Đào tạo từ xa: Cần dỡ bỏ những rào cản

GD&TĐ - Thế kỷ XXI, thế kỷ của trí tuệ với nền kinh tế trí thức, học thường xuyên, học suốt đời đã và đang trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu để cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động trong xã hội. 

Ứng dụng CNTT trong đào tạo từ xa giúp người học cập nhật tối đa kiến thức
Ứng dụng CNTT trong đào tạo từ xa giúp người học cập nhật tối đa kiến thức

Vì vậy đào tạo từ xa (ĐTTX) có vai trò quan trọng, tạo cơ hội cho người học tự nâng cao năng lực bản thân. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn những rào cản.

Vẫn còn những rào cản

Từ khi loại hình ĐTTX do một số trường đại học được Bộ GD&ĐT cấp phép đưa vào triển khai đã tạo nên những bước chuyển biến tích cực về việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho đất nước, đáp ứng việc nâng cao trình độ của người học. Hiện Bộ GD&ĐT đã cấp phép cho 21 trường đại học tiến hành các chương trình ĐTTX, nhưng đến nay mới chỉ có 17 trường tuyển sinh được. Trong khoảng vài năm gần đây, quy mô ĐTTX ngày càng giảm sút. Nếu như năm 2012 có 17 trường ĐH đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh ĐTTX với quy mô là 161.047 sinh viên theo học 90 chương trình đào tạo (chiếm 6% so với tổng số sinh viên đại học, cao đẳng toàn quốc) thì đến tháng 10/2016 giảm xuống chỉ còn 70.425 sinh viên.

Trong 3 năm gần đây số lượng sinh viên theo học các nhóm ngành cụ thể là: Kinh doanh - Quản lý: 36%, Khoa học xã hội 41%, Giáo dục: 15%, Kỹ thuật - Công nghệ: 9%. Đối tượng tuyển sinh phần lớn là những người còn khó khăn, chưa có điều kiện đi học, thuộc các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và các địa phương có nhu cầu về đào tạo nhân lực theo đặt hàng nay có nhu cầu được tiếp tục học tập để nâng cao trình độ, hoàn thiện văn bằng. Tại các tỉnh thành phố lớn, đối tượng tuyển sinh hướng tới là những người đi làm, đã có việc làm và những người muốn học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho công việc.

Mặc dù Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn cho việc phát triển ĐTTX nhưng hiện tại chúng ta chưa có kế hoạch hành động cụ thể. Về học liệu, người học theo hình thức ĐTTX chủ yếu tự học qua học liệu, tuy nhiên nhiều trường chưa có học liệu dành riêng cho ĐTTX nên vẫn phải dùng giáo trình đào tạo hệ chính quy tập trung. Việc học liệu không đáp ứng đủ yêu cầu người học dẫn đến tình trạng sinh viên gặp khó khăn trong quá trình tự học, thiếu chủ động. Việc sử dụng thiết bị nghe - nhìn và công nghệ thông tin hiện đại để triển khai các chương trình ĐTTX chưa được các trường chú trong đúng mức. Điều kiện cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và phần mềm chuyên dụng chưa đầy đủ còn thiếu đồng bộ.

Theo PGS.TS Lê Văn Thanh, trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu ĐTTX của Bộ GD&ĐT: Hiện tại quy trình thi, kiểm tra, đánh giá vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá thường được tiến hành theo phương pháp tự luận tại các trạm tiếp nhận chương trình ĐTTX tại các địa phương nên có lúc chưa bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan. Trong điều kiện thực tế hiện nay, khi cơ sở vật chất còn thiếu thốn, công nghệ đào tạo chưa được cải tiến, không thi tuyển đầu vào và quy trình kiểm tra, thi tốt nghiệp còn lạc hậu thì tỉ lệ tốt nghiệp chỉ khoảng 30% - 40% mới phù hợp với yêu cầu về chất lượng.

Đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời

Trao đổi về việc làm thế nào để tạo thêm cơ hội cho người học PGS.TS Lê Văn Thanh và nhóm chuyên gia cũng cho rằng: Cần phải có những định hướng và các giải pháp kịp thời. Trên cơ sở này nhóm chuyên gia nghiên cứu về ĐTTX cũng đã đưa ra những giải pháp cụ thể như: Rà soát, sửa đổi và xây dựng Quy chế ĐTTX mới gồm: Tổ chức đào tạo, kiểm tra đánh giá, công nhận kết quả và cấp chứng chỉ, văn bằng tốt nghiệp đào tạo từ xa theo hướng cùng một chương trình đào tạo với hệ chính quy, thi chung với hệ chính quy nhằm khẳng định chất lượng đầu ra tiến tới việc cấp chung một văn bằng tốt nghiệp theo lộ trình trong tương lai; Xây dựng Bộ Tiêu chí kiểm định chất lượng cho loại hình ĐTTX.

Phấn đấu dến năm 2020 sẽ kiểm định toàn bộ các chương trình ĐTTX cấp văn bằng theo quyết định số 1559/QĐ -TTg ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015 - 2020”, đồng thời nghiêm túc thực hiện các biện pháp chấn chỉnh những hiện tượng tiêu cực, không đảm bảo chất lượng trong ĐTTX của các đơn vị;

Xây dựng phát triển các học liệu và công nghệ ĐTTX: Học liệu in ấn là học liệu gốc để phát triển học liệu điện tử, học liệu đa phương tiện theo phương pháp sư phạm mang tính đặc thù của ĐTTX - lấy tự học làm căn bản; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông để phát triển học liệu điện tử có tính tương tác cao và kết nối với thực tiễn để người học có thể linh hoạt học tập nhưng vẫn đạt chuẩn đầu ra về kiến thức kỹ năng; Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong ĐTTX cho phép các trường ĐH có ĐTTX được chủ động liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước trên tinh thần hợp tác, phát triển để thực hiện việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển chương trình học liệu, kiểm định và công nhận văn bằng, trao đổi chuyên gia, kinh nghiệm trong ĐTTX theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người.

Mục tiêu của Đề án Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015 - 2020: Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo từ xa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng hóa, bảo đảm hội nhập với khu vực và thế giới, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Cụ thể đến năm 2020: Tất cả các chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng được kiểm định; Tất cả các chương trình đào tạo từ xa có đủ học liệu, thiết bị hỗ trợ thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế. Tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên tham gia thực hiện chương trình đào tạo từ xa đều được bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng về đào tạo từ xa. Xây dựng một số cơ sở giáo dục nòng cốt cung cấp chương trình đào tạo từ xa; khuyến khích các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có điều kiện tham gia cung cấp học liệu, công nghệ phục vụ đào tạo từ xa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.