Tuy nhiên, nguồn cung của phân khúc này tại Hà Nội đang ngày càng khan hiếm vì cung thấp hơn cầu mà nguyên nhân chính là đầu tư vào phân khúc này không hề dễ dàng.
Cầu vượt cung
Vào những năm 2013 - 2014, khi thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng, phát triển các dự án nhà ở dưới 1 tỷ đồng được coi là “hấp dẫn” của nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS.
Đến nay, khi thị trường bắt đầu khởi sắc, kéo nhiều nhà đầu tư trở lại đặc biệt là các tập đoàn lớn với dòng sản phẩm cao cấp, trung cấp thì phân khúc nhà giá dưới 1 tỷ đồng lại càng ít dần trên thị trường khi số dự án khởi công mới hầu như là không có.
Số liệu thống kê từ Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, tại khu vực Hà Nội vẫn còn rất nhiều người có nhu cầu thuê, thuê mua, mua nhà ở, nhà ở thu nhập thấp với tổng diện tích lên tới 5,5 triệu m2 (tương đương 110.000 căn hộ và 11.000 chỗ ở cho công nhân trong các khu công nghiệp).
Khảo sát tại Hà Nội hiện nay, nguồn cung các dự án có giá trung bình đang được mở bán không nhiều, chỉ có tại một số dự án như: Golden Central Tower (khu đô thị mới Kim Văn Kim Lũ - quận Hoàng Mai) với giá khoảng 19 triệu đồng/m2; The Golden An Khánh với giá 12-14 triệu đồng/m2; FLC Garden City và The Vesta Phú Lãm (Hà Đông)...
Mới đây nhất, Hải Phát Land đã tung ra thị trường dự án Thăng Long Victory với mức giá chỉ 1 tỷ đồng cho một căn hộ ba phòng ngủ có diện tích hơn 90m2.
Ngoài ra khách hàng mua căn hộ tại thời điểm này còn được chủ đầu tư tặng 3 năm phí dịch vụ quản lý tòa nhà. Là một phần của dự án The Vesta - V3 Prime cũng được Hải Phát Land mở bán với giá chỉ 15 triệu đồng/m2.
Theo chủ đầu tư, mặc dù gặp nhiều khó khăn khi gói vay 30.000 tỷ đồng đã chính thức kết thúc nhưng có vẻ như với tiềm lực tài chính ổn định, chủ đầu tư dự án này vẫn đang nỗ lực hoàn tất dự án này vào đầu năm 2017.
Sẽ tiếp tục thiếu
Nói về vấn đề khan hiếm nhà giá thấp, ông Nguyễn Văn Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty Nhà Phát - cho rằng, cũng vì một phần là do lợi nhuận của phân khúc này thấp nên không thu hút nhiều chủ đầu tư.
Trong khi đó, từ khi bắt đầu một dự án, hoàn thành thủ tục phải mất một thời gian khá dài, có khi đến vài năm, bỏ ra rất nhiều chi phí nhưng lợi nhuận thu về thấp nên các doanh nghiệp ngại không muốn tham gia vào phân khúc này.
“Thêm nữa, do thời gian qua, khi thị trường BĐS sau nhiều năm “đóng băng” đã phục hồi và khởi sắc trở lại, nhà giá trên 1,5 tỷ đồng có giao dịch khá tốt khiến các chủ đầu tư đua nhau lao vào đầu tư.
Bởi đầu tư vào phân khúc trung và cao cấp thì tỷ suất lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều so với đầu tư xây dựng các dự án nhà ở có giá rẻ. Vì vậy, nhà dưới 1,5 tỷ đồng vẫn tiếp tục khan hiếm trong năm 2017 này” - Ông Nguyễn Văn Ngọc nhận định.
Đại diện một chủ đầu tư BĐS tại Hà Nội cũng tiết lộ nguyên nhân khiến các dự án nhà ở giá rẻ khan hiếm trong thời gian vừa qua cũng như thời gian tới là do sự tác động của các chính sách, đặc biệt là chính sách tín dụng.
Trong đó, có thể coi việc gói 30 nghìn tỷ đồng bị tạm ngừng giải ngân và dừng ký vay mới đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý chung của cả nhà đầu tư lẫn người mua nhà.
Trong khi người mua nhà chờ đợi chính sách hỗ trợ mới để có thể tiếp cận dễ dàng trong việc sở hữu một căn nhà, thì với các chủ đầu tư, việc thay đổi về mặt chính sách chứa nhiều “rủi ro”, khiến doanh nghiệp phải cân nhắc, tính toán kỹ hơn kế hoạch triển khai các dự án nhà ở giá rẻ.
Bởi vậy, theo đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam thời gian tới Hiệp hội sẽ có kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý Nhà nước có những hành động cụ thể để cảnh báo các khuynh hướng lệch lạc, đồng thời định hướng các doanh nghiệp tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô nhỏ, giá thấp để làm cho thị trường cân bằng hơn và đáp ứng đúng nhu cầu và khả năng thanh toán của người tiêu dùng.