Đào tạo thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản

Đào tạo thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản

(GD&TĐ) - Một thỏa thuận về đào tạo nghề cho thanh niên nghèo Việt Nam vừa được  Bộ LĐ, TB&XH và Tổ chức Phát triển nguồn lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) ký kết.  Theo đó, những thanh niên trong độ tuổi từ 18 – 25 thuộc hộ gia đình nghèo, hoặc thuộc đối tượng hưởng chính sách xã, tốt nghiệp THPT, sẽ được đào tạo miễn phí và lựa chọn tham gia chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật Việt Nam tại Nhật. Bên cạnh đó, chương trình phái cử ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản cũng có nhiều tín hiệu tích cực…

Đào tạo miễn phí

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: Thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình này hầu như không phải đóng góp các khoản tiền gì mà chỉ tự chịu chi phí ăn, ở trong thời gian đào tạo tại Việt Nam; phải học tiếng Nhật khoảng 1 tháng. Sau đó tham dự tuyển chọn, nếu đạt yêu cầu sẽ phải tham dự khóa đào tạo tiếng Nhật, bồi dưỡng kiến thức cần thiết trong thời gian 6 tháng trước khi phái cử và phải chi trả lệ phí khám sức khỏe, cấp hộ chiếu, visa. 

Nếu được lựa chọn trở thành thực tập sinh hoàn thành chương trình thực tập 3 năm tại Nhật Bản và về nước đúng hạn, thực tập sinh sẽ được IM Japan hỗ trợ 600.000 Yên/người để tái hòa nhập và phát triển sự nghiệp (200.000 yên/người/1 năm). Đặc biệt,  khi về nước, nếu có nguyện vọng làm việc trong các công ty Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam, thực tập sinh sẽ được Bộ LĐ, TB&XH phối hợp với Văn phòng đại diện IM Japan tại Việt Nam giới thiệu để các công ty tuyển chọn.

Tuy nhiên, để được tham gia chương trình này, một trong những điều kiện bắt buộc là người lao động phải có trình độ THPT trở lên. Trong khi đó, tại các vùng nông thôn, miền núi nghèo của nước ta vẫn còn nhiều thanh niên trẻ không có điều kiện học tập hoàn thành chương trình THPT, do đó, không đáp ứng đủ điều kiện để tham gia chương trình thực tập kỹ năng tại Nhật Bản. Chính vì vậy, Tổ chức IM Japan đã có sáng kiến thành lập “Quỹ đào tạo nguồn nhân lực cho các nước đang phát triển” nhằm mục đích đào tạo kiến thức cần thiết miễn phí cho các thanh niên trẻ các huyện nghèo để đáp ứng đủ điều kiện tham gia chương trình Thực tập sinh kỹ năng tại Nhật Bản. Năm 2013, IM Japan đã quyên góp được số tiền 15 triệu Yên dùng để đào tạo miễn phí cho thanh niên nghèo Việt Nam theo chương trình này. 

x
Một lớp đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam

Điều dưỡng viên và hộ lý tại Nhật

Cùng với việc tạo điều kiện cho thanh niên nghèo sang Nhật Bản làm việc, trên cơ sở văn kiện xác nhận về cơ chế tiếp nhận điều dưỡng viên và hộ lý đủ tiêu chuẩn của Việt Nam sang Nhật Bản ký giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ LĐ, TB&XH là đơn vị đầu mối thực hiện chương trình phái cử ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản. Đây là chương trình giúp cho những người tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng có nguyện vọng được sang làm việc tại Nhật Bản với tư cách là ứng viên điều dưỡng và hộ lý có cơ hội tham dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia tại Nhật Bản. 

Thực hiện chương trình này, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang trực tiếp nhận hồ sơ điều dưỡng viên và hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản, từ ngày 1/9/2013 đến 30/9/2013. Đối tượng tham gia chương trình là công dân Việt Nam không quá 35 tuổi; đủ điều kiện sức khỏe do cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận; không có tiền án, tiền sự hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật của Việt Nam; có nguyện vọng tham gia chương trình, đủ tiêu chuẩn tiếng Nhật và chuyên môn…

Mức lương của ứng viên điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản sẽ theo quy định của pháp luật Nhật Bản. Mức lương tham khảo thông thường của ứng viên điều dưỡng: 130.000 – 140.000 yên/tháng (34 - 37 triệu đồng/tháng); ứng viên hộ lý: 140.000 - 150.000 yên/tháng (37 - 40 triệu đồng/tháng). Ngoài mức lương trên, ứng viên sẽ được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc. Thời hạn làm việc từ 3 - 4 năm, mỗi năm gia hạn một lần.

Anh Quang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.