Đào tạo nhân lực: Không thể xem nhẹ phát triển kỹ năng nghề nghiệp

GD&TĐ - Ngoài các kỹ năng nghề nghiệp, lao động cần được trang bị những “kỹ năng mềm” khác đặc trưng cho kỷ nguyên 4.0. Đó là kỹ năng số, phản biện, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, giao tiếp, hợp tác, sáng tạo…

Lao động cần được trang bị những kỹ năng mềm khác. Ảnh minh hoạ
Lao động cần được trang bị những kỹ năng mềm khác. Ảnh minh hoạ

Phát triển kỹ năng trong hoạt động nghề nghiệp

PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục và Quản lý kinh tế cho biết, trong bối cảnh CMCN 4.0, để đáp ứng yêu cầu của thế giới việc làm mới, ước tính khoảng 50% lao động cần được đào tạo lại và đào tạo nâng cao về kỹ năng.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của UNICEF và VCCI (2020), nhiều thanh niên, lao động trẻ Việt Nam còn khá mơ hồ về các kỹ năng cần thiết trong thời kỳ cách mạng số. Vì vậy, đào tạo trang bị các kỹ năng cho thanh niên, lao động trẻ Việt Nam là đòi hỏi khách quan.

PGS.TS Mạc Văn Tiến cho biết, hình thành và phát triển kỹ năng nghề nghiệp là một quá trình lâu dài và có những thách thức đáng kể đối với người học hoặc người sử dụng lao động trong việc trả chi phí đào tạo. Đặc biệt là trong bối cảnh các doanh nghiệp thường xuyên phải đổi mới công nghệ do tác động của CMCN 4.0. Trong dài hạn, với sự tăng trưởng kinh tế cao, việc phát triển, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên, lao động trẻ là điều cần thiết tạo sự chuyển biến nhanh chóng về chất của lực lượng lao động.

Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới và khu vực trong đào tạo nghề cho thấy, Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra sự thành công của hệ thống phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên. Nhà nước không chỉ hỗ trợ trực tiếp mà còn tạo ra khung pháp lý cho các đối tác trong xã hội tham gia vào phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động.

PGS.TS Mạc Văn Tiến dẫn chứng, Singapore là một hình mẫu trong khu vực cần được nghiên cứu, học tập. Hệ thống phát triển kỹ năng được hình thành trong vài thập kỷ qua ở Singapore đã cung cấp một mô hình mới của hệ thống đào tạo nghề thành công. Không giống như mô hình của Đức hay Nhật Bản, mô hình của Singapore dựa trên một hệ thống đào tạo có tính cạnh tranh cao với sự tham gia của các doanh nghiệp và sự thống nhất về chính sách quốc gia.

Đặc biệt ở Singapore, Chính phủ đã tạo ra cơ chế phù hợp để liên kết chặt chẽ với ngành công nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề. Đồng thời đảm bảo nguồn cung cấp ổn định lao động có kỹ năng cho các ngành công nghiệp. Nhất là các ngành công nghiệp mới, công nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế. Chính sách của Chính phủ đã không chỉ đơn thuần là cung cấp ổn định lao động có tay nghề cao mà chính sách đào tạo của họ đã được gắn kết chặt chẽ với các chính sách công nghiệp và thương mại.

Mô hình chính sách này cũng được thực hiện tương tự ở Hàn Quốc và Đài Loan. Điều này cho phép thanh niên, lao động trẻ không chỉ hình thành kỹ năng trong nhà trường mà còn tiếp tục được phát triển kỹ năng trong hoạt động nghề nghiệp tại doanh nghiệp hoặc tự kinh doanh.

Vai trò của các bên trong phát triển kỹ năng nghề nghiệp

PGS.TS Mạc Văn Tiến nhấn mạnh, vai trò của chính phủ các nước, như đã nêu, một mặt hỗ trợ tài chính trực tiếp cho hệ thống đào tạo thông qua việc cung cấp tài chính cho các cơ sở GDNN. Mặt khác, chính phủ thông qua hệ thống cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho đào tạo, phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Vai trò của chính phủ trong đào tạo là dẫn dắt khu vực tư nhân thực hiện tốt chức năng của họ và chỉ can thiệp vào những lĩnh vực mà khu vực tư nhân không thực hiện được...

Cũng theo ông Tiến, trên cơ sở đó, Nhà nước vẫn duy trì vai trò trong quản lý đào tạo, phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên, lao động trẻ tại hầu hết các nước. Chính phủ chỉ trực tiếp tổ chức đào tạo đối với những lĩnh vực mà chỉ khi Nhà nước tiến hành mới có hiệu quả và chủ yếu do đào tạo của khu vực tư nhân không có hoặc yếu kém.

Các cơ sở đào tạo tư nhân vì mục đích lợi nhuận hay phi lợi nhuận cũng đều là một bộ phận góp phần vào sự phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho lao động. Phát triển hệ thống đào tạo kỹ năng tư nhân đem lại nguồn cung cấp riêng, mới mẻ cho đào tạo, mở rộng khả năng tiếp cận của người học.

Các cơ sở tư nhân có một số thuận lợi so với đào tạo công lập như chú ý, quan tâm hơn tới hiệu quả hoạt động nên có chi phí thấp hơn. Đồng thời có sự liên kết mật thiết với các doanh nghiệp, thị trường lao động. Bên cạnh đó, cần thích ứng nhanh với sự thay đổi nhu cầu về kỹ năng của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Tuy nhiên, đào tạo tư nhân cũng có những hạn chế, nhất là chất lượng đào tạo. Lợi nhuận được chú trọng đối với đào tạo ở một số nhóm nghề ví dụ thư ký, kinh doanh, máy tính, ngôn ngữ, nơi có yêu cầu đầu tư vốn tương đối thấp.

Có tình trạng, nhiều cơ sở đào tạo tư nhân huy động, mời giáo viên, người dạy của các cơ sở đào tạo công lập, chủ yếu làm việc bán thời gian. Hầu hết các cơ sở đào tạo tư nhân nằm ở khu vực trung tâm, các đô thị, chi phí đào tạo không dành cho những nhóm “không mang lại lợi nhuận”, những nhóm yếu thế.

Mặc dù vậy, phát triển, mở rộng các cơ sở đào tạo tư nhân trên cơ sở hoàn thiện các khung pháp lý, sẽ góp phần phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên. Từ đó, tạo cơ hội cho thanh niên tiếp cận tới các hoạt động đào tạo nghề nghiệp. Nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên và nâng cao chất lượng cho lực lượng lao động. Doanh nghiệp đặc biệt có vai trò trong việc đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho người lao động. Nhất là lao động trẻ, trong bối cảnh công nghệ sản xuất thường xuyên được đổi mới.

Ngoài ra, doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc hạn chế hệ lụy trước những rủi ro phi truyền thống ví dụ như đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp hỗ trợ người lao động được đào tạo, chuyển đổi nghề trong nội tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong trường hợp này rất quan trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ