Cần giải pháp mạnh phục hồi du lịch, thu hút khách nội địa và quốc tế

GD&TĐ - Tại hội thảo du lịch năm 2021, các đại biểu đã đưa ra giải pháp cũng như đề xuất chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế, giao thông, nhân lực... để thúc đẩy du lịch phát triển, thu hút khách nội địa và quốc tế. 

Hội thảo du lịch năm 2021 với chủ đề "Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển".
Hội thảo du lịch năm 2021 với chủ đề "Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển".

Sáng 25/12, Hội thảo Du lịch 2021 “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Văn hóa - thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An tổ chức tại thị xã Cửa Lò.

Toàn cảnh Hội thảo Du lịch năm 2021 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì.
Toàn cảnh Hội thảo Du lịch năm 2021 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì.

Hội thảo cũng kết nối trực tuyến với 19 điểm cầu tại các tỉnh, thành trọng điểm về du lịch trong cả nước. Ngoài hơn 300 đại biểu tại hội thảo trực tiếp tại Cửa Lò, còn có nhiều chuyên gia, lãnh đạo địa phương, đại diện doanh nghiệp phát biểu tham luận trực tuyến.

Khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - đánh giá trong gần 2 năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu đề ra, chệnh hướng quỹ đạo tăng trưởng. 

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu khai mạc hội thảo.
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu khai mạc hội thảo.

Ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, Hội thảo Du lịch 2021 lần này sẽ cung cấp bức tranh tổng thể, bao quát hơn về thực trạng của du lịch thế giới và Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19.

Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch - một lĩnh vực quan trọng, có sức lan tỏa lớn trong quá trình phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch.

Du lịch Nghệ An - Hà Tĩnh đang từng bước phục hồi theo hướng đẩy mạnh du lịch trải nghiệm, khám phá. Ảnh: Sách Nguyễn.
Du lịch Nghệ An - Hà Tĩnh đang từng bước phục hồi theo hướng đẩy mạnh du lịch trải nghiệm, khám phá. Ảnh: Sách Nguyễn.

Tại phiên hội thảo chuyên đề, ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch cho hay, qua đợt dịch thứ 4 cùng chiến dịch tiêm chủng vắc xin. Việt Nam đang từng bước dần quay trở lại cuộc sống bình thường mới, với mục tiêu mới mà Chính phủ đã xác định chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19.

Ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa,Thể thao và du lịch cho rằng, đại dịch Covid-19 đã thay đổi xu hướng trong phát triển du lịch.
Ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa,Thể thao và du lịch cho rằng, đại dịch Covid-19 đã thay đổi xu hướng trong phát triển du lịch.

Theo ông Việt, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều xu hướng trong du lịch toàn cầu cũng như Việt Nam. Đó là du lịch đến nơi an toàn, đảm bảo an toàn sức khỏe, vệ sinh; du lịch theo những nhóm nhỏ, ngắn ngày, hoạt động nghỉ dưỡng gần gũi với thiên nhiên, thưởng thức văn hóa ẩm thực…; đổi mới công nghệ số hóa

Để kịp thời nắm bắt những xu thế đó và thích ứng linh hoạt, ông Việt cho rằng cần có nhiều cơ chế, chính sách nhằm phục hồi, phát triển du lịch trong bối cảnh mới. Đồng thời có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, lao động ngành du lịch vượt qua khó khăn. Cụ thể như miễn giảm thuế, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển công nghệ liên quan đến du lịch.

Đại biểu phía doanh nghiệp chia sẻ giải pháp và đề xuất, kiến nghị để phát triển dịch vụ du lịch lữ hành.
Đại biểu phía doanh nghiệp chia sẻ giải pháp và đề xuất, kiến nghị để phát triển dịch vụ du lịch lữ hành.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Vietravel cũng đề xuất Nhà nước sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho lĩnh vực du lịch như: giảm mức lãi suất vay đang áp dụng, không áp dụng chuyển nhóm nợ; gia hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu.

Triển khai chương trình kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” để khôi phục thị trường du lịch nội địa và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” với khách quốc tế.

Doanh nghiệp trưng bày gian hàng và giới thiệu sản phẩm đặc sản địa phương.
Doanh nghiệp trưng bày gian hàng và giới thiệu sản phẩm đặc sản địa phương.

Ông Kỳ cũng cho rằng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Vì vậy, để phục hồi du lịch, cần phục hồi giao thông vận tải, ưu tiên phát triển ngành dịch vụ phục vụ nhu cầu đời sống ngời dân.

Phiên hội thảo chuyên đề cũng có phần tọa đàm bàn tròn, với sự tham gia trao đổi, phân tích ý kiến trực tiếp từ các chuyên gia, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp...

Thu hút khách nước ngoài có hộ chiếu vaccine
Tính đến tháng 9/2021, khách quốc tế đến nước ta chỉ đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều tỉnh, thành phố hoạt động du lịch lữ hành hiện nay vẫn đóng băng.
Cũng trong 9 tháng năm 2021, doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước tính đạt 4,6 nghìn tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu của một số địa phương biến động lớn như: Quảng Ninh giảm 31,5%; Đà Nẵng giảm 42%; Cần Thơ giảm 45,3%; Hà Nội giảm 55,4%; Hải Phòng giảm 55,7%; TP Hồ Chí Minh giảm 56,2%; Khánh Hòa giảm 89,5%.
Khi dịch bệnh được kiểm soát, song song với phòng chống dịch, Việt Nam áp dụng các giải pháp phù hợp để từng bước mở cửa biên giới, nới lỏng di chuyển nội địa, khối phục kinh tế.
Dù vậy, thời điểm phục hồi du lịch quốc tế ở Việt Nam vẫn chưa có câu trả lời. Nhiều địa phương trong cả nước cũng đã nới lỏng các biện pháp ngăn cách xã hội. Đồng thời cắt giảm thời gian kiểm dịch tập trung đối với du khách nước ngoài đã tiêm phòng đầy đủ. Ngành du lịch đã triển khai thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam tại 5 địa phương theo chương trình hộ chiếu vaccine. Trong một tháng vừa qua, Việt Nam đã đón hơn 1.000 khách du lịch quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cha mẹ có thể để trẻ bình tĩnh rồi nói chuyện. Ảnh minh họa

Làm gì khi con hay giận dỗi?

GD&TĐ - Trẻ nhỏ thường giận dỗi, buồn rầu vì không thể nói ra được nỗi bực bội của mình hoặc chưa được đáp ứng mong muốn nào đó.