Dập dìu Tết Mông xuống phố

Dập dìu Tết Mông xuống phố

Leng keng, lanh canh...

Ngay từ ngã tư đường Đê La Thành giao với phố Láng Hạ, rẽ trái để đi đến cổng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, không khó để bắt gặp những chàng trai, cô gái người Mông diện váy áo tíu tít rủ nhau ùa vào “Tết Mông xuống phố”. Tết Mông xuống phố có gì? Màu sắc - âm thanh - và cả những câu hát nhé...

Qua cái cổng được dựng bằng tre (không phải khung sắt hay thép) là cả một “thế giới” sắc màu. Rất dễ dàng nhận ra người Mông trên mọi tỉnh, thành bịn rịn đem Tết xuống phố khi ai ai cũng diện trên mình những bộ trang phục truyền thống với đủ màu xanh – đỏ - tím – hồng – trắng - đen – gụ... Có một điều thú vị, dù cùng là dân tộc Mông nhưng người Mông ở tỉnh, thành nào lại có cách ăn mặc rất riêng, không hề bị trộn lẫn.

Chính vì thế, “Tết Mông xuống phố” bỗng đâu trở thành nhịp cầu để người Mông tìm thấy... đồng hương qua trang phục. Chỉ đứng ở rất xa nhưng thoáng thấy bóng ai trong bộ trang phục có điểm nhấn là màu xanh lá cây, anh Thao Văn Tong liền bảo đấy là người Mông ở Thanh Hóa. “Tôi đang bận việc nhưng nghe tin nay có ngày hội dành cho người Mông nên thu xếp thời gian để đến. Chúng tôi rất dễ tìm đồng hương vì đã có những bộ trang phục dẫn đường. Mà ở Thủ đô tấp nập này gặp được đồng hương thật vui biết mấy” – anh Tong bày tỏ.

Không chỉ là trang phục đặc sắc, “Tết Mông xuống phố” còn đem đến những âm thanh rất lạ. Leng keng rồi lại lanh canh... - những âm thanh ấy kéo dài suốt cả lễ hội. Không cần một nhạc sĩ chuyên nghiệp nào phải dạo đàn mà những người Mông xuống phố cùng tạo nên bản nhạc ấy ngay từ... trang phục của mình. Có thể thấy, hầu như bộ trang phục nào cũng đeo thêm những đồng xu mỏng treo trên sợi dây nhôm. Từng động tác, cử chỉ và nhịp bước của mỗi người đều tạo nên những tiếng leng keng, lanh canh xa xôi. Vì vậy, bản nhạc không quá chói tai ấy còn át đi cả tiếng sáo Mông và làm xao động cả không gian...

Rồi thì người Mông gặp nhau là nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ. Tiếng Mông vang lên khắp nơi, cứ như thể khoảng sân rộng lớn của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chính là quê hương của họ vậy. Khi đó, du khách chỉ còn biết ngơ ngác tung quả pao, đánh quả cầu, đi cà kheo... hay quay ra nghe câu hát đối đáp tình tứ của người Mông: “Cái bụng anh thương em nhiều như lá rừng. Em không có lòng thì thôi. Có lòng thì về ta ở với nhau một đêm. Em không có lòng thì thôi, có lòng thì về, ta ở với nhau một ngày” để mà... chữa thẹn!

Cách tân từ truyền thống

Cô gái Hồ Thị Ché ở Điện Biên, sinh viên năm thứ 3 – Trường Đại học Luật Hà Nội, diện váy sắc tím xanh cùng bạn trai bước vào Tết Mông nơi phố phường. Ché khoe, chiếc váy và cái xế mà cô mặc chỉ giữ hoa văn màu hồng rực rỡ của trang phục truyền thống còn lại được cách tân về kiểu dáng cũng như chất liệu. Nếu theo truyền thống, vạt váy trước và sau bằng nhau thì giờ điệu đà hơn khi vạt trước hất cao lên đến gối còn vạt sau lại buông chùng quyến rũ. Hay như tay và vai váy không phủ kín mà là tấm ren trắng khoe làn da xuân thì của người con gái Mông. Và dọc theo thân váy, những đồng xu cũng buông lơi lanh canh...

Chiếc váy xòe ấy được Ché phối với giày cao gót chứ không phải đi dép bệt như ở quê nhà. Chỉ vào cái mũ đang đội trên đầu, Hồ Thị Ché bảo cô đã bỏ ra 600 nghìn đồng để có được. Cái mũ ấy chỉ phỏng theo dáng dấp những chiếc mũ của người Mông còn đâu từ chất liệu cho đến họa tiết đều được làm mới. “Tôi có hai bộ trang phục – một truyền thống, một cách tân. Khi tham gia các lễ hội ở phố, tôi mặc bộ trang phục cách tân còn về quê thì mặc bộ truyền thống. Mỗi bộ có những ưu điểm riêng. Nhưng về cơ bản tôi thích những bộ được cách tân từ truyền thống vì mặc vào trông đẹp, gợi cảm hơn” – Hồ Thị Ché nói.

Lần đầu tiên đến với “Tết Mông xuống phố” do nhóm sinh viên Mông Hà Nội và cộng đồng người Mông chung tay tổ chức thường niên, cậu sinh viên Học viện Chính trị Thào Minh Chứ kể đã dành hai tháng trời để tự tay may bộ trang phục đến lễ hội. Các họa tiết hoa văn truyền thống của bộ trang phục đều do tự tay anh thêu. Và từ những nét truyền thống ấy, anh còn có những cải tiến cho bộ trang phục của mình khi phối cả những họa tiết, chi tiết có trên trang phục người Mông ở Lào và Thái Lan. Và tất nhiên, Minh Chứ cũng đính những hàng đồng xu trên bộ trang phục để cùng tổng hòa với bản nhạc của cả không gian. Với Thào Minh Chứ, anh luôn cảm thấy mình thêm phần sang trọng, lịch lãm khi mặc bộ trang phục đặc biệt ấy.

“Tết Mông xuống phố” cứ dập dìu trong bản nhạc leng keng, lanh canh, trong biết bao sắc màu tươi thắm của các bộ trang phục cách tân của người Mông, trong những câu dân ca Mông đong đầy yêu đương... trong cả một ngày như thế. Đã có biết bao người gửi lại lời hẹn được gặp lại không gian văn hóa độc đáo này ngay giữa chốn Hà thành vào năm sau...

“Đến “Tết Mông xuống phố” tôi được hòa vào một không gian thật đặc sắc, thân quen. Thế nhưng, lòng tôi có phần luyến tiếc khi ước giá như tất cả mọi người cùng mặc trang phục của người Mông để dự hội thì còn tuyệt vời hơn biết mấy. Tại sao không?”. - Sinh viên Thào Minh Chứ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ