Đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật: Kỳ vọng nguồn nhân lực mới

GD&TĐ - Bộ VH-TT&DL vừa phối hợp các cơ sở đào tạo trên toàn quốc đã chính thức triển khai các kế hoạch thực hiện Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn 2030” và “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030”. 

Đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật: Kỳ vọng nguồn nhân lực mới

Đây là tín hiệu khởi sắc trong công tác đào tạo các tài năng văn hóa nghệ thuật (VHNT), thế nhưng thực tế, để đào tạo được những tài năng văn hóa nghệ thuật thực thụ vẫn còn đó những băn khoăn.

Tín hiệu khởi sắc

Theo Đề án, những học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo VHNT thuộc các lĩnh vực âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, điện ảnh, múa, xiếc và ngành sáng tác văn học có tài năng, năng khiếu vượt trội sẽ được tham gia đào tạo tập trung ở trong nước (trong đó có thời gian thực tập ngắn hạn ở nước ngoài) và tham gia các cuộc thi, hội diễn, triển lãm, trại sáng tác theo ngành, chuyên ngành đào tạo ở trong nước và nước ngoài; tham gia liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo có uy tín của nước ngoài.

Thời gian tuyển sinh sẽ bắt đầu từ năm 2017 với các trình độ đại học (khoảng 185 chỉ tiêu ở các lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, sáng tác văn học), cao đẳng (20 chỉ tiêu ở lĩnh vực múa), trung cấp (khoảng 150 chỉ tiêu ở các lĩnh vực âm nhạc, múa, xiếc) căn cứ tình hình cụ thể về chất lượng nguồn tuyển sinh hằng năm, tiêu chuẩn và năng lực của cơ sở đào tạo.

Từ năm 2021 trở đi, phấn đấu hằng năm lựa chọn được ít nhất 7 tài năng tốt nghiệp xuất sắc các lĩnh vực đề cử đi đào tạo trình độ cao hơn ở trong nước và nước ngoài.

Phấn đấu đến năm 2025, tuyển sinh và đào tạo được khoảng 1.800 sinh viên đại học; trên 200 sinh viên cao đẳng và khoảng 1.500 học sinh trung cấp theo học các lớp tài năng thuộc các lĩnh vực, ngành đào tạo của đề án.

Vẫn còn nhiều thách thức

Bên cạnh những tín hiệu khởi sắc trong công tác đào tạo các tài năng VHNT thì khâu “đầu ra” trong công tác đào tạo VHNT trong suốt nhiều năm qua là mối băn khoăn lớn. Bởi thực tế, các đơn vị nghệ thuật hiện nay vẫn chưa thực sự trở thành những “bà đỡ” cho các học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo VHNT sau khi tốt nghiệp.

Theo NSND Lê Khanh, hiện nay các cơ sở đào tạo đang “miệt mài” đào tạo 3 - 4 năm, nhưng sinh viên ít, thậm chí chưa một lần đứng trên sân khấu.

Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, các em lại mất thời gian làm quen và xếp hàng chờ đến lượt để có vai diễn. Chưa kịp quen với sân khấu, có khi lại lập gia đình, sinh con và từ từ lặn vào phía sau rồi chuyển nghề.

Trong khi đó, đi theo con đường sáng tác hay biểu diễn không chỉ cần năng khiếu, tài năng mà còn đòi hỏi nghệ sĩ phải kinh qua quá trình đào tạo, khổ luyện và ý thức cống hiến bền bỉ, lâu dài.

Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, số diễn viên trong độ tuổi từ 20 - 25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỷ lệ 5,6%, và từ 25 - 30 tuổi cũng chỉ chiếm 42,3%.

Ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, phần lớn diễn viên đều đã ngoài 40, 50 tuổi. Trong khi đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam có khoảng hơn 30 diễn viên được coi là trẻ thì lượng đào kép chỉ chiếm khoảng 20%.

Bất cập dễ nhận thấy là tồn tại tương đối nhiều những diễn viên đã hết tuổi làm nghề nhưng chưa đến tuổi về hưu. Cho nên, xét về chỉ tiêu, các đơn vị cơ bản vẫn đủ người, song thực tế khan hiếm đến mức báo động nguồn nhân lực sung sức.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, hai Đề án này được coi là bước đi dài hơi nhất nhằm đào tạo tài năng chất lượng cao cho ngành VHNT kể từ khi Việt Nam không còn gửi học sinh du học Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu đầu thập niên 1990. Cơ quan đầu mối tổ chức xây dựng, thực hiện kế hoạch tổng thể và hằng năm triển khai đề án là Bộ VH-TT&DL.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ