Chương trình nhằm mục đích nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng cho các lãnh đạo/quản lý của các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại quốc tế (BDS), từ đó họ có thể phát triển và cung cấp ngày càng tốt hơn về các dịch vụ hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu trong hành trình vươn ra thị trường quốc tế theo phương thức mới và trong bối cảnh mới.
Chương trình có sự tham gia của gần 30 nhà lãnh đạo và quản lý, chuyên gia đến từ 20 tổ chức, doanh nghiệp, trung tâm, vườn ươm cung cấp dịch vụ hỗ trợ và thúc đẩy thương mại quốc tế đến từ nhiều tỉnh thành trên toàn quốc như Hà Nội, Huế, Cần Thơ, Tp. Hồ Chí Minh… Lần đầu tiên được tổ chức, với sự hỗ trợ và đồng hành từ Tổ chức Hợp tác Phát triển CHLB Đức, Chương trình hứa hẹn thành công đem lại.
PGS.TS Phạm Thu Hương phát biểu tại khóa học |
Được thực hiện dưới dạng bootcamp với các phương pháp thực hiện mới mẻ như học tập thông qua trải nghiệm (experiential learning), điều phối và thúc đẩy (facilitating), đồng sáng tạo (co-creation). Sau khóa đào tạo bootcamp tập trung, chương trình còn thực hiện hoạt động cố vấn và huấn luyện (coaching) nhằm giúp các đơn vị hỗ trợ kinh doanh xuất nhập khẩu có thể xây dựng và phát triển được dịch vụ thúc đẩy kinh doanh xuất khẩu trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
PGS.TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương chia sẻ: Mong muốn của chúng tôi là trang bị cho người học những kiến thức đầy đủ nhất để phát triển kinh doanh. Ngoài kiến thức chuyên sâu, cập nhật và các nền tảng tiên tiến về thương mại quốc tế, Chương trình TOT - The Global Inspioneer hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội học hỏi và phát triển nhiều kỹ năng lãnh đạo, mô hình sáng tạo, mới mẻ cho người tham gia.
Các học viên trao đổi tại khóa học |
Chị Dương Thị Kim Liên, Viện trưởng Viện hỗ trợ ĐMST Doanh nghiệp, học viên chương trình cho biết: Chúng tôi đã có hiểu biết hơn trong lĩnh vực xuất khẩu với các kiến thức nền tảng, công cụ cho việc phân tích dữ liệu, thị trường, từ đó các BDS sẽ đưa ra các phương thức thực hiện phù hợp. Đối tượng học của khoá học là các BDS, rất hay và thiết thực vì việc tăng cường năng lực cho BDS cũng sẽ hỗ trợ phục vụ cộng đồng.
Anh Nguyễn Thanh Hà, Tổng giám đốc công ty WTP Investment Consulting-chuyên hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cùng cảm nhận:Chúng tôi được tiếp cận với những giải pháp mới, qua đó có những đánh giá sát thực về thị trường, đối tác xuất khẩu. Sau khoá học, mình tin rằng người học sẽ vận dụng hiệu quả các kiến thức, công cụ được trang bị, kết nối hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
Năm 2022 là năm của những cơ hội mới, thách thức mới trong hành trình chuyển đổi phương thức kinh doanh từ truyền thống sang nền tảng thương mại xuyên biên giới cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và trên toàn cầu. Điều này buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải có nhiều giải pháp thích nghi sáng tạo, chuyển hướng phù hợp và mạnh mẽ để thích ứng với xu hướng mới. Trong bối cảnh đó, vai trò của các chuyên gia, đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ và thúc đẩy kinh doanh toàn cầu, đặc biệt thông qua các nền tảng thương mại xuyên biên giới (BDS - Business Development Supply) ngày càng được quan tâm và đề cao.