Đáp trả chính sách

GD&TĐ - Với quyết định tái mở cửa của Bắc Kinh, nguồn lợi từ du khách Trung Quốc đối với các nước vốn dựa vào du lịch sẽ được kỳ vọng dần phục hồi.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngày 10/1, Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tiên bị phía Trung Quốc đưa ra biện pháp đáp trả đối với việc một quốc gia có chính sách yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với công dân Trung Quốc nhập cảnh, sau khi nước này tái mở cửa với thế giới kể từ ngày 8/1.

Cụ thể, Đại sứ quán Trung Quốc tại Seoul đăng thông báo trực tuyến cho biết nước này sẽ tạm dừng việc cấp visa cho công dân Hàn Quốc và lệnh này sẽ được áp dụng cho đến khi nào “Hàn Quốc dỡ bỏ các biện pháp phân biệt đối xử với việc nhập cảnh của người Trung Quốc”.

Hành động mà cơ quan ngoại giao Bắc Kinh gọi là “phân biệt đối xử” chính là quyết định của Hàn Quốc yêu cầu các du khách tới từ Trung Quốc phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 48 giờ.

Động thái của Hàn Quốc tương tự với Mỹ và một số nước châu Âu do lo ngại việc Trung Quốc chính thức mở cửa biên giới trở lại từ ngày 8/1 có thể khiến làn sóng lây nhiễm mới xuất hiện.

Ngay sau đó Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối quyết định của Mỹ, Hàn Quốc và một số nước châu Âu. Giới chức Trung Quốc cho rằng phản ứng của một số quốc gia là “không mang tính xây dựng” và các nước nên áp dụng các biện pháp dựa trên bằng chứng khoa học chứ không phải các biện pháp không cần thiết nhằm vào người Trung Quốc một cách phân biệt đối xử.

Hôm 3/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh chính thức chỉ trích các yêu cầu nhập cảnh riêng đối với du khách Trung Quốc là “không thể chấp nhận được” và tuyên bố Bắc Kinh sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa “mang mục tiêu chính trị”. Tới ngày 10/1 thì biện pháp trả đũa mà Trung Quốc nhắc tới này đã cụ thể hóa với việc tạm dừng cấp visa cho công dân Hàn Quốc.

Tương tự như Hàn Quốc, hồi cuối tuần trước Thái Lan cũng đưa ra yêu cầu các công dân Trung Quốc phải xuất trình chứng nhận tiêm phòng đầy đủ các mũi Covid-19 và chứng nhận đã khỏi Covid-19 khi nhập cảnh kể từ ngày 9/1. Nhưng đến đúng ngày 9/1, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul lại tuyên bố “quay xe”, thông báo Thái Lan hủy bỏ các yêu cầu trên với du khách Trung Quốc.

Trong khi đó, nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ hiện vẫn giữ nguyên các biện pháp yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với du khách từ Trung Quốc. Cơ quan phòng chống dịch bệnh của Mỹ còn yêu cầu xét nghiệm nước thải từ máy bay nhập cảnh do lo ngại dịch Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc.

Những tranh cãi và đáp trả nhau xung quanh cách ứng xử với du khách Trung Quốc sau khi nước này tái mở cửa diễn ra trong bối cảnh giới phân tích đang đánh giá những ảnh hưởng từ quyết định này của Bắc Kinh.

Các chuyên gia ngân hàng Goldman Sachs nhận định, việc Trung Quốc mở cửa là tin tốt cho nhiều nền kinh tế, trong đó các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam và Singapore.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc là nguồn khách du lịch quốc tế quan trọng nhất của các nước Đông Nam Á cũng như của thế giới. Ước tính 155 triệu du khách từ quốc gia này đã chi hơn 250 tỷ USD cho các chuyến du lịch quốc tế vào năm 2019. Con số này đã giảm gần như về con số 0 trong gần 3 năm qua khi Trung Quốc đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch.

Với quyết định tái mở cửa của Bắc Kinh, nguồn lợi từ du khách Trung Quốc đối với các nước vốn dựa vào du lịch sẽ được kỳ vọng dần phục hồi. Đây cũng chính là cơ sở để các nước đưa ra các ứng xử phù hợp với du khách Trung Quốc và tránh bị cuốn vào trò chơi đáp trả lẫn nhau về chính sách như Trung Quốc và Hàn Quốc hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ