Đào tạo các ngành STEM: Dịch chuyển cùng 4.0

GD&TĐ - Ông Jeffrey Goss, Phó Hiệu trưởng phụ trách các Chương trình tại Đông Nam Á - ĐH bang Arizona (Mỹ), cho biết: “Với việc ước tính khoảng 80% trong số 54 triệu lao động tại Việt Nam không có các kỹ năng phù hợp để tham gia vào nền kinh tế số, điều quan trọng là cùng nhau chúng ta phải xác định nhu cầu và tạo ra được các mô hình phù hợp song phải mang tính đổi mới trong GD-ĐT”.

Đào tạo các ngành STEM: Dịch chuyển cùng 4.0

Tích hợp đào tạo kiến thức và kỹ năng mềm

Làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đặt GD ĐH trước những thách thức rất lớn, các trường ĐH không thể dự đoán được những kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai do tốc độ thay đổi công nghệ diễn ra quá nhanh. Điều này đòi hỏi GD ĐH phải thay đổi cả chương trình lẫn phương thức đào tạo. Dạy học qua dự án (Project-based Learning - PBL) được đánh giá là phương pháp phù hợp giúp SV áp dụng các kỹ năng liên môn, liên ngành để đạt được những kỹ năng vượt ra khỏi nội dung sách vở thuần túy.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Hiện nay, chúng ta cũng đang dạy cho SV các môn học gần như riêng lẻ với nhau, SV học từng môn một và cuối khóa sẽ làm đồ án tốt nghiệp. Đây là một trong những lý do khiến cho SV và cả xã hội có nhận xét là thầy dạy nhiều, vì phải dạy những kiến thức, kỹ năng căn bản nhưng SV vận dụng sau khi ra trường lại không nhiều. Trong khi đó, có nhiều kiến thức khác các em lại không được học trong trường, nhiều kỹ năng ít được tập luyện như tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng tự học, tự nghiên cứu...”.

Cuộc CMCN 4.0 đã tác động mạnh mẽ lên thị trường lao động toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam và định hình lại nền kinh tế thế giới. Cùng với các tiến bộ trong công nghệ, những việc mang tính đơn điệu và lặp lại sẽ dần được tự động hóa nhằm nâng cao năng suất và lợi nhuận kinh doanh. Mặc dù quá trình chuyển dịch số đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều công việc bị thay thế, song nó không đồng nghĩa với việc sẽ có ít cơ hội việc làm hơn, hay con người ngày nay sẽ trở nên ít quan trọng hơn, đặc biệt trong lĩnh vực STEM.

Đại diện các doanh nghiệp tham gia Hội nghị Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học Việt Nam thường niên lần thứ 7 được tổ chức mới đây tại Đà Nẵng đã khẳng định rằng, để đạt được các mục tiêu thiết thực và bền vững, “con người với các kỹ năng phù hợp” sẽ là “nguyên liệu bí mật trong thế giới số”.

Bà Lê Duy Loan - một kỹ sư người Mỹ gốc Việt có 24 bằng sáng chế và là người phụ nữ đầu tiên được chọn vào Ban lãnh đạo kỹ thuật của Tập đoàn Texas Instruments - cho rằng, kỹ năng mềm quyết định 80% thành công của người lao động trong cuộc CMCN 4.0.

“Dù công nghệ có thay đổi như thế nào thì 50 - 60 năm nữa, chúng ta vẫn phải làm việc với con người. Việc làm của các kỹ sư khối STEM trong tương lai sẽ rất linh hoạt, ngoài mô hình truyền thống với một kỹ sư làm việc cho một tập đoàn, một nhà máy cho đến khi nghỉ hưu thì các kỹ sư có thể lựa chọn nhiều công việc cho nhiều đối tác khác nhau trong cùng một thời điểm và tự mình quản lý, lãnh đạo mình. Chính vì vậy, các kỹ năng mềm và khả năng thích ứng, tự đào tạo sẽ rất quan trọng”, bà Lê Duy Loan nói.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Doanh nghiệp cùng sẻ chia

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM: “Trong kỷ nguyên số, trường ĐH cần có các giải pháp để nâng cao chất lượng; đổi mới các hình thức đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho từng cá nhân học tập theo kế hoạch riêng; đưa người học vào môi trường của doanh nghiệp; tạo môi trường để người học phát triển năng lực bản thân và phát triển cái “khác biệt” của họ. Nếu không, kết quả đào tạo cũng sẽ như cũ, người học sẽ mất nhiều cơ hội”.

Từ nhiều năm nay, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã thành lập Hội đồng tư vấn doanh nghiệp để tư vấn cho nhà trường trong nhiều hoạt động như: Thiết kế, đánh giá và góp ý hiệu chỉnh chương trình đào tạo, phối hợp tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp, cung cấp nơi thực tập cho SV, định hướng ngành mới. Đây cũng là cơ sở để nhà trường triển khai thiết kế một số chương trình đào tạo theo dạng sandwich:

Hai học kỳ học trong trường, một học kỳ làm việc ở doanh nghiệp với chức danh trợ lý kỹ sư. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) cũng triển khai mô hình Học kỳ doanh nghiệp, giúp SV tiếp cận sớm và thường xuyên với môi trường sản xuất, kinh doanh thực tế thông qua việc tham gia làm việc bán thời gian tại doanh nghiệp hay cùng với giảng viên giải quyết một vấn đề phát sinh trong dây chuyền sản xuất trên cơ sở đề cương hướng dẫn của giảng viên…

PGS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp và nhà trường là cách thức để các cơ sở GD ĐH cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng những thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động ở lĩnh vực công nghệ.

“Thậm chí doanh nghiệp đầu tư vào các chương trình giảng dạy tại các cơ sở GD ĐH để tạo ra một nguồn nhân lực có kinh nghiệm thực tế ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Ngoài ra, cần phải đào tạo cả giảng viên, phải giúp giảng viên tiếp cận và ứng dụng những công nghệ dễ dàng thông qua làm việc thực tế cũng là một giải pháp. Giảng viên cũng buộc phải làm việc trong môi trường doanh nghiệp để lấy kinh nghiệm thực tế cho bài giảng của mình”, PGS. TS Nguyễn Quý Thanh nêu rõ.

Có cùng quan điểm như vậy, PGS.TS Đoàn Quang Vinh cho rằng, để phương pháp dạy học theo dự án có hiệu quả, các trường đào tạo khối ngành STEM rất cần sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp như đưa dự án vào nhà trường, cùng đội ngũ giảng viên của trường tham gia hướng dẫn SV thực hiện dự án…

“Với dạy - học theo dự án, các dự án thực tế được giảng viên và SV xây dựng hoặc phối hợp với doanh nghiệp, SV cũng có thể đề xuất dự án nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu. SV càng những năm cuối càng rất cần gắn kết với doanh nghiệp để tăng tính thực tiễn và ứng dụng cho dự án”. Tuy nhiên, “trước hết, giảng viên phải được đào tạo giảng dạy theo định hướng STEM. Nếu người thầy chỉ ở trong 4 bức tường của trường ĐH thì không thể dạy cho SV những công việc thực tế tại doanh nghiệp được”PGS.TS Đoàn Quang Vinh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.