Quyết tâm đưa học sinh trở lại trường; phát triển trường chuyên không chạy theo thành tích

GD&TĐ - Tuần qua, sự chỉ đạo từ Chính phủ và đồng lòng, quyết tâm đưa học sinh trở lại trường của các bộ, ban ngành liên quan; Hướng phát triển trường chuyên trong giai đoạn tới... thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Thủ tướng chỉ đạo sớm cho học sinh đi học trực tiếp

Nội dung giáo dục nổi bật tuần qua là Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại sáng 16/1.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức ngay Hội thảo trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và các địa phương thống nhất có lộ trình cụ thể để mở cửa các cơ sở giáo dục, đào tạo, các trường học trở lại trên toàn quốc, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết quả và đề xuất cụ thể để xem xét, quyết định.

Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện truyền thông tạo sự đồng thuận xã hội về việc mở cửa an toàn trường học trở lại.

Hướng dẫn các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp an toàn trở lại sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sớm nhất có thể, nhất là đối với các địa phương có tỷ lệ cao trong việc tiêm đủ liều vắc xin cho đối tượng từ 12 -17 tuổi.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức an toàn, phòng chống dịch Covid-19 để cho trẻ em, học sinh từ 5 - 11 tuổi đi học trực tiếp trở lại.

Với Bộ Y tế, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương tổ chức Hội thảo khoa học, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước và tham khảo tổ chức WHO để báo cáo cấp có thẩm quyền về việc tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi.

Chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục về biện pháp phòng, chống dịch cho trẻ em, học sinh đi học an toàn trở lại.

Khẩn trương, nghiên cứu sửa đổi, ban hành tiêu chí xác định các cấp độ dịch trong tình hình mới.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo, tọa đàm và truyền thông tạo đồng thuận xã hội để học sinh, phụ huynh, người dân yên tâm cho con em trở lại trường học trực tiếp an toàn và hiệu quả.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Bộ GD&ĐT: Quyết tâm đưa học sinh quay trở lại trường học

“Khẩn trương, cương quyết, chu đáo đưa học sinh quay trở lại trường học”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh điều này tại Hội nghị về tổ chức các hoạt động GD trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong cơ sở giáo dục.

Bộ trưởng cho biết, suốt thời gian qua ngành Giáo dục đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi hoạt động dạy học để hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh và thực tế việc triển khai tích cực. Trong tình hình mới, cần có sự ứng phó chủ động và quyết liệt hơn.

Trên cơ sở khảo sát, đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương, chuyên gia…, có thể thấy, sau một thời gian dài, nhiều địa phương do dịch bệnh chuyển sang dạy học trực tuyến đã phần nào duy trì nhịp độ học tập và bảo đảm tiến độ. Tuy nhiên, nếu kéo dài hơn việc dạy học gián tiếp với các hình thức qua internet, trên truyền hình, thì tác động tiêu cực sẽ lớn dần, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, cũng như sức khỏe thể chất, tinh thần của cả người dạy, người học và các đối tượng liên quan.

Đến thời điểm này, khi tỷ lệ tiêm vaccine trong cộng đồng cao, trong đó có đối tượng học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi; kinh nghiệm phòng chống dịch, điều kiện y tế dự phòng, thuốc chữa được tăng cường; chúng ta có đầy đủ căn cứ, kinh nghiệm, điều kiện để quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc đưa học sinh quay trở lại trường học. Đây không chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh.

“Học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi đã được tiêm vaccine, việc cho các em đi học trực tiếp trở lại sau Tết Nguyên Đán là phù hợp. Còn với trẻ mầm non, học sinh tiểu học, các địa phương cần có sự chuẩn bị khẩn trương, trong đó chuẩn bị về tư tưởng, nhận thức là hết sức quan trọng để tạo sự đồng thuận của phụ huynh, giáo viên, các cấp, các ngành; đặc biệt là sự đồng thuận, hợp tác của phụ huynh” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Cùng đó, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, nhiều chuyên gia Y tế nhất trí cho rằng, đây là thời điểm phù hợp để đưa trẻ em trở lại trường học.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Phát triển trường chuyên không chạy theo thành tích

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020 sáng 21/1, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Quyết không chạy theo thành tích, ứng thí, huân huy chương. Câu chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật - triển khai đầu tiên phải là ở các trường trung học phổ thông chuyên.

Theo Bộ trưởng: “Một số trường chuyên hiện nay đạt đến đào tạo nhân tài với quan điểm, phương pháp phù hợp, nhưng một phần vẫn đang dừng ở mức là trường chất lượng cao và trường chọn - mà chưa phải trường chuyên. Cần tránh quan điểm coi trường chuyên là để có học sinh giỏi, có các giải thưởng, các huân huy chương… mà cần có quan điểm đúng về phương diện đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và lấy đó làm trọng tâm trong phát triển”.

Với quan điểm đào tạo phát triển toàn diện, Bộ trưởng cho rằng, đào tạo chuyên dẫu đặc biệt nhưng vẫn là đào tạo phổ thông, vẫn lấy nền tảng nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ, lấy phát triển con người làm đầu; vì vậy, đào tạo chuyên cần theo hướng toàn diện, không thiên lệch, đào tạo không phải vì tấm huy chương, mà trước hết vì chính con người họ, đó cũng là nền tảng để có nhân lực chất lượng cao.

Xác định trường chuyên là môi trường áp dụng các phương pháp giáo dục đặc biệt, do đó, Bộ trưởng bày tỏ sự cổ vũ với phương pháp giáo dục cá thể hóa. Theo Bộ trưởng, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và để nuôi dưỡng được nhân tài cần phương pháp phù hợp; trong đó cần phát huy được năng lực tự học của học sinh và khích lệ để tài năng tỏa ra. Trong sự phát triển trường chuyên, ngoài cơ sở vật chất, ngoài đầu tư cần lưu ý phương pháp phù hợp cho hệ thống này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ