Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, chuyên theo các Ngoại ngữ; ngoài ra có thể có lớp theo lĩnh vực chuyên và các lớp không chuyên.
Văn bản này cũng quy định cụ thể sĩ số học sinh với lớp chuyên, không chuyên. Theo đó, lớp chuyên và lớp theo lĩnh vực chuyên không quá 35 học sinh/lớp. Lớp không chuyên không quá 45 học sinh/lớp; đảm bảo số học sinh các lớp không chuyên không quá 20% tổng số học sinh của trường. Trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng và đề nghị của hiệu trưởng trường chuyên, cơ quan quản lý trực tiếp trường chuyên quyết định số lớp chuyên đối với từng môn chuyên, số lớp theo lĩnh vực chuyên và số lớp không chuyên.
Từ quy định này, nhiều trường THPT chuyên trong kế hoạch tuyển sinh hằng năm đều có chỉ tiêu cho hệ không chuyên. Ví dụ, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ tuyển sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023 có 120 chỉ tiêu cho hệ không chuyên. Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm bên cạnh lớp chuyên còn tuyển sinh các lớp chất lượng cao. Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) năm 2022 - 2023 tuyển 570 học sinh, chia thành 16 lớp; trong đó có 14 lớp chuyên và 2 lớp không chuyên. Năm học 2020 - 2021, Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo (Bình Thuận) có 30 lớp chuyên và 9 lớp không chuyên... Có thể nói, các trường chuyên mở lớp không chuyên hiện chiếm tỷ lệ không nhỏ. Tuy nhiên, cũng có địa phương chủ trương không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên. Đơn cử như Thừa Thiên - Huế. Ngay từ khi xây dựng đề án trường chuyên, địa phương này mỗi năm chỉ tuyển 420 chỉ tiêu cho tất cả lớp chuyên.
Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố xin ý kiến góp ý rộng rãi dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên; một trong những điểm đáng chú ý là quy định “không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên”.
Một hiệu trưởng trường THPT chuyên, khi được hỏi về việc có nên tổ chức hay không lớp không chuyên đã kể lại câu chuyện. Đó là vào lễ Tri ân và trưởng thành của học sinh khối 12 cách đây vài năm, vị hiệu trưởng đã chứng kiến cảnh học sinh lớp không chuyên nghẹn ngào chia sẻ trong nước mắt về những áp lực học tập để chiều ý ba mẹ; mặc cảm khi bị bạn bè thể hiện sự coi thường đối với học sinh không chuyên. “Tôi day dứt và đề nghị lãnh đạo sở GD&ĐT từ năm 2017 không tuyển sinh lớp không chuyên; đồng thời tổ chức mô hình một số lớp chuyên theo môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Tiếng Anh...; cùng một số lớp chuyên theo lĩnh vực: Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội. Tôi thấy cách tổ chức như vậy hợp lý và hiệu quả hơn”, hiệu trưởng này chia sẻ.
Tuy nhiên, trước điểm mới trong dự thảo của Bộ GD&ĐT, vẫn có 2 luồng ý kiến. Và ý kiến ủng hộ hay không ủng hộ “có lớp không chuyên trong trường chuyên” đều có những lý lẽ thuyết phục riêng.
Liên quan đến vấn đề này, có lẽ cần nhắc đến quy định về trường chuyên trong Luật Giáo dục 2019. Điều 62 của Luật ghi rõ: Trường chuyên được thành lập ở cấp THPT dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Như vậy, mục đích cao đẹp của trường chuyên chính là bồi dưỡng nhân tài, nơi tập trung những giáo viên cốt cán, ưu tú, có kinh nghiệm chuyên sâu về một môn khoa học nào đó, tạo ra môi trường, không gian học tập tốt nhất cho việc học tập của học sinh. Đã theo học chuyên cần phải thật sự đam mê, có nhiệt huyết và hứng thú theo đuổi với môn chuyên mình học. Do đó, rất cần nhận thức một cách đúng đắn về mục tiêu giáo dục của trường chuyên đào tạo tinh hoa cho đất nước.