Tại Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2022, nhiều chuyên gia nhận định trong thời gian tới, kinh tế số sẽ đóng vai trò chủ đạo và dẫn dắt nền kinh tế. Để nhanh chóng bắt kịp với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng được nguồn nhân lực số.
Khát nhân lực số
Thống kê từ trang TopDev - nền tảng tuyển dụng chuyên về ngành công nghệ hàng đầu ở Việt Nam, năm 2021 nhu cầu tuyển dụng của toàn ngành công nghệ thông tin (CNTT) cần khoảng 500.000 lao động. Thế nhưng, nguồn cung chỉ đạt 430.000 lao động.
Tại Hội thảo “Phát triển các mô hình kinh doanh mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Ban Kinh tế Trung ương cũng nhận định kinh tế số tại Việt Nam chủ yếu được phát triển dựa trên các nền tảng sáng tạo đã có sẵn của thế giới.
Những nền tảng phát triển bởi doanh nghiệp (DN) trong nước còn hạn chế, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại điện tử, khả năng cạnh tranh với các tập đoàn, công ty đa quốc gia vì vậy chưa cao. Do đó, muốn phát triển kinh tế số, các DN trong nước còn nhiều việc phải cải thiện, đặc biệt về cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.
Nói về chất lượng nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam, bà Nguyễn Ngọc Dung - đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết: So với các quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Thái Lan thì Việt Nam xếp loại cuối.
Điều này ảnh hưởng đến phát triển kinh tế số quốc gia và chuyển đổi số của các DN trong nước. Vì vậy, để giải quyết vấn đề thiếu và yếu của nguồn nhân lực, Chính phủ cần giao các cơ quan liên quan xây dựng chương trình, chiến lược đào tạo cụ thể. Cùng với đó, tổ chức cuộc thi để sinh viên, đặc biệt các em nữ tham gia nhiều hơn vào ngành CNTT.
Ông Lê Hùng Anh - CEO của BIN Corporation Group - cũng đánh giá thị trường dịch vụ hiện nay có phạm vi toàn cầu nhưng vấn đề quan trọng là nền tảng hiện có về nhân lực và công nghệ phải theo kịp yêu cầu của khách hàng. “Đây là cuộc đua thú vị mà mỗi DN tham gia thị trường quốc tế cần tự hoàn thiện kết cấu “cơ thể” của mình, nhất là phải giải được bài toán nhân sự trong xu thế chuyển đổi số.
Thực tế, với quy mô phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, kinh tế số trong thời gian tới, chỉ riêng nhân sự cho Tập đoàn BIN Corporation Group cần tuyển tới 1.000 nhân sự. Thoạt nghe thì đây là con số lớn nhưng thực tế rất bình thường so với tốc độ phát triển của các dịch vụ thương mại điện tử và nhu cầu nhân lực của nền kinh tế số trong thời điểm toàn cầu hóa”, CEO Hùng Anh nói.
Chuyển động của các cơ sở đào tạo
Để góp phần phát triển nền kinh tế số, dựa trên các định hướng và chính sách, cơ sở giáo dục đại học thời gian qua đã nhanh chóng đầu tư về nền tảng hạ tầng công nghệ (thư viện số, nền tảng Big Data dùng chung, công nghệ AI, đội ngũ) để nhanh chóng mở ngành và đào tạo nhân lực đón đầu xu thế phát triển kinh tế mới. Ngoài nhóm ngành đào tạo mang tính nòng cốt như: CNTT, An toàn thông tin, Quản trị phần mềm, các trường cũng đã nhanh chóng mở nhiều ngành mới như AI, Digital Marketing, Kinh tế số (Digital Economy), Thương mại điện tử…
Theo TS Nguyễn Quang Tiệp - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế, thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện có khoảng 51% nhân lực làm công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đang làm việc trong các cơ sở giáo dục đại học, tương đương 90.000 người. Số lượng trên khá ít ỏi cho mục tiêu đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực đáp ứng cho nền kinh tế số trong tương lai.
“Các trường đã và đang thích ứng nhanh với bối cảnh đào tạo nhân lực mới. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh sâu về chương trình đào tạo các đơn vị mới chỉ cung cấp cho người học phần nền tảng cơ bản chứ không thể đem những gì mới nhất vào đào tạo được. Vì vậy, bài toán chất lượng nhân lực cho nền kinh tế số chỉ được giải quyết khi có hệ thống chính sách khuyến khích từ Nhà nước.
Để thu hút người học vào nhóm ngành công nghệ nhiều hơn, phải có định biên, cơ sở vật chất nhà trường phải được phát triển, đội ngũ giảng viên phải được đáp ứng theo tỷ lệ nhất định kèm cơ chế hỗ trợ… Qua đó giúp các cơ sở đào tạo phát triển nhanh và cùng gắn với DN, giúp xây dựng nguồn nhân lực tốt”, TS Tiệp nói.
PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG TPHCM - nhìn nhận, muốn phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao đáp ứng chuyển đổi số và nền kinh tế số, bước đầu tiên các cơ sở đào tạo cần làm ngay là đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo theo hướng liên ngành và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Muốn phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao, các đơn vị đào tạo cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong đào tạo, liên kết.
“Mô hình hợp tác lý tưởng cho lĩnh vực này sẽ gồm 6 thành phần: Đào tạo, nghiên cứu, trung tâm khởi nghiệp, trung tâm thử nghiệm, trung tâm dữ liệu, kiểm định - đánh giá. Các trường phải biết cách tận dụng công nghệ số trong giảng dạy. Cùng với đó là nâng chất, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên, đặc biệt là những vấn đề về CNTT, tiếng Anh, quy trình tiếp cận kiến thức mới nhất. Muốn vậy, hệ thống cơ sở vật chất phải đảm bảo được tính thực hành, thực tiễn của người học.
Tuy vậy, mấu chốt vẫn là phát huy mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường với DN. DN cần có thêm các đơn đặt hàng đào tạo giúp các trường không đi quá xa nhu cầu thực tế. Bản thân các trường cũng phải biết lắng nghe, thay đổi, không thể cứ dạy mãi những cái cho là thế mạnh của mình, mà chưa chú trọng đến nhu cầu của DN, thị trường lao động”, PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh.