Đào tạo GV môn học mới: Trường sư phạm chuẩn bị thế nào?

GD&TĐ - Hai ngành mới được tuyển sinh tại các cơ sở đào tạo GV trong cả nước đáp ứng nhu cầu về đội ngũ giảng dạy 2 môn học tích hợp (KHTN, Lịch sử và Địa lí) khi triển khai CTGDPT 2018 với lớp 6, từ năm học 2021 - 2022.

Một tiết học ở Trường THCS Trần Cao Vân (TP Huế). Ảnh minh họa
Một tiết học ở Trường THCS Trần Cao Vân (TP Huế). Ảnh minh họa

Triệt để đổi mới trong đào tạo 

PGS.TS Nguyễn Chí Thành - Trưởng khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho biết: Trường ĐH Giáo dục đã mở chương trình đào tạo giáo viên ngành Khoa học tự nhiên (bậc THCS) và đón nhận sinh viên từ năm học 2019 - 2020. Tiếp đó, năm học 2020 - 2021, nhà trường triển khai mô hình đào tạo giáo viên ngành Lịch sử và Địa lí.  

Giáo viên Lịch sử và Địa lí cũng như Khoa học tự nhiên được đào tạo tại Trường ĐH Giáo dục theo hướng tích hợp, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, với hình thức dạy học kết hợp Blended Learning thông qua Hệ thống giáo dục trực tuyến Moodle, triển khai thực địa trải nghiệm.

Sinh viên tốt nghiệp có thể bắt tay ngay vào công việc giảng dạy ở các trường phổ thông mà không phải trải qua thời gian thử việc. Ở đó, giảng viên luôn định hướng để người học nắm bắt được tri thức, tự làm chủ tri thức của mình và được đánh giá bằng năng lực thực sự. Nơi đây, sinh viên nắm bắt được tương lai và nhận định rõ mục tiêu phấn đấu của mình.

Cũng theo PGS Nguyễn Chí Thành, các chương trình đào tạo cử nhân này hoàn toàn mới ở Việt Nam, được cập nhật phù hợp với tình hình trong nước và có tham khảo chương trình tiên tiến của nước ngoài. Việc này đã và đang tạo nên những hiệu ứng tích cực trong đổi mới đào tạo giáo viên, đáp ứng các yêu cầu của xã hội, sự phát triển của khoa học kĩ thuật như công nghệ 4.0, góp phần triển khai thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Luật Giáo dục 2019 đặt ra yêu cầu nâng chuẩn đối với giáo viên bậc THCS để có bằng đại học. Ảnh minh họa
Luật Giáo dục 2019 đặt ra yêu cầu nâng chuẩn đối với  giáo viên bậc THCS để có bằng đại học. Ảnh minh họa

Những lưu ý quan trọng 

GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực giai đoạn 2016 - 2021, cho rằng: Luật Giáo dục 2019 đặt ra yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn đối với giáo viên bậc THCS để có bằng đại học. Như vậy, các cơ sở đào tạo giáo viên đối mặt với 2 vấn đề: Đào tạo giáo viên đáp ứng chuẩn mới theo Luật Giáo dục 2019, cũng như theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông 2018 và bồi dưỡng trình độ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các trường sư phạm cần chuẩn bị như thế nào? Trả lời câu hỏi này, GS.TS Nguyễn Quý Thanh nhấn mạnh: Đầu tiên phải xây dựng các chương trình đào tạo các ngành mới, như giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lí hay dạy môn Khoa học tự nhiên; bên cạnh đó cần tiếp tục tăng cường đào tạo giáo viên các môn đang thiếu cục bộ như Tin học. Cùng với đó, xây dựng các chương trình bồi dưỡng nâng chuẩn giáo viên THCS đang dạy các môn như Vật lý, Hóa học, Sinh học… từ cao đẳng lên đại học để trở thành các giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên. 

Cũng theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, điều vô cùng quan trọng là đổi mới mục tiêu đào tạo theo hướng đào tạo giáo viên trở thành nhà giáo dục,  khoa học, văn hóa và hoạt động xã hội trên nền hiểu biết vừa rộng vừa sâu một chuyên ngành. Đổi mới về phương thức đào tạo: Đào tạo tích hợp sư phạm phổ thông theo hướng đào tạo nội trú (đào tạo vừa học vừa làm tại trường phổ thông), và đào tạo theo nhu cầu của nhà sử dụng sản phẩm. Đổi mới chương trình đào tạo theo hướng mô đun hóa, liên thông công nhận tín chỉ giữa các trường cho các học phần tương đương.

Đổi mới nội dung đào tạo: Đào tạo tri thức rộng, theo 3 trụ cột công nghệ thông tin, kiến thức chuyên môn (khoa học cơ bản) và nghiệp vụ sư phạm (khoa học sự phạm), với mô hình TPACK (T: Công nghệ - Technology; P: Phương pháp sư phạm - Pedagogy; CK: Kiến thức chuyên môn - Content Knowledge) phổ biến trong đào tạo giáo viên trên thế giới hiện nay.

Từ đó, tạo cho giáo viên năng lực chuyển đổi tri thức khoa học thành tri thức sư phạm, vận dụng trong các tình huống dạy học tích hợp hướng tới hoạt động của các cá nhân (phân hóa) trong môi trường công nghệ thông tin.

“Để đáp ứng yêu cầu mới, việc ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong dạy học, quản lý, bảo đảm chất lượng cũng cần được chú trọng. Ngoài ra, cần xây dựng các mô đun bồi dưỡng giáo viên phổ thông đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đây là minh họa rõ nét về việc các cơ sở đào tạo giáo viên tham gia phát triển các sản phẩm dịch vụ cho giáo dục phổ thông. Ví dụ, phát triển chương trình bồi dưỡng theo các chủ đề mà nhà trường có nhu cầu; phát triển hệ thống học liệu, ấn phẩm hay học liệu số…; phát triển ngân hàng đề kiểm tra, đánh giá…” – GS Nguyễn Quý Thanh chia sẻ thêm.

Bên cạnh nỗ lực của các trường sư phạm, GS Nguyễn Quý Thanh đồng thời mong muốn Bộ GD&ĐT và địa phương khi cấp chỉ tiêu cho các ngành, đặc biệt là bậc THCS, không cấp chỉ tiêu cho giáo viên đơn môn. Đồng thời, từ năm học 2021 - 2022 bắt đầu có sinh viên được đào tạo dạy học các môn “tích hợp” như Lịch sử và Địa lí hay Khoa học tự nhiên ra trường, Bộ GD&ĐT cần yêu cầu tăng cường tuyển dụng giáo viên tích hợp.

Địa phương cần đặt hàng các cơ sở đào tạo giáo viên đã có kinh nghiệm triển khai chương trình đào tạo giáo viên dạy những môn học mới và đồng thời đào tạo nâng chuẩn giáo viên dạy đơn môn Vật lí, Hóa học… để trở thành các giáo viên có thể đảm nhiệm việc dạy tích hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ