Đạo đức trong kinh doanh bất động sản, ai quan tâm?

GD&TĐ - Trong khi vụ việc nhóm các công ty Alibaba tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán đất nền… trên giấy tại TPHCM vẫn đang trong quá trình điều tra, thì câu chuyện về đạo đức của người kinh doanh nói chung, người làm nghề phát triển bất động sản nói riêng một lần nữa lại được “đào xới” trong một cuộc hội thảo cùng chủ đề mới diễn ra tại TPHCM.

Công ty Alibaba - nơi tự xưng là chủ đầu tư khu Đô thị Tây Bắc Củ Chi (TPHCM)
Công ty Alibaba - nơi tự xưng là chủ đầu tư khu Đô thị Tây Bắc Củ Chi (TPHCM)

Đạo đức kinh doanh có đang “đơn độc”?

Hội thảo với chủ đề “Đạo đức kinh doanh và khởi nghiệp bất động sản” được cho là “khá nhạy cảm” diễn ra trong bối cảnh Công ty Alibaba - tự xưng là chủ đầu tư khu Đô thị Tây Bắc Củ Chi (TPHCM) - đang liên tục “đả kích” Hiệp hội Bất động sản TPHCM (Horea) lẫn thách thức và dọa dẫm báo chí khi đưa ra những thông tin gây bất lợi cho kinh doanh của doanh nghiệp.

Mở đầu Hội thảo, Luật sư Trương Thị Hòa cho hay luật pháp Việt Nam không thiếu hành lang pháp lý để chi phối đạo đức kinh doanh nói chung lẫn đạo đức kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản nói riêng. Đó là Điều 123 - Bộ Luật Dân sự năm 2015 với nội dung: “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu”. Bộ Luật hình sự 2015 cũng nêu rõ quan điểm sẽ xử lý trách nhiệm hình sự cả pháp nhân thương mại. Điều đó có nghĩa có thể xử lý hình sự những hành vi kinh doanh bất động sản trái luật.

Hoặc Luật Cạnh tranh cũng định nghĩa về vấn đề đạo đức kinh doanh như: “hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của DN trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của DN khác và của người tiêu dùng”. Và còn rất nhiều văn bản pháp luật khác như Luật Nhà ở, Luật Cạnh tranh, Luật quảng cáo, Luật Kinh doanh bất động sản… đều có nội dung giữ gìn đạo đức trong kinh doanh bất động sản.

Thế nhưng, không giống với những hội thảo về kinh tế tài chính, thị trường kinh doanh, hay đầu tư bất động sản mà Horea thường tổ chức trước đây, hội trường với khoảng 700 ghế thì chỉ có hơn 100 người đến dự, mà phần đông trong số ấy là các nhà báo! Theo nhà nghiên cứu kinh tế Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, hiện tượng ấy phần nào đang cho thấy mối quan tâm “thưa thớt” của công chúng nói chung đến một câu chuyện hết sức nghiêm túc là đạo đức trong kinh doanh.

Ai đó có thể biện minh rằng sự kiện của Horea quá “nhạy cảm”, hoặc cũng có thể được tổ chức quá gấp gáp nên thông tin đến công chúng chưa thực sự được như mong muốn. Hoặc bất động sản còn bao nhiêu vi phạm khác cần xử lý chứ không riêng gì sự việc liên quan tới Alibaba. Nhưng có một điều không thể chối cãi rằng hơn 100 người tham dự ở khán phòng hôm ấy dường như đều hướng mọi mối quan tâm về tiếng nói của người đại diện cơ quan chức năng – nơi được kỳ vọng sẽ cho công chúng câu trả lời xác đáng nhất về những “lùm xùm” mang tên Alibaba!

Cơ quan chức năng nói gì?

Có mặt tại Hội thảo, ông Trương Công Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM cho hay Dự án Khu Đô thị Tây Bắc Củ Chi mới chỉ được UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch 1/2000, hiện đang trong quá trình kêu gọi các nhà đầu tư tham gia. Hạ tầng tại đây chưa được đầu tư xây dựng. Dự án cũng chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng. Và hiện còn rất nhiều hộ dân đang sinh sống tại khu đất này.

Qua kiểm tra, xác minh tất cả các hồ sơ liên quan, Sở Xây dựng khẳng định TPHCM vẫn chưa chấp thuận giao cho Alibaba là chủ đầu tư khu đất này. Vì vậy, “việc Alibaba tự vẽ sơ đồ nền, tự ký phiếu đặt cọc giữ chỗ, huy động vốn từ khách hàng tại dự án trên dưới danh nghĩa chủ đầu tư là trái với quy định của pháp luật”, ông Nam khẳng định.

Vị Phó Chánh Thanh tra  cho hay Sở Xây dựng TPHCM đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để tìm giải pháp xử lý đúng quy định pháp luật với Alibaba. Ông Nam cũng cảnh báo nhà đầu tư góp vốn ở dự án mà Alibaba rao bán nên "có ứng xử phù hợp” để giảm thiểu thiệt hại tài sản!

Thật vậy, thông tin mới nhất từ Báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM gửi UBND TPHCM ngày 30/11/2017 đã khẳng định “hành vi tự nhận là chủ đầu tư để tạo niềm tin ban đầu và nhận tiền đặt cọc giữ chỗ tại khu đất do CTCP Alibaba Tây Bắc TPHCM và CTCP Địa ốc Alibaba công bố là Dự án Khu Đô thị Alibaba Tây Bắc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) của Bộ Công an và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) – Công an TPHCM đã triển khai thủ tục điều tra, thu thập chứng cứ để xử lý theo quy định”

Dự án gây tranh cãi pháp lý, người mua có biết không?

Từ câu chuyện đạo đức kinh doanh của DN đến sự vào cuộc của cơ quan chức năng và các cảnh báo xuất hiện đồng loạt trên các phương tiện truyền thông đại chúng, phải chăng những nhà đầu tư đã “xuống tiền” cho các dự án của Alibaba giờ như đang “ngồi trên đống lửa”?

Từ phía một doanh nghiệp cùng ngành, ông Nguyễn Đình Trung, Tổng Giám đốc Công ty Hưng Thịnh ái ngại nhận định “có rất nhiều người suốt ngày lo làm ăn buôn bán, lủi thủi tích cóp dành dụm cả đời để mua nhà, mua đất chứ biết đâu những thông tin như thế này”. Ngoài ra, dư âm của sự việc Alibaba khiến DN này khá lo lắng, bởi có thể khiến người tiêu dùng nhìn các công ty bất động sản như “quái vật”, ảnh hưởng đến uy tín các DN làm ăn nghiêm túc.

Trong khi đó, từ một góc nhìn khác, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành tin rằng người tiêu dùng ngày nay rất thông minh, chuyện bị lừa gạt là rất khó, “những người lần đầu tiên mua nhà thì rất kỹ tính vì đây là tài sản cả đời.

Còn những ai thường mua đi bán lại nhiều lần thì đã có quá nhiều kinh nghiệm, cũng không dễ bị gạt”. Ông Nghĩa cho rằng sở dĩ những dự án như “Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi” vẫn có khách hàng là vì một số người tiêu dùng tin rằng mua được những sản phẩm pháp lý chưa hoàn chỉnh thì mới kiếm được lãi cao. Còn đợi đến lúc dự án đã hoàn chỉnh pháp lý rồi thì không còn là cơ hội đầu tư nữa.

Phải chăng có những nhà đầu tư cá nhân dù biết có thể gặp rủi ro nhưng vẫn “xuống tiền” vì nghĩ rằng mình kịp chuyển “hòn than” qua tay người khác? Phải chăng khi nói đến đạo đức kinh doanh là chỉ nói đến các doanh nghiệp? Những công bố trong nay mai của các cơ quan chức năng về kết quả điều tra tại Alibaba tin rằng sẽ mang lại cho mỗi người một câu trả lời thỏa đáng.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Làm trắng răng bằng cách chà mặt trong của vỏ chuối lên hàm răng mới đánh sạch trong khoảng 2 phút mỗi ngày. (Ảnh: ITN).

Bất ngờ công dụng của vỏ chuối

GD&TĐ - Vỏ chuối có rất nhiều công dụng mà có thể bạn chưa bao giờ nghĩ tới. Bài viết này chia sẻ với bạn những cách tận dụng vỏ chuối vô cùng thông minh.

Học sinh tham gia hoạt động mừng xuân trước kỳ nghỉ Tết. Ảnh: L.T.

Ngóng Tết

GD&TĐ - Năm nào cũng vậy, tuần học giáp Tết Nguyên đán, giáo viên luôn nhận được những câu hỏi xoay quanh thời gian nghỉ Tết của học trò.