Với mục tiêu đào tạo lý thuyết đi đôi với thực tiễn, trong những năm qua bộ môn Kỹ thuật công trình đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, trong đó hai địa bàn chính hiện nay là Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng, để sinh viên sớm tiếp cận với thực tế và tìm đầu ra cho sinh viên.
Do đặc thù là ngành đào tạo thuộc khối kỹ thuật nên đòi hỏi sinh viên phải có tinh thần trách nhiệm cao, phương pháp làm việc khoa học, đặc biệt là phải có kiến thức chuyên môn sâu và có kinh nghiệm thực tế. Nhận thức rõ được tầm quan trọng đó, Bộ môn Kỹ thuật công trình đã và đang tích cực xây dựng mô hình đào tạo gắn nhà trường với doanh nghiệp , điều này được thể hiện rõ trong suốt quá trình đào tạo của trường.
Sinh viên Tôn Thất Bảo Hân (Lớp Kỹ thuật cơ sở hạ tầng K49- Sinh viên năm thứ 3) báo cáo kết quả quá trình trao đổi học tập tại trường Đại học Ubon Ratchathani, Thái Lan |
Từ những môn cơ sở chuyên ngành đến chuyên ngành, các em được dạy lý thuyết kết hợp với thực hành tại các phòng thí nghiệm của nhà trường. Hàng tuần, sinh viên từ năm học thứ 3 đều có ít nhất 4 buổi thực hành trên các công trường. Đến năm học thứ 4, sinh viên phải tham gia tối thiểu 6 buổi tại các công trường.
Đặc biệt, trong chương trình đào tạo kéo dài 4,5 năm học, sinh viên phải hoàn thành 4 đồ án về quy hoạch, thiết kế, tổ chức thi công dưới sự hướng dẫn của các giảng viên có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy của Bộ môn Kỹ thuật công trình cũng như các giảng viên thỉnh giảng ở các trường đại học trong nước như Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Đại học Thủy Lợi Hà Nội.
Bên cạnh đó, sinh viên được tổ chức đi 03 đợt thực tập dài ngày tại các doanh nghiệp về công tác tổ chức hoạt động của doanh nghiệp, kỹ thuật thi công cũng như vận hành các loại thiết bị máy móc dùng trong xây dựng để tích lũy kiến thực và kinh nghiệm thực tiễn.
TS. Nguyễn Quang Lịch (Trưởng bộ môn Kỹ thuật công trình) giảng bài cho sinh viên đến từ trường Đại học Kasetsart, Thái Lan |
Đồng thời, một số khoá đào tạo ngắn hạn cũng được tổ chức với sự hướng dẫn và huấn luyện của các cán bộ kỹ thuật tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng có uy tín và chuyên nghiệp. Trước khi tốt nghiệp tất cả sinh viên đều phải đi thực tập 6 tháng tại các công ty tư vấn thiết kế, tư vấn tổ chức thi công, quy hoạch, cấp thoát nước và các công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật.
Để tạo cơ hội cho những sinh viên xuất sắc có điều kiện phát triển chuyên môn, mở rộng quan hệ hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhiều chương trình trao đổi sinh viên với các trường đại học nước ngoài có ngành kỹ thuật hạ tầng phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan luôn được Nhà trường, Khoa và Bộ môn quan tâm tổ chức và thúc đẩy. Nhiều sinh viên có trình độ tiếng Anh tốt đã có cơ hội tham gia chương trình trao đổi sinh viên ngay từ năm học thứ 2 trở đi. Bên cạnh đó hàng năm luôn có sinh viên các nước như Đài Loan, Thái Lan đến và học tập và nghiên cứu tại bộ môn Kỹ thuật công trình, khoa Cơ khí – Công nghệ
Tuyển sinh năm 2018, ngành KTCSHT tiếp tục được tuyển sinh với số lượng 80 chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia và xét tuyển thẳng dựa vào thành tích thi học sinh giỏi tại các kỳ thi quốc gia. Thông tin tuyển sinh bạn đọc có thể tham khảo sau đây:
Mã ngành | 7.58.02.10 |
Loại hình đào tạo | Chính quy, tập trung |
Thời gian đào tạo | 4,5 năm (145 tín chỉ) |
Chỉ tiêu tuyển sinh | 80 |
Tổ hợp môn thi | Toán - Lý - Hóa; Toán - Lý - Anh; Văn - Toán - Lý; Toán - Lý - Sinh |
Phương thức xét tuyển | Dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia và xét tuyển thẳng |
Liên hệ tuyển sinh | ĐT: 02343514294 -Website: http://ckcn.huaf.edu.vn |