Bộ này cho “bay”, bộ kia níu lại!

Đó là trường hợp của hãng hàng không Vietstar Airlines khi xin phép mở rộng quy mô hoạt động

Bộ này cho “bay”, bộ kia níu lại!

Sau 4 năm hoạt động, hãng hàng không Vietstar Airlines muốn tăng vốn, mở rộng quy mô lên 10 máy bay với thị trường mục tiêu là vận chuyển hành khách, hàng hóa trên trục Bắc - Nam nội địa và khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Tuy nhiên, hãng hàng không này có nguy cơ khó đạt nguyện vọng trước những rào cản từ khâu thẩm định.

Vận dụng quy định không thống nhất

Trả lời câu hỏi của báo chí tại cuộc họp báo mới đây về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết VPCP vẫn đang lấy ý kiến của cơ quan liên quan để tổng hợp, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Số phận của Vietstar Airlines chưa được định đoạt nhưng hiện 2 trong số các cơ quan tham mưu có tiếng nói quan trọng nhất trong việc này là Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Tài chính lại có ý kiến trái nhau khi thẩm định điều kiện cấp phép cho Vietstar Airlines, cụ thể là năng lực tài chính.

Máy bay của Vietstar Airlines chờ được cấp phép mở rộng quy mô Ảnh: THANH BÌNH
Máy bay của Vietstar Airlines chờ được cấp phép mở rộng quy mô Ảnh: THANH BÌNH

Theo Nghị định 30/2013 của Chính phủ về việc kinh doanh vận tải hàng không và hoạt động hàng không chung, doanh nghiệp (DN) khai thác dưới 10 máy bay phải có vốn điều lệ 700 tỉ đồng. Trường hợp góp vốn bằng tiền phải có văn bản của ngân hàng xác nhận khoản tiền tương đương phong tỏa tại ngân hàng.

Đối với trường hợp vốn góp bằng tài sản, bất động sản (BĐS) phải có văn bản của tổ chức định giá có thẩm quyền xác nhận giá trị quy đổi thành tiền của tài sản, BĐS. Trong hồ sơ xin phép, Vietstar Airlines nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán đến ngày 31-12-2015 để thay thế văn bản xác nhận vốn theo quy định nêu trên và được Bộ GTVT cho là phù hợp quy định.

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, vốn chủ sở hữu của hãng đạt 652,7 tỉ đồng, do đã dùng nguồn vốn để chi cho các hoạt động trong giai đoạn đầu vận hành nên còn thiếu vốn tối thiểu 47,3 tỉ đồng. Số vốn còn thiếu được DN cam kết bổ sung để hoàn thiện hồ sơ sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cấp phép. Xác định Vietstar Airlies đủ điều kiện cấp phép, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ xin chấp thuận hồ sơ cấp phép của Vietstar Airlines.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại cho rằng Vietstar chưa đáp ứng đủ điều kiện của Nghị định 30. Cụ thể, việc xác nhận vốn của Vietstar mới chỉ được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM thực hiện, chưa có văn bản nào khác là chưa đủ cơ sở để khẳng định công ty đã đáp ứng đủ điều kiện về vốn.

DN có thể bị mất cơ hội

Trước cách vận dụng pháp luật khác nhau của cơ quan quản lý, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng hiểu như Bộ Tài chính là cứng nhắc. Đối với những ngành nghề kinh doanh phải có vốn pháp định thì trong hồ sơ đăng ký kinh doanh phải có văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với ngành nghề kinh doanh đó.

Trong trường hợp này, Vietstar Airlines đã có báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất đánh giá tổng tài sản của DN và có ý kiến của Bộ GTVT là đủ. Nếu yêu cầu DN có 700 tỉ đồng phong tỏa ở ngân hàng chờ xin cấp phép hoặc có bảo lãnh tín dụng tương đương là không cần thiết, làm tăng chi phí cho DN.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cũng nhìn nhận Vietstar Airlines xin cấp phép bay tại thời điểm này lẽ ra phải thuận lợi hơn những DNTN trước đây vì có nhiều quy định mới thoáng hơn. Trước năm 2013, các nhà đầu tư muốn xin giấy phép hoạt động hàng không phải có đủ vốn pháp định vài trăm tỉ đồng “nằm chết” 2-3 tháng ở ngân hàng cho đến khi được hoặc không chấp thuận cấp phép.

Nghị định 30 đã tạo điều kiện cho nhà đầu tư bằng quy định chỉ đến khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cấp phép, DN mới phải hoàn thiện hồ sơ có văn bản xác nhận tài khoản ở ngân hàng, rút ngắn thời gian vốn nằm chết ở ngân hàng xuống còn khoảng 15 ngày. Còn Nghị định 76/NĐ/2015 về kinh doanh BĐS đã cho phép chứng minh vốn chủ sở hữu đối với DN đang hoạt động là được sử dụng báo cáo tài chính được kiểm toán ở năm gần nhất.

“Hãng hàng không Vietjet Air khi tăng quy mô từ 10 lên 20 máy bay và từ 20 lên 30 máy bay cũng chứng minh vốn pháp định bằng các báo cáo tài chính đã kiểm toán để chứng tỏ vốn chủ sở hữu đã đáp ứng theo yêu cầu của pháp luật. Chỉ số vốn phải bổ sung mới cần bảo lãnh của ngân hàng. Hiện nay, Vietstar Airlines cũng đang xin tăng quy mô như vậy nhưng lại gặp khó khăn” - ông Cường so sánh.

Trước cách vận dụng pháp luật rất khác nhau của các cơ quan quản lý, nhà đầu tư có thể bị mất cơ hội kinh doanh. Ông Lương Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Vietstar Airlines, bức xúc: “Chúng tôi là DN, muốn đầu tư phát triển thị trường hàng không Việt Nam. Chúng tôi không xin gì ngoài quyền kinh doanh. Đất nước có thêm hãng hàng không thì người tiêu dùng được lợi, người lao động được lợi và ngân sách nhà nước cũng được lợi.

Bộ Tài chính yêu cầu chung chung thực hiện theo Nghị định 30 là rất khó cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ đăng ký làm việc với Bộ Tài chính nhằm hiểu rõ hơn yêu cầu về vốn để thực hiện cho đúng ý của cơ quan này. Chúng tôi cần Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể trên tinh thần hỗ trợ DN đầu tư, kinh doanh” - ông Lương Hoài Nam nói.

Bộ Quốc phòng cùng ý kiến với Bộ GTVT

Trong công văn gửi VPCP góp ý về việc cấp phép cho Vietstar Airlines, Bộ Quốc phòng cho rằng DN này đang hoạt động bay lưỡng dụng và kinh doanh hàng không chung hiệu quả.

Trước nhu cầu vận chuyển hàng không nội địa và quốc tế, nâng cao vị thế cạnh tranh của Việt Nam đối với lĩnh vực hàng hóa, hàng không quốc tế, Bộ Quốc phòng thống nhất với đề nghị của Bộ GTVT về việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines nhằm mục đích mở rộng phạm vi hoạt động của công ty trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, hành khách nội địa và quốc tế.

Theo nld.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...