Đón khách 6 tháng vượt chỉ tiêu cả năm
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, sau hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Du lịch đã phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề khi số doanh nghiệp lữ hành đã hao hụt đáng kể. Hệ thống của ngành từ 2.656 doanh nghiệp lữ hành quốc tế năm 2019 tụt còn 2.111 doanh nghiệp năm 2021.
Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp lữ hành đã có sự tăng trưởng trở lại ngay trong giai đoạn hiện nay. Trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có gần 350 doanh nghiệp lữ hành quốc tế đăng ký cấp mới giấy phép, tăng gấp gần 15 lần so với cùng kỳ năm 2021 và gần bằng số doanh nghiệp cấp mới cùng kỳ năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã có giấy phép trên cả nước lên 2.448 doanh nghiệp; doanh nghiệp lữ hành nội địa đã đạt gần 1.000 doanh nghiệp có giấy phép.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Du lịch Việt Nam đã đón và phục vụ 413.400 lượt khách quốc tế, 60,8 triệu lượt khách nội địa - vượt chỉ tiêu đề ra cho cả năm 2022, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 265.000 tỷ đồng.
Giá trị tuyệt đối của những con số nêu trên còn khiêm tốn nhưng nếu so sánh với cùng kỳ năm 2021 mới thấy được sự nỗ lực của toàn Ngành để đạt mức tăng trưởng vượt bậc, góp phần tạo đà cho sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2022, Du lịch Việt Nam cũng đón nhận nhiều tin vui từ đánh giá của cộng đồng du lịch quốc tế. Tại Diễn đàn Du lịch ASEAN 2022, 20 địa phương, đơn vị của Việt Nam được nhận các giải thưởng: Khách sạn Xanh ASEAN, Thành phố Du lịch sạch ASEAN, Địa điểm tổ chức MICE ASEAN và Sản phẩm du lịch bền vững ASEAN.
Theo Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), mức tăng trưởng các chỉ số năng lực phát triển của Du lịch Việt Nam cao thứ 3 thế giới, trong đó có 6 chỉ số được xếp vào nhóm dẫn đầu toàn cầu.
Việt Nam cũng đứng thứ 2 trên thế giới về mức độ tự tin du lịch qua Chỉ số tự tin về du lịch (Travel Confidence Index) do Booking.com mới công bố. Hội An có mặt trong top 10 thành phố hiếu khách nhất thế giới năm 2022 của Booking.com…
Kết quả này phản ánh những thành tựu trong công cuộc phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam, sự thích ứng linh hoạt, an toàn cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ triển khai hoạt động du lịch an toàn, những quyết sách nhằm phục hồi du lịch, mở cửa trở lại toàn bộ du lịch nội địa và quốc tế ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.
“Chính thức là từ ngày 15/3, Thủ tướng Chính phủ mới cho phép Du lịch Việt Nam đã mở cửa toàn diện. Đây là dấu mốc quan trọng của ngành Du lịch Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, đánh dấu sự trở lại của ngành kinh tế mũi nhọn. Tất cả chỉ số của ngành Du lịch hồi phục một cách thần kỳ. Sự bùng nổ lượng khách du lịch nội địa sau dịch Covid-19 trong 6 tháng đầu năm đã đạt mục tiêu đề ra cho năm 2022.
Lượng khách du lịch quốc tế đã tăng trưởng mạnh mẽ, tháng sau tăng cao gấp đôi tháng trước để có thể tự tin đạt mục tiêu đề ra trong năm 2022. Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá Du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc về chỉ số năng lực phát triển du lịch, đứng đầu trong 3 nước tăng điểm cao nhất thế giới” - ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh.
Dấu ấn từ sự thích ứng của các địa phương
Hoạt động trải nghiệm sông nước ở Miền Tây hút khách du lịch. |
Sự trở lại mạnh mẽ và ấn tượng của ngành Du lịch sau hai năm ròng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, theo đánh giá của các chuyên gia, là đến từ chính sách và dấu ấn từ các địa phương. Chính sự linh hoạt, nhanh chóng thích ứng với bối cảnh mới cùng việc chủ động làm mới các hoạt động du lịch lữ hành của các địa phương đã mang lại sự hồi phục mạnh mẽ cho ngành Du lịch cả nước.
Thống kê của Sở Du lịch TPHCM cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2022, TP đón 11 triệu lượt khách nội địa, tăng 43,1% so cùng kỳ năm trước, đạt 61,6% kế hoạch năm 2022, cùng với 478.000 lượt khách quốc tế, tăng 100% so với cùng kỳ.
Tổng thu du lịch đạt gần 50.000 tỉ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Để đạt được những con số ấn tượng trên, TP đã không ngừng nỗ lực để tạo sức hút, biến mình trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách.
Trong đó, phải kể đến nhiều sản phẩm du lịch “mới mẻ hoàn toàn” như: “Ngắm TPHCM từ trên cao” bằng máy bay trực thăng, “Du lịch đường sông” “Tour vòng quanh TP trên xe bus 2 tầng”.
Đặc biệt, các tour về với thiên nhiên tập trung ở Cần Giờ, Trekking, chèo SUP khám phá rừng ngập mặn. Phía Tây Bắc TPHCM là tour Củ Chi, không chỉ tham quan địa đạo mà còn đi xe đạp khám phá ngoại thành, tham quan các nông trại trồng rau, trải nghiệm một ngày làm vườn… Những tour này đã mang đến sự mới lạ, hấp dẫn cho du khách, giúp cho ngành Du lịch TPHCM dần phục hồi nhanh chóng.
Tương tự, du lịch các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long cũng đã và đang hồi phục đầy ấn tượng. Đơn cử trong số các tỉnh miền Tây, Kiên Giang là địa phương có nhiều dấu ấn phục hồi mạnh mẽ nhất.
Theo thống kê, trong quý 1 và 2, tỉnh Kiên Giang đã đón khoảng 3,5 triệu lượt du khách, tăng trên 51% so cùng kỳ năm 2021, tổng doanh thu đạt khoảng gần 4.000 tỷ đồng, tăng tới 65,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, riêng TP Phú Quốc - điểm đến đang có sức hút đặc biệt đã đón gần 2,4 triệu lượt du khách trong 6 tháng đầu năm.
Để tiếp tục thúc đẩy ngành phục hồi mạnh mẽ, hướng đến việc tiếp cận và đón khách quốc tế nhiều hơn, TPHCM đang lên kế hoạch tổ chức hàng loạt sự kiện và diễn đàn du lịch.
Đơn cử như Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM lần thứ 16 (ITE HCMC 2022) dự kiến tổ chức từ ngày 8 - 10/9/2022 tại Quận 7, được kỳ vọng sẽ góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Đồng thời, qua các hội thảo chuyên đề tại ITE HCMC 2022 sẽ gợi mở những giải pháp để phục hồi và thúc đẩy du lịch inbound.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM nhìn nhận trong bối cảnh mở cửa du lịch hậu Covid-19, Hội chợ ITE HCMC 2022 là một trong những hoạt động quan trọng để đẩy mạnh truyền thông quốc tế và tiếp thị du lịch ra nước ngoài.
“Chúng tôi đang tích cực mời các đối tác, tập đoàn, người mua quốc tế, cũng như các doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế tham dự và giao thương, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn khách quốc tế dồi dào từ các thị trường truyền thống cũng như thị trường mới đến Việt Nam trong thời gian tới.
Với sự đổi mới trong phương thức tổ chức, Hội chợ sẽ duy trì sức hút của một điểm hẹn về thương mại du lịch quốc tế thường niên lớn và uy tín hàng đầu Việt Nam và khu vực hạ nguồn sông Mê Kông”, bà Ánh Hoa chia sẻ.