Đáp ứng nhân lực cho sự phục hồi du lịch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố quan trọng để phục hồi và bứt phá cho ngành du lịch là nguồn nhân lực qua đào tạo.

Phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch cần kết hợp bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đào tạo.
Phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch cần kết hợp bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đào tạo.

Một trong những yếu tố quan trọng để phục hồi và bứt phá cho ngành du lịch là nguồn nhân lực qua đào tạo. Vì vậy, cần tổ chức bồi dưỡng, kết hợp với đào tạo mới nguồn nhân lực du lịch bảo đảm yêu cầu.

Ngành du lịch thiếu nhân lực

Số liệu thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho thấy, ngành du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú cho công suất trên 70%, trong đó, nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người. Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, đến năm 2025, riêng tổng cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800.000 và năm 2030 là hơn 1 triệu, giai đoạn 2022 - 2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động.

Tại hội nghị “Tuyển sinh - đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng năm 2023”, ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho biết, lĩnh vực GDNN trải qua 2 năm hết sức khó khăn do dịch bệnh, lần đầu tiên sau nhiều năm, kết quả tuyển sinh các cấp trình độ trong GDNN đã không đạt mục tiêu theo kế hoạch đề ra.

“Trong 2 năm qua, nhiều lĩnh vực ngành, nghề đào tạo đã rất khó khăn trong công tác tuyển sinh, trong đó có lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng. Đến nay hầu hết các nhà trường đã trở lại hoạt động bình thường, hoạt động tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh và tổ chức đào tạo tại các địa phương, cơ sở GDNN trên cả nước đã sôi động trở lại”, ông Dũng đánh giá.

Mặc dù vậy, ông Dũng cho biết, tuyển sinh ngành du lịch hiện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi mà hoạt động này gần như tê liệt do ảnh hưởng dịch bệnh, người làm bỏ việc, thiếu việc làm do các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa dừng hoạt động đã ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người học. Giờ đây các hoạt động du lịch trở lại đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động.

Đại diện một cơ sở lưu trú 3 sao chuyên đón khách đoàn quốc tế trên đường Anh Đào, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, sau hơn 2 năm đóng cửa, tạm nghỉ vì dòng khách ngoại quốc bị nghẽn bởi dịch bệnh, khách sạn này đã khởi động trở lại từ đầu năm 2023 bằng việc sửa chữa tân trang và tuyển dụng nhân sự. Tuy nhiên, việc tuyển dụng người lao động toàn thời gian và cả thời vụ ở mảng buồng phòng, nhân viên phục vụ bar - nhà hàng, bộ phận tiền sảnh là vô cùng khó khăn, “đỏ mắt” tìm người không ra.

Không chỉ với các nhà hàng, khách sạn, “bài toán” nhân lực cũng khiến các doanh nghiệp lữ hành đau đầu. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ họ đã đặt kế hoạch phải tuyển dụng nhân sự ổn định, lấp đầy các chỗ trống trước thời điểm cuối năm 2022, nhưng cho đến nay, chỉ tiêu chỉ đạt khoảng 60%. Tại một số doanh nghiệp, nhân viên phải đảm trách nhiều vị trí một lúc. Ở những vị trí không quan trọng phải tuyển dụng lực lượng lao động bán thời gian, thời vụ để ứng phó thời gian cao điểm.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Thích ứng với nhiều biến đổi

Theo bà Võ Thị Mỹ Vân, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist, để giải bài toán thiếu hụt nhân sự, các trường cần quốc tế hóa đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nhân sự du lịch trong dài hạn cho Việt Nam. Nhiều năm qua, thông qua các chương trình hợp tác đào tạo với các cơ quan, tổ chức nước ngoài, nhiều học viên của nhà trường đã được gửi sang Pháp, Đức và Australia học tập nâng cao trình độ. Sau thời gian tích lũy kiến thức, kỹ năng làm việc, đội ngũ này quay về nước làm việc rất hiệu quả.

“Trường đào tạo cần kết nối chặt chẽ với các địa phương, giải quyết nhu cầu nhân lực theo vùng liên kết; trường đào tạo bắt tay trực tiếp với các doanh nghiệp trong ngành du lịch; thường xuyên cập nhật nội dung chương trình đào tạo…”, bà Võ Thị Mỹ Vân góp ý.

Cùng chung nhận định, ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty Lettravel, nêu quan điểm, khách đi du lịch hiện nay mong muốn có nhiều dịch vụ trải nghiệm theo hướng “không chạm”, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Vì vậy, nhân sự ngành du lịch rất cần có kỹ năng sử dụng thành thạo các ứng dụng số hóa, nhạy bén với các xu hướng của mạng xã hội.

“Doanh nghiệp cần chủ động bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhân sự bằng nhiều cách như tổ chức đào tạo ngay từ khi mới tuyển dụng hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo để tổ chức đào tạo nâng cao, chuyên sâu cho từng vị trí việc làm phù hợp”, lãnh đạo Lettravel nhìn nhận.

Chia sẻ với báo chí, Bà Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc điều hành Khách sạn Silkpath Hà Nội cho biết, việc tuyển dụng lao động trong lĩnh vực du lịch hiện nay rất khó khăn, nhất là những vị trí cấp cao hoặc có tay nghề tốt vì đa số đã chuyển sang lĩnh vực khác. Vì vậy, các khách sạn bắt buộc phải tuyển dụng lại hoặc đào tạo lại. Điều đó sẽ mất thêm rất nhiều chi phí và thời gian.

Thiếu nguồn nhân lực sẽ tạo ra “lỗ hổng” lớn trong ngành du lịch, nhất là trong thời điểm khi các hoạt động du lịch đang trở lại trong điều kiện bình thường mới. Do đó, đào tạo, nhất là đào tạo nghề trở nên cấp bách, trong đó có việc đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Hiện nay, nguồn nhân lực cũng đang là điểm yếu của du lịch Việt Nam kể cả trước khi có dịch Covid-19. Vấn đề này khiến chúng ta cũng trăn trở rất nhiều, Theo các chuyên gia, cần tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng kết hợp với đào tạo mới nguồn nhân lực du lịch bảo đảm yêu cầu bổ sung đủ nhân lực đáp ứng với từng cấp độ phục hồi du lịch phù hợp với các lĩnh vực kinh doanh, các địa phương trong cả nước.

Việc đào tạo nhân lực cần chú trọng đến kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm thích ứng với bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.