinh viên học tiếng Hàn xuất sắc ở các trường đại học có khoa tiếng Hàn...
Công việc đầy bận rộn như thế nhưng thầy Sim và cô Kim (vợ thầy) luôn sẵn lòng giúp đỡ các cô dâu Việt có nhu cầu học tiếng Hàn và tìm hiểu văn hóa, phong tục, con người Hàn Quốc. Hoặc những sinh viên Hàn Quốc sang Việt Nam du học.
Từ năm 2007, thầy Sim cùng vợ mở lớp dạy tiếng Hàn miễn phí cho những cô gái Việt Nam sắp sang Hàn Quốc làm dâu, và những người Việt Nam làm giúp việc cho một số gia đình Hàn Quốc đang sinh sống ở Hà Nội.
Thầy nói, lý do thầy cùng vợ mở lớp dạy tiếng Hàn Quốc miễn phí xuất phát từ sự cảm thông, chia sẻ bởi chính mình cũng đã từng là người ra nước ngoài học tập và sinh sống".
Từ đó đến nay, vợ chồng thầy Sim đã dạy được hàng chục khóa học tiếng Hàn miễn phí. Các khóa học của vợ chồng thầy đã đem lại nhiều thành công lớn trong mối quan hệ giữa 2 nước. Nhiều cô gái Việt sang Hàn Quốc làm dâu giờ vẫn nhớ lớp học của vợ chồng thầy.
Thích thưởng thức Tết Việt
Bên cạnh công việc và nhiệm vụ làm cầu nối văn hóa, kinh tế, chính trị... giữa 2 nước Việt - Hàn, thầy Sim luôn dành ra cho mình một khoảng thời gian riêng để nghiên cứu văn hóa, tập tục của người Việt.
Bởi vậy, khi chúng tôi ngồi nói chuyện với thầy về Tết Việt, thầy rất am tường. Sau hơn 20 năm sống và làm việc tại Việt Nam, thầy Sim đã có cuộc sống sinh hoạt như người Việt.
Những ngày Tết, lễ của Việt Nam, gia đình thầy cũng thường tổ chức ăn uống, đi chơi. Hai con trai, đang làm việc ở Hàn Quốc cũng thường sang Việt Nam cùng bố mẹ đón Tết của người Việt rất vui vẻ và ấm cúng. Thầy Sim nói: “Rất thích không khí nhộn nhịp mỗi độ xuân về, thích tiết trời xuân se lạnh, lại có một chút mưa bay...”.
Cứ mỗi dịp Tết, thầy thường cùng vợ hân hoan đi sắm Tết. Thầy, cô cũng sắm sửa mọi thứ, từ cành đào, cây quất đến các món ăn như: bánh chưng, giò, thịt, mứt... theo nghi lễ và phong tục của người Việt, sau đó cả nhà cùng thưởng thức.
Cô Kim kể: “Trong những ngày này, chúng tôi thường hay đi chơi, thăm thú một số nơi, đi lễ chùa... và mua sắm cho ngày Tết. Bên cạnh việc chuẩn bị các món ăn của người Việt, gia đình tôi cũng nấu những món ăn Tết của Hàn Quốc. Chúng tôi đến nhà những người bạn Việt Nam để chúc Tết, uống rượu và ăn bánh chưng. Tết của Việt Nam thật là vui...”.
Với tư cách là nhà nghiên cứu Văn hóa, con người Việt Nam, thầy Sim nhận xét: “Tết Việt đa dạng hơn, tưng bừng hơn, nhiều nghi lễ hơn Tết của Hàn Quốc. Tết Việt cũng không nặng về lễ giáo, nghi thức như Tết của Hàn Quốc.
Tôi rất thích các lễ nghi, phong tục trong ngày Tết của người Việt như: Dựng cây nêu để xua đuổi ma quỷ; Lễ cúng tất niên; Lễ cúng Giao thừa thiêng liêng; Tục xông đất, xông nhà thờ cúng tổ tiên; Tục mừng tuổi, đi thăm họ hàng đầy ý nghĩa...”.
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam, thầy Sim lại đảm nhiệm vai trò tiếp đón hàng chục lượt khách từ Hàn Quốc sang Việt Nam đi du lịch, chơi Tết.
Sau mỗi chuyến đến thăm Việt Nam vào dịp Tết, những du khách này đều cảm thấy thoải mái vui vẻ. Thầy Sim cũng thấy phấn khởi khi được làm hướng dẫn viên du lịch cho người thân và bạn bè đi thăm thú nhiều danh lam thắng cảnh trên đất Việt.Nam.